Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Nước sạch, chủ đề Ngày Nước Thế Giới 2010

Tại các nước đang phát triển, hơn 90% nước cống và 70% chất thải công nghiệp không được xử lý được xả vào các sông hồ. Cho nên, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh « việc bảo vệ các nguồn nước ít tốn kém hơn là việc thanh lọc nước bị ô nhiễm. »

Unwater/Narayan Wagel
Quảng cáo

Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1992, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định là hàng năm, kể từ năm 1993, ngày 22 tháng 3 sẽ là Ngày Nước Thế Giới. Lý do là vì, theo tổ chức quốc tế « cuộc sống của nhân loại tuỳ thuộc vào cách chúng ta bảo vệ chất lượng của các nguồn nước. »

Năm nay Ngày Nước Thế Giới chọn chủ đề nước sạch vì nó tác động đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới và đến sự cân bằng của môi trường thiên nhiên. 

Liên Hiệp Quốc Nhận thấy là chất luợng của nước giảm đi khắp nơi trên thế giới vì những lý do sau đây : tình trạng đô thị hoá gia tăng do dân số gia tăng và việc thải ra chất hóa học từ công nghiệp và từ việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu, nhất là sự kiện thời tiết trở nên nóng hơn và lưu lượng sông ngòi thay đổi cũng có tác động trên chất lượng và khối lượng của nước.

Trước Ngày Nước Thế Giới, Viện Nước quốc tế Stockholm đã công bố số liệu cho thấy là mỗi năm trên thế giới có hơn 3,6 triệu người (trong đó có 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi) tử vong vì các bệnh dịch tả, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn … mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nước bẩn.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh con số này vượt qua số người chết vì chiến tranh hoặc vì các thiên tai hàng năm. Ông cảnh báo là nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm, đồng thời ông nhấn mạnh là cả chất lượng và khối lượng nguồn nước sạch đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo một bản báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), 87% dân số thế giới có được nước sạch. Còn 39% dân số thế giới (tức là hơn 2,6 tỷ người) không có hệ thống vệ sinh cơ bản và trong năm 2008 còn 17% dân số thế giới vẫn chưa có nhà vệ sinh, dẫn đến một số bệnh đôi khi gây chết người như là bệnh tiêu chảy.

Tại các nước đang phát triển, hơn 90% nước cống và 70% chất thải công nghiệp không được xử lý được xả vào các sông hồ. Cho nên, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là « việc bảo vệ các nguồn nước ít tốn kém hơn là việc thanh lọc nước bị ô nhiễm. »

Trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng về nước, điều dáng tiếc là ở hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, người nghèo, người dân vùng nông thôn và miền núi vẫn đang còn có ít khả năng được có một nguồn nước an toàn.

Do vậy mà một số tổ chức phi chính phủ chủ trưong là phải coi quyền được hưởng thụ nước sạch không kém các quyền khác và cần được đưa vào luật như là một yếu tố của quyền con người. 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.