Vào nội dung chính
THỂ THAO - TOUR DE FRANCE

Tour de France : Sức bền tinh thần quyết định chiến thắng

Cuộc đua xe đạp đường trường Vòng quanh nước Pháp Tour de France, với chiều dài 3500 km, trải dài trong 23 ngày, là một cuộc thi đấu cả về sức bền thể lực, nhưng sức mạnh tinh thần đóng vai trò quyết định chiến thắng.

Tour de France là cuộc đua đường trường khắc nghiệt, vắt kiệt sức lực của các vận động viên.
Tour de France là cuộc đua đường trường khắc nghiệt, vắt kiệt sức lực của các vận động viên. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

Đến hôm nay (21/07), chỉ còn 3 chặng nữa đoàn đua Tour de France sẽ về đích, hoàn thành cuộc đua trường kỳ kéo dài gần một tháng. Khi các tay đua đều đã rất mệt mỏi về thể lực, thì cái đầu sẽ thay thế cho đôi chân trên đường đua. Tất cả các tay đua đều phải biết cách duy trì trạng thái tinh thần tốt nhất, nếu họ muốn có được chiến thắng.

Ông Stéphane Goubert, giám đốc kỹ thuật của đội đua AG2R La Mondiale, nhấn mạnh, đến những chặng cuối của cuộc đua, hầu hết các tay đua đều đã vắt kiệt sức lực, giống như cuộc thi marathon ở những km cuối cùng. Tất cả những tay đua còn trụ lại được đều rất mệt mỏi và có những chấn thương nhỏ về cơ bắp.

Để vượt lên trên vấn đề thể lực, một yếu tố không thể thiếu là tinh thần. Ông giải thích thêm : "Chính những tay đua mạnh mẽ về tinh thần sẽ tạo được sự khác biệt. Vì thế phải vượt lên trên chính bản thân mình, biến sự mệt mỏi thành sức bền bỉ và mạnh mẽ."

Theo Frédéric Grappe, phụ trách chuyên môn của đội đua FDJ, thì chỉ bộ não là quyết định sự mệt mỏi. Gần đây các chuyên gia về thể lực đưa ra khái niệm « mệt mỏi trung tâm », đó chính là sự mệt mỏi thực sự, tích tụ ở não bộ. Chính nào là yếu tố giới hạn trong nỗ lực về độ dẻo dai trong vòng đua lớn này chức không phải là cơ bắp.

Trên đường đua Tour de France, các vận động viên luôn phải chịu sức ép tối đa, do phải tập trung vào đường đua, bị tác động của môi trường thi đấu từ các cổ động viên, vì thế họ mệt mỏi là điều không thể tránh được. Điều khó khăn nhất đối với các tay đua của Tour de France là họ phải không được một phút buông lơi thi đấu.

Chỉ cần vài phút mất tập trung, các tay đua có thể bị trượt vòng cua và bị ngã hay tụt lại phía sau. Điều làm nên sự khác biệt giữa các nhà vô địch lớn và những tay đua khác, đó là sự tập trung từng ngày thi đấu. Nếu cái đầu mà để mệt mỏi thì sẽ thấy khác ngay.

Bởi vậy, các tay đua phải làm mọi cách để duy trì cái « vốn tinh thần » đó để làm sao cho đến những chặng cuối cuộc đua vẫn giữ được cái đầu tỉnh táo. Để làm được như vậy họ phải tập luyện rất kỹ.

Trong thời gian thi đấu, không có bài thuốc kỳ diệu nào để giữ gìn sự tỉnh táo ngoài sự bình tâm, ông Cristian Valente, chuyên gia xoa bóp của tay đua người Ý Fbio Aru, hiện xếp thứ 2 Tour de France, khẳng định.

Theo chuyên gia này thì trong lúc nghỉ ngơi không thi đấu, các tay đua « cần phải tán phét, nói chuyện về gia đình hay về xe hơi, càng ít nói về xe đạp thì càng tốt ». Họ phải có khả năng đặt mình vào trạng thái thư giãn hoàn toàn. Điều này không hề dễ gì mà phải làm theo kỹ thuật.

Chuyên gia này giải thích, "người ta vẫn nghĩ xoa bóp tác động lên cơ bắp, như vậy là sai. Trong một giờ xoa bóp, chỉ có 15 phút dành cho cơ bắp, 45 phút còn lại chủ yếu là để thả lỏng tinh thần thực sự giúp cho bộ não có thể phục hồi tốt hơn".

Còn ông Frédéric Grappe thì cho rằng, khi nghỉ ngơi trong phòng, các tay đua thường có xu hướng dán mắt vào điện thoại, hay đóng cửa ở một mình. Đó cũng không phải là cách tốt để nghỉ ngơi tĩnh tâm. Thư giãn phục hồi tinh thần là một nghệ thuật phải luyện và biết cách điều tiết.

Một vận động viên trong thi đấu như một chiếc lò xe bị kéo căng và khi co lại để thu hồi năng lượng. Càng đến chặng cuối của cuộc đua năng lượng còn lại của các tay đua chỉ còn lại rất ít và tập trung ở phần đầu chứ không phải ở phần cơ bắp của đôi chân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.