Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thống nhất nước Đức : Đà bật dậy của Đông Berlin

Đăng ngày:

Trong chiến tranh lạnh, Đông và Tây Berlin từng là tủ kính để cả hai khối Tư Bản và Cộng Sản phô trương thanh thế. Berlin nay chỉ còn là một để trở thành một trung tâm kinh tế và quyền lực bậc nhất của châu Âu.

Logo của hãng xe Mercedes sáng chói trên bầu trời Berlin.
Logo của hãng xe Mercedes sáng chói trên bầu trời Berlin. Reuters
Quảng cáo

Berlin là một trong những thành phố có đời sống văn hóa phong phú nhất, có những trường đại học và các trung tâm nghiên cứu vào bậc nhất châu Âu.

Nước Đức thống nhất nay là nền kinh tế số một, là đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu. Là một người sống lâu năm tại Berlin, nhà báo Lê Mạnh Hùng cảm nhận thấy sức bật dậy của Đông Berlin hàng ngày :

01:48

Nhà báo Lê Mạnh Hùng-Berlin1

Những thành công vượt bậc

Nhà ga Berlin Hauptbahnhof, lớn nhất châu Âu, được khánh thành năm 2006. Trong ba thập niên qua, hàng loạt các bệnh viện, trường học và các cơ quan của chính phủ đã lần lượt ra đời. Trong số này phải kể đến tòa nhà Quốc Hội hình quả cầu trong suốt, để lúc nào công chúng cũng có thể quan sát các nhà lập pháp. Trung tâm quyền lực của Đức đã được chuyển hẳn về Berlin. Các tập đoàn lớn của nền công nghiệp Đức từ hãng xe Mercedes Daimler đến Siemens đều đã dời trụ sở về Berlin để khẳng định đây là kinh đô kinh tế của nước Đức.

Các tập đoàn quốc tế từ hãng nước ngọt Coca Cola của Mỹ cho đến tập đoàn điện tử Nhật Bản Sony đều cắm địa bàn tại Berlin. Sony thậm chí còn xây dựng cả một trung tâm mang tên mình tại khu Postdamerplatz. Sony Center được coi là một trong những công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu nhất của thành phố Berlin thế kỷ 21. Berlin còn là vương quốc của ngành báo chí. Trung tâm MediaSpree được các phương tiện truyền thông Đức từ TV Berlin đến đài truyền hình Deutsche Welle TV đặt tổng hành dinh. Cách đó không xa là trụ sở của báo Die Welt …

Trên nấc thang du lịch, Berlin là một trong ba địa điểm có sức hút nam châm mạnh nhất, sau có Paris và Luân Đôn. Để có được thành quả đó, theo nghiên cứu công bố năm 2014, nhân kỷ niệm 25 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh tế tại Berlin SED-Staat đưa ra con số 2.000 tỷ euro là cái giá chính phủ Đức đã chi ra để tài trợ tiến trình thống nhất đất nước.

Và những thất vọng

Sự phát triển của Đông Berlin trong suốt ba thập niên tiêu biểu cho thành công khá tốt trên con đường thống nhất. 70 % những người dân tại Đông Berlin cũ nhìn nhận đời sống vật chất của họ đã được cải thiện. Nhưng điều đó không cấm cản, chính một phần những người này cho biết "vẫn có một chút vị đắng ở bên trong thành công chói lọi đó". Nhà báo Lê Mạnh Hùng giải thích :

01:46

Nhà báo Lê Mạnh Hùng - Berlin 2

Khác biệt Đông -Tây, sân chơi của đảng cực hữu

Ngay chính tại thủ đô Berlin, để phân biệt hai miền Đông với Tây thành phố trước kia, chỉ cần nhìn vào hệ thống giao thông công cộng. Đông Berlin có xe điện trên mặt đất, tramway. Còn ở phía Tây là hệ thống xe điện ngầm. Nhìn rộng ra hơn ngoài phạm vi Berlin, những khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức ba thập niên trước vẫn tồn tại. Tỷ lệ thất nghiệp tại Đông Đức cũ cao hơn so với bên Tây Đức ; tỷ lệ phụ nữ đi làm ở tại các vùng từng thuộc khối Xã Hội Chủ Nghĩa cao hơn so với tại các vùng Lander từng thuộc Cộng Hòa Liên Bang Đức. Cho đến năm 2018, thống kê của chính phủ Đức vẫn cho thấy thu nhập bình quân đầu người tại 5 miền từng thuộc về Đông Đức cũ chỉ tương tương với 74,7 % thu nhập của Tây Đức.

Từ một hai năm trở lại đây, từ ngữ WeissisOssis dùng để chỉ người Đông Đức và Tây Đức xuất hiện trở lại trong một số câu chuyện hàng ngày ở thủ đô Berlin và trên toàn quốc. Cũng có người cho rằng, trên thực tế kể từ ngày 03/10/1990, Đông Đức đã bị người anh em bên phía Tây "thôn tính", khi mà hàng loạt các nhà máy quốc doanh của phía Đông không đủ sức cạnh tranh phải tự đóng cửa.

3,5 trong số 10 triệu người lao động tưởng chừng được bảo đảm công việc làm suốt đời bị mất việc, và những người dân tại một nước Xã Hội Chủ Nghĩa ngày một ngày hai mất hết những ưu đãi xã hội.

Trong buổi lễ kỷ niệm 29 năm ngày thống nhất đất nước, thủ tướng Đức, Angela Merkel, một người Đông Đức cũ đã nhìn nhận nước Đức đã đạt được "những thành tựu tuyệt vời nhưng đó chỉ là một phần sự thật, bởi vì vẫn còn một đa số người Đông Đức cũ cảm thấy bị bỏ rơi và chỉ có chưa đến 40 % trong số này xem đấy là một thành công".

Khoảng cách Đông - Tây đó đang bị đảng cực hữu có tinh thần bài ngoại khai thác để kiếm phiếu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.