Vào nội dung chính
ĐỨC - BỨC TƯỜNG BERLIN

Berlin, 30 năm một cuộc cách mạng hòa bình

Kể từ ngày 04/11/2019 đến 10/11/2019, tại Berlin diễn ra hàng chục sinh hoạt, lễ hội đánh dấu 30 năm ngày một thành phố, một đất nước và cả thế giới không còn bị ngăn đôi. Đỉnh điểm mùa lễ hội năm nay là buổi hòa nhạc đêm mồng 9/11 tại Cổng Thành Brandenburger, biểu tượng Tự Do của một thành phố từng bị chia đôi.

Hình ảnh cựu tổng bí thứ đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev hôn cựu lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, được chiếu trên một mảng tường Berlin còn lại, Berlin, Đức, ngày 04/11/2019
Hình ảnh cựu tổng bí thứ đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev hôn cựu lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker, được chiếu trên một mảng tường Berlin còn lại, Berlin, Đức, ngày 04/11/2019 REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Cũng tại cồng thành nổi tiếng này, hai sự kiện đã diễn ra từ đầu tuần : Nổi bật nhất là một tấm thảm khổng lồ với muôn vàn tâm tình của người dân Đức phất phới bay trong gió trên con lộ 17 Tháng Sáu. Tấm thảm nhiều mầu ấy được nghệ sĩ người Mỹ, Patrick Shearn “dệt” bằng 100.000 mảnh vải mỏng, với 30.000 lời nhắn nhủ, tâm sự và ước mơ hòa bình và hạnh phúc của những con người từng sống trên một đất nước bị chia cắt. Tác phẩm nghệ thuật thứ nhì được trưng bày ngay ở địa điểm then chốt này của thủ đô Berlin là một tác phẩm xếp đặt nghệ thuật mang nhan đề “Bức tường chính kiến” mà ở đó các tác giả đã nêu bật vết hằn từ sự phân chia trong xã hội do những bức tường gây nên, cách xoa dịu những viết thương đó …

Về nghệ thuật sân khấu, nhà hát Deutsch Theater cho diễn một loạt các vở kịch, tổ chức nhiều buổi nói chuyện về “cuộc cách mạng hòa bình” của 30 năm về trước. Deutsch Theater từng là điểm hẹn của giới nghệ sĩ, trí thức Đông Berlin hội họp để bàn về chiến lược đấu tranh vì tự do, dẫn tới sự sụp đổ của Bức Tường 30 năm trước. Còn tại quảng trường mang tên Đại Đế Alexandre I của Nga, tối mồng 04/11/2019 đoàn kịch PKRK đã kết hợp thể loại kịch và múa để hồi tưởng lại đúng giờ này 30 năm trước, hàng trăm ngàn người dân Đông Berlin đã tràn ngập quảng trường Alexanderplatz để tự định đoạt lấy tương lai nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Quảng trường này năm xưa, tại một quốc gia Cộng Sản độc tài, người dân Đông Berlin đã hô to khẩu hiệu “Chúng Tôi Là Nhân Dân” đòi tự do và dân chủ. Gần khu vực East Side Gallery, nơi còn lại một “mẩu” của bức tường thành có chiều dài 155 km, cao 3,5 mét từng phong tỏa Tây Berlin trong lòng một đất nước Đông Đức Xã Hội Chủ Nghĩa, suốt từ tháng 6/1961 đến cái đêm định mệnh 09/11/1989 dọc theo bờ kè dòng sông Spree là hàng loạt các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật khác : nào là các buổi hòa nhạc, chiếu phim, rọi đèn nghệ thuật hay những vở kịch ngắn về hai bộ mặt của cùng một thành phố. Ở bên phía Tây bức tường, là cảnh người người ăn chơi nhảy múa, ở phía Đông là những con người lam lũ … Đến đêm mồng 9 tháng 11, thị trưởng Berlin, tổng thống Đức sẽ cùng có bài phát biểu trước buổi hòa nhạc khổng lồ mừng 30 một Cuộc Cách Mạng diễn ra trong Hòa Bình.

Du khách quốc tế, nhất là từ Áo và Hungary và cả những người dân Đức ở các thành phố khác đang tề tựu về Berlin. Nhiều khách sạn chung quanh khu trung tâm lịch sử đã kín phòng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.