Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Châu Âu chuẩn bị xem xét việc gia hạn Brexit một lần nữa

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu vào hôm qua, 22/10/2019 đã yêu cầu các thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận việc hoãn ngày Brexit lần thứ ba. Ông Donald Tusk đã loan báo quyết định trên trong một tin nhắn Twitter khuya hôm qua, ngay sau cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện Anh về Brexit, nhưng có khả năng dẫn đến một cuộc bầu cử trước thời hạn tại Anh Quốc.

Tại Nghị Viện Anh, thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tạm dừng việc xem xét dự luật Brexit, ngày 22/10/2019.
Tại Nghị Viện Anh, thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tạm dừng việc xem xét dự luật Brexit, ngày 22/10/2019. ©UK Parliament/Jessica Taylor/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua đã gặt hái thành công đầu tiên: Hạ Viện rốt cuộc đã đồng ý về nguyên tắc thỏa thuận Brexit mới mà ông đã ký với Bruxelles. Tuy nhiên các dân biểu đã bác bỏ lịch trình thảo luận cấp tốc về nội dung văn bản dài 110 trang từ nay đến thứ Năm 24/10 mà ông muốn áp đặt trên các nhà lập pháp.

Trước quyết định từ chối của Hạ Viện, ông Johnson tuyên bố đình chỉ việc xem xét thỏa thuận cho đến khi Liên Hiệp Châu Âu đưa ra quyết định về việc dời ngày Brexit, hiện được ấn định vào ngày 31/10.

Theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, việc các dân biểu từ chối xem xét khẩn cấp luật về thỏa thuận Brexit sẽ khiến cho Vương Quốc Anh không thể chia tay Liên Hiệp Châu Âu vào đúng ngày 31/10, và như vậy hôm qua thủ tướng Anh chỉ thành công nửa vời:

Boris Johnson đã đạt vượt qua được một cột mốc quan trọng khi rốt cuộc đã giành được sự chấp thuận của Nghị Viện về một thỏa thuận Brexit, điều mà người tiền nhiệm của ông là bà Theresa May đã thất bại ba lần.

Thế nhưng đó là một chiến thắng cay đắng đối với người đã không ngừng lặp đi lặp lại trong nhiều tháng trời rằng Anh Quốc sẽ ra đi vào ngày 31 tháng 10 bằng bất cứ giá nào. Lý do là vì ý muốn buộc Hạ Viện phải thông qua luật Brexit trong vỏn vẹn ba ngày, đã bị bác bỏ, và như vậy, cuộc ly dị với châu Âu không thể diễn ra đúng ngày ông mong muốn.

Nhiều dân biểu đã cho rằng xem xét một văn kiện hệ trọng như vậy trong vỏn vẹn ba ngày là một việc làm vô trách nhiệm, cho nên họ đã bác bỏ yêu cầu của ông Johnson.

Hệ quả là số phận của tiến trình Brexit lại chênh vênh. Boris Johnson đã tuyên bố tạm dừng việc xem xét dự luật Brexit và cho biết ông muốn tham khảo ý kiến ​​các lãnh đạo châu Âu để biết rõ ý định của họ. Nhưng đồng thời ông lại cảnh báo rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường chuẩn bị đối phó với trường hợp ra đi không thỏa thuận.

Thế nhưng Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã cho biết rằng ông sẽ đề nghị với 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận yêu cầu gia hạn của Anh.

Cho dù vậy, phủ thủ tướng Anh tiếp tục nói rằng nếu Brexit bị hoãn cho đến tháng Giêng năm tới, chủ trương của ông Johnson vẫn là tổ chức bầu cử trước thời hạn. Điều này sẽ cho phép thủ tướng Anh phô trương vai trò người hùng của Brexit trước một nghị viện ngoan cố.

Vấn đề là việc bầu cử sớm lại không tùy thuộc vào ông Johnson, vì cần được phe đối lập đồng ý. Ngoài ra, thời hạn Brexit mà châu Âu dành cho ông cần phải đủ lâu.

Thủ tướng Anh đã xin châu Âu một thời hạn ba tháng. Tuy nhiên, các lãnh đạo 27 thành viên hoàn toàn có thể thu ngắn hay kéo dài thời hạn đó.

Theo ông Anand Menon, một chuyên gia về Brexit, Bruxelles có thể chấp nhận dời ngày Brexit đến 31/01 như Luân Đôn yêu cầu, nhưng để cho Anh quyền ra đi sớm hơn nếu đã sẵn sàng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.