Vào nội dung chính
SYRIA - THỔ NHĨ KỲ - NGA

Syria: Erdogan tấn công, Putin hưởng lợi

Với việc tổng thống Mỹ thông báo rút quân khỏi miền bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng người Kurdistan, vai trò của tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc xung đột Syria càng được củng cố. Vừa làm trọng tài, tổng thống Putin lại là người hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng tình hình hiện nay không phải là không chứa đựng nhiều nguy cơ đối với Matxcơva.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, ở Ankara, ngày 16/09/2019
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, ở Ankara, ngày 16/09/2019 Pavel Golovkin/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Việc tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo triệt thoái khỏi miền bắc Syria, bỏ rơi lực lượng người Kurdistan, quân chính phủ Damas đang lợi dụng tình hình để chiếm lại những vùng bị mất quyền kiểm soát, còn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cố ngăn chận điều đó. Nếu cuộc đụng độ giữa hai lượng này không nổ ra thì đó chính là công của tổng thống Putin.

Khi mở cuộc tấn công vào dân quân của người Kurdistan ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy họ vào tay của chế độ Damas. Chính phủ Syria đã nhanh chóng triển khai lực lượng trong vùng này, chiếu theo một thỏa thuận với người Kurdistan, đúng như mong muốn của Matxcơva, đó là duy trì “toàn vẹn lãnh thổ” của Syria.

Như vậy có thể chỉ trong vài ngày hoặc cùng lắm là vài tuần, chế độ của tổng thống Bachar al-Assad sẽ chiếm lại nhiều đất hơn mà họ đã chiếm trong cả 8 năm chiến tranh, mà hầu như không tốn một viên đạn nào. Hơn thế nữa, nhờ cuộc tấn công của Erdogan, Putin đạt được mục tiêu của ông mà không làm mích lòng những phe khác có liên quan đến xung đột ở Syria.

Một thắng lợi khác của tổng thống Nga, đó là mối bất hòa ngày càng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên khác trong khối NATO, đặc biệt là Hoa Kỳ. Vốn đã gặp căng thẳng do việc Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ càng xấu đi do Washington ban hành các biện pháp trừng phạt Ankara.

Nhưng có một nguy cơ đầu tiên đối với Matxcơva, đó là xảy ra giao tranh giữa quân chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Để tránh nguy cơ này, lực lượng cảnh sát quân sự của Nga ngay từ hôm qua đã đi tuần tra tại khu vực giới tuyến, nơi mà Damas mất quyền kiểm soát từ năm 2012 và là nơi mà cho tới nay quân Mỹ được triển khai để yểm trợ đồng minh Kurdistan.

Theo hãng tin AFP, các quan chức Nga cho biết họ đang tiếp xúc trực tiếp với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc sứ của điện Kremlin về Syria, Alexandre Lavrentiev hôm qua tuyên bố là sẽ không để tình hình đi đến đụng độ giữa hai bên, đồng thời nhắc lại là Matxcơva không ủng hộ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn kêu gọi Ankara nên tự kềm chế.

Nhưng ngoài nguy cơ xung đột giữa quân chính phủ Syria với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, còn có một nguy cơ khác mà Nga phải đối mặt, đó là lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo Daech trỗi dậy trở lại. Hàng ngàn quân thánh chiến có thể sẽ thoát được ra ngoài, lợi dụng cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng người Kurdistan ở miền bắc Syria. Theo hãng tin AFP, gần đây, tổng thống Putin đã hứa sẽ huy động toàn bộ nguồn lực của các cơ quan tình báo để chống lại nguy cơ mới này.

Mặt khác, còn có một nguy cơ là về dài hạn, Nga lâm vào tình thế bế tắc giữa một bên là đồng minh Syria và bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ lâu đời của chế độ Damas và vẫn ủng hộ nhiều lực lượng phiến quân ở Syria. Hiện là một người bạn do tình thế bắt buộc, Erdogan có thể sẽ biến thành một kẻ thù của Putin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.