Vào nội dung chính
ANH - CHÂU ÂU - BREXIT

Brexit : Đề nghị mới của Luân Đôn chưa thuyết phục được châu Âu

Thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm qua 02/10/2019 đã đưa ra một đề nghị mới để tìm kiếm một thỏa thuận với Châu Âu về Brexit. Ông đã gởi hai tài liệu đến Ủy Ban Châu Âu : Một bức thư cho chủ tịch Ủy Ban Jean-Claude Juncker và một bản ghi chú phác họa một thỏa thuận chia tay mới, thay thế cho thỏa thuận trước đây của bà Theresa May và điều khoản backstop.

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại đại hội đảng Bảo Thủ Anh, ở Manchester, ngày 02/10/2019
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại đại hội đảng Bảo Thủ Anh, ở Manchester, ngày 02/10/2019 Phil Noble/Reuters
Quảng cáo

Ông Boris Johnson kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu thỏa hiệp vì đây là đề nghị cuối cùng của ông. Châu Âu phải nhanh chóng quyết định trước cuộc họp thượng đỉnh ngày 17-18/10.

Theo thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet, đề nghị mới này không hoàn toàn thuyết phục được châu Âu.

"Đối với 27 nước Liên Hiệp Châu Âu, đề xuất của Anh Quốc ít ra có điểm lợi là đã trả lời yêu cầu thúc bách từ sau khi bà Theresa May từ nhiệm, tức là một đề nghị bằng văn bản, có thể chuyển thành văn bản pháp lý và có thể thực hiện được.

Châu Âu cũng đã đón nhận một cách tích cực việc là từ nay có thể làm việc trên một đề nghị cụ thể.

Khi gọi điện thoại cho ông Boris Johnson, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đánh giá tốt ý muốn tìm một giải pháp của thủ tướng Anh cho dù còn một số điểm gai góc.

Tuy nhiên, đàm phán cũng chưa thể mở ra được. Trước mắt chỉ có thể dự kiến những cuộc gặp giữa các ê kíp đàm phán và ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán châu Âu, đánh giá là còn nhiều việc phải làm để đề nghị mới này dẫn đến một thỏa thuận bảo đảm hòa bình ở Ireland và thị trường chung châu Âu.

Mối nghi ngại của 27 nước Liên Âu liên quan đến nhiều yếu tố : Đề nghị tránh backstop không vĩnh viễn mà lại có thời hạn, với khả năng gia hạn mỗi 4 năm, việc Bắc Ailen rút khỏi liên minh thuế quan và tính khả thi của việc sử dụng các phương tiện thuần túy công nghệ để thay thế công việc kiểm soát thuế quan ở biên giới Ireland."

Phản ứng của Nghị Viện Anh

Tuy nhiên nếu châu Âu có chấp nhận đề nghị của thủ tướng Anh thì đề nghị này cũng phải được nghị viện Anh thông qua. Trước mắt, lãnh đạo Công Đảng đối lập, Jeremy Corbyn, đã cực lực phản đối, cho là đề nghị của ông Johnson « còn tồi tệ hơn thỏa thuận của bà Theresa May » mà Nghị Viện Anh đã bác bỏ đến 3 lần.

Phe dân chủ tự do thì chỉ trích việc thành lập hai biên giới trên đảo Ireland, không tôn trọng thỏa thuận hòa bình 1998 ở Ireland, và cũng sẽ tác hại đến kinh tế Bắc Ailen. Những người trong đảng Bảo Thủ ủng hộ Brexit, đã bỏ phiếu chống bà May, cũng tỏ ra dè dặt, tuy hài lòng về việc gạt bỏ điều khoản backstop. Đảng Bắc Ailen DUP trước mắt ủng hộ ông Johnson, nhưng cũng tỏ ra thận trọng.

Riêng người dân ở Bắc Ailen, theo phóng sự của thông tín viên RFI, Emeline Vin, thì tỏ ra rất lo ngại trước viễn cảnh hai biên giới ở Ireland và vấn đề thuế quan, vừa gây phiền toái vừa làm giá cả tăng lên. Hơn nữa, như tại thành phố nhỏ Newry, cách biên giới không xa, 20% khách hàng đến từ Cộng Hòa Ireland. Đó là chưa kể vấn đề an ninh nếu thỏa thuận hòa bình 1998 bị vi phạm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.