Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - CHÂU ÂU

Làm châu Âu ‘‘hùng mạnh’’: Thách thức nan giải với tân Ủy Ban Châu Âu

Tân Ủy Ban Châu Âu trước thách thức xây dựng một Liên Âu « hùng mạnh » (Le Monde), Hồng Kông rắp ranh thôn tính thị trường tài chính Luân Đôn (Les Echos), giáo hoàng Phanxicô tuyên bố « không sợ hãi » các thế lực ly khai trong Giáo hội Công Giáo (La Croix), ra mắt sách « Tư bản và Ý thức hệ » của kinh tế gia Thomas Piketty, người được mệnh danh « Marx của thế kỉ 21 » (Libération). Trên đây là một số hồ sơ lớn của báo chí Pháp hôm nay.

Ảnh chụp dàn lãnh đạo mới của Ủy Ban Châu Âu, tại Genval, Bỉ, ngày 12/09/2019.
Ảnh chụp dàn lãnh đạo mới của Ủy Ban Châu Âu, tại Genval, Bỉ, ngày 12/09/2019. Kenzo TRIBOUILLARD / AFP
Quảng cáo

Ngày thứ Ba, mùng 10/09/2019, dàn lãnh đạo mới của tân Ủy Ban Châu Âu chính thức ra mắt và chuẩn bị cho các « sát hạch » tại Nghị Viện Châu Âu, và nếu mọi việc ổn thỏa sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng 11/2019. Tương lai chính trị của châu Âu là chủ đề đã được nhiều báo Pháp hôm qua bàn đến. Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục dành nhiều giấy mực cho vấn đề này.

« Những thách thức mới chờ đón tân Ủy Ban Châu Âu » là tựa trang nhất Le Monde. Đáng chú ý là bài nhận định của nhà báo Sylvie Kauffmann trong chuyên mục Địa chính trị của Le Monde, với tựa đề : « (Châu Âu) hùng mạnh, nhưng hùng mạnh như thế nào ? », đặt các lãnh đạo châu Âu đối diện trực tiếp với thách thức được coi là sống còn hiện nay với châu Âu : Có khả năng hành động với tư cách một thế lực địa chính trị độc lập và có uy lực trên trường quốc tế.

Nếu Liên Âu không tự khẳng định, sẽ có các thế lực khác thay thế

Le Monde chia sẻ trước hết với cương lĩnh của tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nữ chính trị gia người Đức Ursula von der Leyen và tân chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, chính trị gia người Bỉ Charles Michel. Bà von der Leyen chủ trương một Liêu Âu « mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế ». Ít dè dặt hơn đồng sự người Đức, ông Charles Michel kêu gọi Liên Âu phải hành động « với sự táo bạo và tự tin », chính trị gia người Bỉ nói thẳng Liêu Âu phải đóng « vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế. Bởi nếu không, các thế lực khác sẽ đảm lãnh việc này, và theo lợi ích của họ chứ không phải theo lợi ích của chúng ta ».

Theo bình luận gia của Le Monde, tân Ủy Ban Châu Âu đang chuẩn bị để hành động theo hướng tăng cường xác lập một chính sách đối ngoại chủ động. Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu gọi bộ máy lãnh đạo hành pháp châu Âu là một « Ủy Ban địa chính trị ». Lãnh đạo ngành đối ngoại tương lai của châu Âu, chính trị gia Tây Ban Nha Joseph Borell, được phân công phụ trách một nhóm làm việc bao gồm tất cả các ủy viên châu Âu nào phụ trách các lĩnh vực có ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại của Liên Âu. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng phòng vệ chung của khối, xây dựng các phương tiện tài chính để Liên Âu có thể sử dụng để thực thi « các mục tiêu chính trị » của khối.

Đối diện với thực tại khắc nghiệt

Le Monde thừa nhận đây chưa phải là « một cuộc cách mạng », nhưng rõ ràng đã có những biến chuyển quan trọng trong nhận thức về vai trò toàn cầu của Liên Âu. Theo một thăm dò dư luận mới nhất của ECRF (một viện tư vấn châu Âu), với 60.000 công dân của Liên Hiệp, thì « đại đa số không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ, trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu ». Các công dân châu Âu cũng hiểu rằng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, di cư… đòi hỏi các đóng góp mang tính quyết định của Liên Âu.

Le Monde cũng muốn làm rõ vấn đề là một Liên Âu như thế nào thì gọi là « hùng mạnh ». Trong giai đoạn trước mắt, Liên Âu không đặt trọng tâm vào lĩnh vực quân sự. Cựu đại sứ Pháp tại Liên Âu, ông Pierre Sellal, khẳng định Liên Âu trước hết muốn trở thành một thế lực lớn trên trường quốc tế, trong lĩnh vực thương mại, cạnh tranh kỹ thuật số. Trong dàn lãnh đạo mới, trọng trách này được đặt lên vai tân phó chủ tịch Ủy Ban, chính trị gia Đan Mạch Margreth Vestager, trực tiếp phụ trách vấn đề Cạnh Tranh, và điều phối hồ sơ kỹ thuật số.

Le Monde khép lại bài phân tích với việc chỉ ra « các thực tại khắc nghiệt », những điểm yếu không dễ gì vượt qua của Liên Âu, trước hết là tại khu vực Trung Đông, một địa bàn sống còn với Liên Âu. Cho đến nay các nỗ lực của Liên Âu khẳng định đường lối độc lập trong hồ sơ hạt nhân Iran không đạt kết quả. « Cơ chế tài chính Instex » cho phép hỗ trợ Iran lách các trừng phạt Mỹ, để Teheran tiếp tục ở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015 tỏ ra bất lực trước sức mạnh vượt trội của đồng đô la. Liên Âu cũng không có phương tiện để thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho tàu thuyền Anh quốc, theo kêu gọi của Luân Đôn, trước các đe dọa từ Iran.

Đối nội cân bằng

Thách thức với dàn lãnh đạo mới của Ủy Ban Châu Âu không chỉ là đối ngoại, mà còn là đối nội. Bài « Những nỗ lực ‘‘tạo thế cân bằng’’ mới tại Bruxelles », nhấn mạnh đến sứ mạng gian nan của tân lãnh đạo Ủy Ban trong việc xây dựng một « Ủy Ban uyển chuyển, mềm dẻo, hiện đại » có năng lực mang lại một « sức năng động dân chủ mới » trong nội bộ khối, đáp ứng được đòi hỏi của các công dân. Tân chủ tịch Ursula von der Leyen nhấn mạnh không chỉ đến cân bằng về giới tính (nam, nữ), mà còn là « giữa miền tây và miền đông, giữa miền bắc và miền nam châu Âu », « giữa các lực lượng chính trị chủ chốt ».

Vòng sát hạch tại Nghị Viện

Le Monde, trong bài « Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị kỳ sát hạch dàn lãnh đạo tân Ủy Ban », cho biết các ủy viên sẽ phải chứng tỏ khả năng nắm rõ hồ sơ, trước các ủy ban chuyên trách của Nghị Viện. Sau hai ngày sát hạch 30/9 và 8/10, Nghị Viện sẽ đưa ra nhận xét chung về dàn lãnh đạo mới. Nếu Nghị Viện chưa hài lòng, sẽ có thêm các cuộc sát hạch mới.

Ý sang trang « Salvini », chìa tay hòa giải với Liên Âu

Nội tình châu Âu cũng là hồ sơ chính của Le Figaro hôm nay. Tựa đề trang nhất : « Tân chính phủ Ý muốn sang trang Salvini », với ghi nhận : tân thủ tướng Ý muốn hòa giải với Bruxelles, chấm dứt không khí đối đầu thường trực, từ hơn một năm qua, giữa chính quyền Roma và Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt do chính sách chống nhập cư của cựu bộ trưởng Nội Vụ, lãnh đạo đảng cực hữu Liên Đoàn. Kể từ giờ, theo Le Figaro, chính phủ Ý - sau cuộc lột xác để trở thành chính phủ cánh tả - đã tham gia trở lại vào công cuộc cải tổ Liên Âu, do tổng thống Pháp khởi xướng. Thêm một yếu tố thuận lợi cho tiến trình này là việc Ý lần đầu tiên có được một chính trị gia được bổ nhiệm ủy viên Kinh Tế và Tiền Tệ Liên Âu, một chức vụ có thế lực nhất dành cho một người Ý trong Ủy Ban, cho đến nay.

Bolton : Lá bài chủ chốt trong « chính sách bản năng » của Trump

Về chính trị quốc tế, việc tổng thống Mỹ bất ngờ sa thải cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là một chủ đề thời sự hàng đầu khác. Le Monde có bài « Trump sa thải diều hâu Bolton », lưu ý đến các mâu thuẫn giữa tổng thống Mỹ và viên cựu cố vấn an ninh quốc gia trong hàng loạt hồ sơ, từ Iran đến Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Le Monde cũng nhận xét là, cho đến những tháng gần đây, ông Bolton – viên cố vấn an ninh quốc gia thứ ba kể từ đầu nhiệm kỳ - cũng lại là một lá bài chủ chốt của tổng thống Mỹ trong việc thực thi một chính sách đối ngoại độc đoán, bản năng, tập trung mọi quyền hành quyết định vào cá nhân ông ta, với hệ quả nghiêm trọng là « vô hiệu hóa và làm suy yếu toàn bộ cỗ máy chính quyền Liên bang », trước hết là ngành ngoại giao.

Trong một phát biểu ngày 9/5/2019, ông Donald Trump từng tuyên bố : « John là người rất tốt. John có cái nhìn rất cứng rắn, nhưng như thế là tốt. Trên thực tế, chính tôi là người tiết chế John. Tôi là người khiến John trở nên ôn hòa hơn, thật khó mà tin được là như vậy ! Tôi có John dưới quyền, và tôi cũng có cả những người khác bồ câu hơn ông ấy. Nhưng cuối cùng thì, tôi chính là người quyết định ». Nguyên tắc mà ông Donald Trump áp dụng cho đến nay là liên tục để cho các quan điểm đối lập trong nội bộ chính phủ cạnh tranh nhau, và điều này cho phép ông ta là người đưa ra quyết định cuối cùng, « theo bản năng ».

Nhật báo Pháp đăng trên trang nhất loạt biếm họa về tổng thống Trump. Ông Trump nói : Sa thải Bolton, tôi còn có các cố vấn khác. Tuy nhiên, các bức ảnh liên tiếp sau đó cho thấy, giờ đây tổng thống Donald Trump đang trơ trọi một mình.

Động thái nguy hiểm của thủ tướng Israel

Cũng Le Monde chú ý đến một động thái cực kỳ nguy hiểm của thủ tướng Israel, khi tuyên bố nếu tiếp tục nắm quyền, sau cuộc bầu cử Quốc Hội mới, sẽ sáp nhập hơn một phần ba vùng Cisjordani (của người Palestin). Quyết định của thủ tướng Israel bị Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu lên án, có nguy cơ đẩy khu vực Trung Cận Đông đến bờ vực chiến tranh mới. Tuyên bố táo tợn của lãnh đạo Israel, theo Le Monde, một phần quan trọng xuất phát từ các hậu thuẫn chưa từng có từ phía chính quyền Donald Trump, cắt đứt với chiến lược Trung Cận Đông của các đời chính phủ Mỹ từ một phần tư thế kỷ nay (chủ trương hòa giải Israel với Palestine), sẵn sàng đưa ra mọi nhân nhượng để ve vãn các nhóm cử tri Hoa Kỳ có tư tưởng cực đoan.

Hồng Kông rắp ranh thôn tính thị trường tài chính Luân Đôn

Công ty chứng khoán Hồng Kông (HKEX) ngày hôm qua 11/9 bất ngờ đề nghị mua lại Sở giao dịch chứng khoán London Stock Exchange (LSE) với giá 31,6 tỷ bảng Anh. Đề nghị này được HKEX gửi tới hội đồng quản trị của LSE. Theo Les Echos, đề xuất này để ngỏ nguy cơ Bắc Kinh tìm cách thao túng thị trường tài chính Luân Đôn, được coi là thị trường tài chính số một thế giới, sau Wall Street, Hoa Kỳ. Bộ trưởng Tài Chính Anh thông báo theo sát các diễn biến để kịp thời phản ứng trước các tác động đến an ninh của Vương Quốc Anh.

Vẫn theo Les Echos, trên thực tế, đề xuất của công ty chứng khoán Hồng Kông là một « nỗ lực vớt vát cuối cùng », bởi công ty chứng khoán Anh đang đàm phán để tìm cách mua lại tập đoàn tài chính Anh Refinitiv, một khi việc mua bán hoàn tất, quy mô của chứng khoán Luân Đôn sẽ quá lớn đối với Hồng Kông. Một chuyên gia cũng nêu khả năng, đây cũng có thể là một nỗ lực để thị trường tài chính Hồng Kông « ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc ».

Marx của thế kỉ 21 lên án « tín điều » của chủ nghĩa tư bản

Nhật báo thiên tả Libération hôm nay dành nhiều trang để giới thiệu cuốn sách mới « Tư bản và Ý thức hệ » của kinh tế gia Thomas Piketty, ra mắt hôm nay với tựa trang nhất « Nạn bất bình đẳng không phải là định mệnh ».Libération dành 4 trang cho bài phỏng vấn tác giả. Tác giả cuốn « Tư bản luận của thế kỉ 21 » (xuất bản năm 2013), người được mệnh danh là Marx mới đã tấn công vào nhiều tín điều được coi là nền tảng cho các chế độ xã hội bất bình đẳng hiện nay, trước hết là vấn đề sở hữu, với việc làm cho sở hữu tư nhân trở thành điều thiêng liêng tột đỉnh, với rất nhiều ưu đãi dành cho các tài sản lớn. Theo ông, ý thức hệ sở hữu tư nhân chủ nghĩa gắn liền với tình trạng thâu tóm quyền lực và bất bình đẳng nghiêm trọng hiện nay, và điều này có thể được vượt qua, với việc phát triển các hình thức đánh thuế khác, hình thức sở hữu khác...

Cũng trong số bài này, Libération chú ý đến các vận động chính trị mới tại Hoa Kỳ với sự trỗi dậy của nhiều ứng cử viên tổng thống trong cuộc tranh cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, hướng mạnh đến việc đòi hỏi « công bằng xã hội », đặc biệt là nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Giáo hoàng sẵn sàng tranh luận với giới ly khai trong Giáo hội

Giáo hoàng tuyên bố không sợ hãi các thế lực ly khai trong nội bộ Giáo hội là chủ đề được hầu hết các báo giới thiệu. « Tôi không sợ nạn ly giáo » là tựa đề trang nhất La Croix. Theo nhật báo Công Giáo, phát biểu nói trên của người đứng đầu Vatican trên đường tông du Madagascar, chắc chắn sẽ được ghi vào lịch sử Giáo hội. Đối tượng mà Giáo hoàng Phanxicô nhắm đến trước hết là các thế lực chống đối trong Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ. Theo La Croix, với việc lần đầu tiên công khai hóa các mâu thuẫn quyết liệt trong nội bộ Giáo hội, và sẵn sàng đương đầu, người lãnh đạo Giáo hội đang tìm con đường mới để giảm bớt căng thẳng của cuộc đối đầu trong hậu trường. Giáo hoàng Phanxicô khuyến cáo những người chống đối ông hãy phê phán trực diện, và để ngỏ cánh cửa cho đối thoại và tranh luận công khai. La Croix ghi nhận đây là một động thái « chưa từng có » từ phía một lãnh đạo Giáo hội Công Giáo.

Trong khi đó, Le Monde chú ý đến phát biểu của giáo hoàng như một hành động phản công, chống lại các chỉ trích ngày càng ồn ào của giới Công Giáo bảo thủ Mỹ, muốn thay thế người đứng đầu Giáo hội do lập trường ủng hộ công bằng xã hội, chống lại tiến trình « toàn cầu hóa » nguy hại hiện nay. Nỗ lực chống lại giáo hoàng được mô tả rõ trong cuốn sách mới « Nước Mỹ đang muốn thay giáo hoàng như thế nào », của Nicolas Senèze. Phản đối những người lên án ông là « quá cộng sản », lãnh đạo Giáo Hội nói ông chỉ nhắc lại và tiếp tục các lý tưởng về công bằng xã hội như cố giáo hoàng Joan Phao Lồ II trước đây.

Cố giáo hoàng Joan Phao Lồ II vốn là người được giới bảo thủ trong Giáo hội Công Giáo sùng bái. Ông là người đóng vai trò quan trọng cho thành công của Công Đồng Vatican II (1962-1965), được coi là diễn biến quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội Công Giáo thế kỉ 20, vạch ra các đường hướng cho phép Giáo hội hội nhập với xã hội hiện đại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.