Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Brexit: Các kịch bản khác nhau thời thủ tướng Boris Johnson

Thứ Hai 09/09/2019, Nghị Viện Anh Quốc phải quyết định về việc tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn. Cuộc họp này là một hồi mới trong bộ phim Brexit nhiều tập mà kết cục cho đến lúc này vẫn là ẩn số.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Nghị Viện, Luân Đôn, ngày 04/09/2019
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Nghị Viện, Luân Đôn, ngày 04/09/2019 ©UK Parliament/Jessica Taylor/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Căn cứ vào mục tiêu mà tân thủ tướng Anh Boris Johnson lúc nào cũng khẳng định là đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu « bằng mọi giá », chậm nhất là vào ngày 31/10/2019, trong lúc Hạ Viện Anh thì kiên quyết bác bỏ việc ra đi không thỏa thuận, giới quan sát đã dự trù 4 kịch bản cho diễn biến sắp tới của điều có thể gọi là cuộc khủng hoảng Brexit.

Kịch bản 1 : Dời ngày « ly dị »

Kịch bản đầu tiên là dời ngày ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu thêm một thời gian nữa. Ban đầu dự kiến vào ngày 29 tháng 3 năm 2019, ngày gọi là Brexit đã bị hoãn hai lần, do việc Nghị Viện Anh Quốc chia rẽ trầm trọng về hình thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Hôm 04/09 vừa qua, các dân biểu Anh đã thông qua một dự luật buộc thủ tướng Boris Johnson là phải yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu gia hạn ngày Brexit thêm ba tháng, tức là cho đến cuối tháng Giêng năm 2020.

Dự luật này còn đang chờ được Thượng Viện thông qua, nhưng rõ ràng không hợp ý thủ tướng Anh chút nào, vì việc xin Bruxelles gia hạn đối với ông Johnson đồng nghĩa với một sự « đầu hàng ».

Đối với thủ tướng Anh, việc cầu cạnh Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm tổn hại nặng nề uy tín của ông vì cho đến nay ông luôn luôn lớn tiếng khẳng định rằng « dù trong bất kỳ tình huống nào », ông cũng sẽ không xin gia hạn. Vả lại việc gia hạn cũng phải được 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận.

Để cản phá nỗ lực của Hạ Viện đã hợp sức chống lại ông, Boris Johnson đã dùng đến vũ khí nặng : cho giải tán Hạ Viện hiện thời và tổ chức bầu Hạ Viện mới trước thời hạn.

Kịch bản 2 : Bầu cử sớm

Đây là một khả năng dường như không thể tránh khỏi, nhưng vào lúc nào thì chưa rõ. Đối với Công Đảng đối lập, bầu lại Hạ Viện sau ngày 31 tháng 10 sẽ có lợi cho họ vì ông Boris Johnson sẽ bị suy yếu do thái độ khăng khăng đòi ra khỏi Liên Âu « bằng mọi giá ».

Còn ông Johnson thì lại muốn tổ chức bầu cử vào ngày 15 tháng 10, tức là để ngỏ khả năng Brexit mà không có thỏa thuận. Cuộc bầu cử đó sẽ rất quan trọng cho Boris Johnson (Bojo) vì ông đã mất đa số tại Hạ Viện sau vụ 23 dân biểu trong vài ngày qua đã rời bỏ phe đa số.

Ý đồ của thủ tướng Johnson rất rõ : Sau khi khai trừ khỏi đảng Bảo Thủ những người phản đối kịch bản Brexit không thỏa thuận, ông dự định sẽ giành lại đa số tại Hạ Viện nhờ chinh phục được phiếu bầu của Đảng Brexit của ông Nigel Farage, đảng đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu gần đây.

Kịch bản 3 : Brexit không thỏa thuận

Kịch bản thứ ba được giới phân tích nêu lên là Brexit không thỏa thuận. Đây là kịch bản mà giới kinh tế đặc biệt lo ngại vì có khả năng làm cho đồng bảng Anh sụt giá mạnh, lạm phát tăng, thậm chí suy thoái, với việc khôi phục hàng rào thuế quan, xuất khẩu khó khăn và nỗi ám ảnh về tình trạng thiếu lương thực, xăng dầu và thuốc men.

Chính phủ của thủ tướng Johnson trong những ngày gần đây đã liên tiếp tung ra thông báo về hàng tỷ bảng Anh nhằm khắc phục cú sốc của Brexit.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi ra đi không thỏa thuận, Boris Johnson sẽ phải quay lại bàn đàm phán với Liên Âu để xác định quan hệ trong tương lai, đặc biệt là thương mại, giữa hai bên. Bộ phim nhiều tập Brexit như vậy sẽ còn kéo dài nhiều năm.

Kịch bản 4 : Brexit với thỏa thuận

Sau cùng, còn một kịch bản thứ tư, nhưng ít có khả năng xẩy ra nhất : đó là Brexit với thỏa thuận.

Để có thỏa thuận, Luân Đôn và Bruxelles cần có sự đồng thuận về một hồ sơ quan trọng : Đó là vấn đề backstop, đã được chính phủ tiền nhiệm Theresa May đồng ý, tức là một cơ chế nhằm ngăn chặn việc tái lập đường biên giới giữa Cộng Hòa Ireland một thành viên Liên Hiệp Châu Âu và vùng Bắc Ireland thuộc Vương Quốc Anh. Điều này có nghĩa là trong một thời gian nhất định (không rõ là bao lâu), sau Brexit, Anh Quốc vẫn bị ràng buộc với Liên Hiệp Châu Âu trong khuôn khổ liên minh thuế quan và vẫn phải « thượng tôn » các quy định của Liên Hiệp Châu Âu.

Boris Johnson dứt khoát bác bỏ cơ chế « backstop » này . Luân Đôn sẽ phải đưa ra các đề xuất mới để thay thế.

Thủ tướng Boris Johson bảo đảm rằng các cuộc đàm phán với Bruxelles đã đạt được « tiến bộ ». Thế nhưng, ông Philippe Lamberts, chủ tịch của Đảng Xanh tại Nghị Viện châu Âu phủ nhận: « Cho dù ông Boris Johnson đã lớn tiếng khoe khoang việc đạt được thỏa thuận, nhưng thực ra không có cuộc đàm phán thực sự nào diễn ra ở Bruxelles cả ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.