Vào nội dung chính
AFGHANISTAN - HOA KỲ - TALIBAN

Afghanistan : Mỹ và Taliban đạt một thỏa thuận lạ đời !

Thứ Năm, 05/09/2019, thủ đô Kabul của Afghanistan lại rung chuyển vì một vụ tấn công tự sát do phe Taliban thực hiện, làm ít nhất 10 người chết, trong đó có hai binh sĩ khối NATO. Vụ việc xảy ra ngay vào lúc đặc sứ Mỹ phụ trách hồ sơ Afghanistan quay trở lại Doha, thủ đô Qatar để tiếp tục cuộc đàm phán với phe nổi dậy.

Những cột khói đen bốc cao sau vụ tấn công tự sát tại Kabul, Afghanistan, ngày 05/09/2019, vào lúc đặc sứ Mỹ trở lại Doha đàm phán với Taliban.
Những cột khói đen bốc cao sau vụ tấn công tự sát tại Kabul, Afghanistan, ngày 05/09/2019, vào lúc đặc sứ Mỹ trở lại Doha đàm phán với Taliban. Wakil KOHSAR / AFP
Quảng cáo

Đây là vụ tấn công tự sát thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần cho dù vài ngày trước, Mỹ và phe Taliban thông báo đạt được một dự thảo thỏa thuận « đôi bên cùng có lợi » mà báo Le Monde cho là « lạ đời ». Vì sao ?

Theo ông Alain Frachon, cây bút xã luận của nhật báo, mọi sự bắt đầu từ vụ tấn công khủng bố năm 2001, người Mỹ đã đặt ra một mục tiêu chiến lược : Biến đổi vùng « Đại Trung Đông », chiếc nôi của quân thánh chiến, của thế giới Ả Rập tại Afghanistan. Với sự dung dưỡng của chế độ Taliban khi ấy đang cầm quyền tại Kabul, tổ chức khủng bố Al-Qaida đã lên tiếng nhận trách nhiệm loạt tấn công tại Mỹ năm 2001.

Và thế là Hoa Kỳ và đồng minh đánh đuổi quân Taliban (và cả Al-Qaida) ra khỏi Afghanistan. Rồi đưa phe đối lập lên cầm quyền (tức liên minh Liên quân phía Bắc). Nhưng thay vì để cho người Afghanistan tự xoay sở, phương Tây trụ lại ở Afghanistan. Họ muốn « biến đổi » đất nước này, liên tục trong tình trạng chiến tranh từ năm 1979, và qua đó, tạo lập một sự ổn định chính trị cũng như bước đầu nền dân chủ. Và người ta gọi đó là « xây dựng một Nhà nước ».

Thế nhưng, mục tiêu chính của tổng thống George W. Bush chính là Irak của Saddam Hussein. Tại Mỹ, người ta lập luận rằng những tên độc tài xứ Ả Rập, những kẻ cấm đoán phe đối lập, đã sản sinh ra chủ nghĩa thánh chiến, một hình thức tột cùng của bạo lực khủng bố Hồi giáo. Việc thiếu dân chủ ở Trung Đông, nguyên nhân hàng đầu của Hồi giáo thánh chiến, là nguồn cội của vụ khủng bố ở Mỹ năm 2001.

« Mở rộng dân chủ »

Saddam Hussein, kết tinh của chế độ độc tài Ả Rập, do vậy phải xử lý nhân vật này trước tiên, phải lật đổ nhà độc tài này rồi chiếm đóng Irak một thời gian để tạo dựng ở đó bước khởi đầu mô hình dân chủ Jefferson. Đó chính là cách tốt nhất để bảo vệ nước Mỹ, rồi với hiệu ứng đô-mi-nô gần như là cơ học, sau Irak sẽ là Syria, và rộng hơn nữa là cả thế giới Ả Rập, biết đâu có cả Iran của Ayatollah nữa. Tác giả mỉa mai: Người ta gọi điều đó là « Mở rộng nền dân chủ. »

Đó chính là lập luận của phe tân bảo thủ Mỹ. Và chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra: Những năm tháng chiến tranh đã cho thấy rõ một vùng đất thảm họa chính là Trung Đông ngày nay. Giới sử gia, khi nhận thấy tính chất phức tạp của cuộc chiến cho rằng trách nhiệm thuộc về Mỹ và những tác nhân tại chỗ.

Nhưng với tổng thống Donald Trump, thì tình hình đơn giản hơn : Washington đã đập tan Hồi giáo cực đoan hung dữ nhất, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, xuất thân từ Al - Qaida. Nhiệm vụ đã hoàn thành, người Mỹ có thể rời khu vực. Trump sẽ là vị tổng thống đã đưa nước Mỹ ra khỏi chiếc bẫy Đại Trung Đông. Một lập luận tranh cử quá hay cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020.

Tác giả lưu ý: Vẫn còn một khó khăn. Lúc này đây, Daech, được cho là đã bị đánh bại 100%, lại tái hiện và phe Taliban vẫn chưa bị đánh bại. Trong khi đó, Hoa Kỳ sắp đạt được một thỏa thuận với quân nổi dậy, những kẻ mà người Mỹ đã tìm cách đánh đuổi nhưng không thành từ hơn 15 năm qua.

Chưa có lúc nào phe Taliban, xuất phát từ những căn cứ ở Pakistan lại hoạt động mạnh mẽ như lúc này. Taliban gia tăng các hành động tàn bạo nhắm vào người dân : 16 người chết, 119 người bị thương tại Kabul hôm thứ Hai 02/09. Nghiêm trọng hơn, từ 5 năm nay, Daech đã cắm rễ ở Afghanistan với khoảng 3.500 chiến binh. Những kẻ này cũng xả súng và chém giết vô cớ, kể cả ở Kabul như trong vụ tấn công nhắm vào một đám cưới làm 63 người chết hồi trung tuần tháng 8/2019.

Daech hồi sinh

Nhìn từ góc độ này, nhà báo Alain Frachon cho rằng « thỏa thuận giữa Mỹ và phe Taliban, được đàm phán tại Qatar, là một thỏa hiệp đôi bên cùng có lợi lạ đời ! ». Hoa Kỳ sẽ rút phần lớn số binh sĩ trong số 14.000 quân (khoảng 5.000 quân) và cam kết để cho Taliban trở lại cầm quyền ở Kabul. Đổi lại, quân Taliban phải bảo đảm không để cho một tổ chức thánh chiến nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công các nước phương Tây.

Daech tại Afghanistan lại được nhánh chủ trương cứng rắn nhất của phe Taliban « chống lưng » và nhánh cứng rắn này rất có thể không chấp nhận thỏa thuận Doha. Như vậy, cả Daech lẫn Taliban đều không bị đánh bại. Vậy phải chăng nước Mỹ sẵn sàng rút quân khỏi một đất nước trong tình trạng chiến tranh mà không hề thắng và cũng chẳng thua ?

Trong suốt tháng 7/2019, trước các cố vấn, tổng thống Trump còn tỏ ra hân hoan khi đề cập đến Syria và Irak. Ông nói : « Chúng ta đã thực hiện một công việc tuyệt vời, chúng ta đã hoàn toàn quét sạch vương quốc Hồi giáo (do Daech tự phong hồi mùa hè năm 2014) và chúng ta sẽ nhanh chóng rút ra khỏi Syria. Chúng ta sẽ sớm ở bên ngoài khu vực này và sẽ để cho họ (tức người Syria) tự xoay sở một mình. Syria có thể tự giải quyết các vấn đề của chính mình với sự trợ giúp của Iran, Nga cũng như là Thổ Nhĩ Kỳ. Còn chúng ta (nước Mỹ) thì ở cách đó đến 10.000 km ». Nói một cách khác, đây không phải là vùng ảnh hưởng của Mỹ.

Chỉ có điều, như tác giả viết, tại Syria giống như tại Irak, Daech đang hồi sinh và có khoảng từ 15.000 – 18.000 quân theo như các báo cáo chính thức của Mỹ và Liên Hiệp Quốc công bố mùa hè 2019. Daech tiến hành một cuộc chiến tranh du kích ngày càng dữ dội, tại Syria cũng như là tại vùng biên giới Irak – Syria. Tổ chức khủng bố này đã bị đánh đuổi ra khỏi « các thành phố của chúng », Daech không còn hình dạng của một « Nhà nước » nữa, họ chỉ kiểm soát những ngôi làng trong vùng hoang mạc nhưng vẫn tái lập được các đội quân của họ.

Phớt lờ những gì Hoa Kỳ đã từng có thể cam kết với nước này và nước khác trong cuộc chiến chống quân khủng bố thánh chiến (nhất là với người Kurdistan tại Syria), ông Trump dường như chỉ muốn hoàn tất chiến lược mà ông Barack Obama đã phác họa : Khép lại thời kỳ can thiệp của Mỹ tại Trung Đông – điều này ngăn cấm tổng thống đi quá xa trong xung đột với Iran. Ông Obama biết rằng chính sách thoái lui tương đối và có tính toán đòi hỏi phải giữ khoảng cách nào đó với Ả Rập Xê Út và Israel, những đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực và tìm cách đối thoại với Iran. Câu hỏi đặt ra : Liệu ông Trump có khả năng làm được điều này hay không ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.