Vào nội dung chính
IRAN - HẠT NHÂN

Iran có ở lại Hiệp định hạt nhân 2015, nếu được đổi dầu lấy 15 tỉ đô la tín dụng ?

Kể từ thượng đỉnh G7, cuối tháng 08/2019, nhiều nỗ lực ngoại giao dồn dập diễn ra nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, đặc biệt với sáng kiến của Pháp. Trong những tuần gần đây, một thông tin thường được nhắc đến là các nước châu Âu để ngỏ khả năng cấp 15 tỉ tín dụng cho Teheran, đổi lại Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn các cam kết 2015. Câu hỏi đặt ra là Iran có ở lại trong Hiệp định hạt nhân 2015 hay không, nếu được đổi dầu lấy khoản tín dụng này ?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi dạo phố trong dịp hội nghị thượng đỉnh G7, Biarritz, ngày 25/08/2019
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi dạo phố trong dịp hội nghị thượng đỉnh G7, Biarritz, ngày 25/08/2019 REUTERS/Dylan Martinez
Quảng cáo

Hiệp định hạt nhân Iran, với tên gọi chính thức là Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện Chung (Plan d’action global conjoint / Joint Comprehensive Plan of Action), hiện đang trên bờ tan vỡ.

Hiệp định này được 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (gồm Mỹ, Nga, Trung, Pháp và Anh), cùng với Đức thông qua, năm 2015, có mục tiêu không cho phép chính quyền Teheran phát triển vũ khí hạt nhân, trong thời hạn 10 năm, đặt các cơ sở nguyên tử của quốc gia này dưới sự giám sát quốc tế. Đổi lại, các trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Iran lần lượt được dỡ bỏ. Thỏa thuận đạt được thời tổng thống Obama đã bị người kế nhiệm Donald Trump chống lại kịch liệt, với lý do Iran đang trở thành một mối đe dọa đối với an ninh khu vực, đặc biệt với các hoạt động hỗ trợ các lực lượng mà ông Trump gọi là « khủng bố ».

Tháng 5/2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi Giáo này, với mục tiêu bóp nghẹt nền kinh tế Iran, đẩy chế độ Teheran đến chỗ suy yếu. Đầu tháng 5/2019, Hoa Kỳ quyết định gây áp lực tối đa với nền kinh tế Iran bằng cách chấm dứt miễn trừ lệnh trừng phạt cho 8 quốc gia còn tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran, khiến lượng dầu xuất khẩu Iran sụt giảm 50%.

Để trả đũa, chính quyền Iran quyết định từ ngày 07/07, nâng mức làm giàu chất phóng xạ uranium với tỷ lệ trên 3,67%, tức vượt quá giới hạn cho phép, theo Hiệp định hạt nhân 2015. Iran cũng để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục không tuân thủ các cam kết khác về hạt nhân « trong 60 ngày tới », trừ phi Teheran và các đối tác trong hiệp định hạt nhân tìm ra được giải pháp giúp Iran hóa giải được trừng phạt của Mỹ. Ngày 06/09 tới, tức sau hai tháng kể từ đợt phá cam kết hồi tháng 7, nếu Iran và các đối tác châu Âu không đạt thỏa thuận, Teheran tuyên bố sẽ thực thi đe dọa nâng mức làm giàu uranium lên 20% hoặc tái khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân.

Lý do trực tiếp khiến Iran quyết định rút dần khỏi Hiệp định hạt nhân 2015 là do việc Hoa Kỳ tái áp đặt các trừng phạt kinh tế, với « mục tiêu gây áp lực tối đa », buộc chính quyền Teheran phải chấp nhận thương lượng trở lại Hiệp định hạt nhân, cùng với các vấn đề an ninh khu vực. Hậu quả của việc áp đặt trở lại các trừng phạt là quá rõ ràng đối với nền kinh tế Iran.

Theo thẩm định của một số cơ quan kinh tế, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Iran tăng trưởng âm. Ngân Hàng Thế Giới dự đoán, kinh tế Iran sẽ tiếp tục thoái lùi trong những tháng tới. GDP Iran dự kiến sụt giảm khoảng 3,6% năm nay. Vào mùa hè năm nay, đồng tiền Iran rial đã mất giá 60%, lạm phát tăng 37%. Thất nghiệp Iran dự kiến có thể lên tới 15% vào năm 2020.

Kinh tế Iran tưởng như có cơ hồi phục, sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm lục cường năm 2015, đã lâm vào tình trạng hết sức tồi tệ, do trừng phạt của Mỹ, nhắm đúng vào yết hầu của nền kinh tế nước này - ngành xuất khẩu dầu mỏ, chiếm khoảng 80% thu nhập của Iran. Chính vì vậy, việc các nước châu Âu để ngỏ khả năng cấp tín dụng 15 tỉ đô la, được đảm bảo bằng nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, chẳng khác gì chiếc phao cứu mạng đối với chế độ Teheran.

Vấn đề hiện nay là thỏa thuận cấp tín dụng 15 tỉ đô la, đổi lại việc Iran trở lại tuân thủ các cam kết trong Hiệp định 2015, không dễ dàng đạt được. Một thỏa thuận như vậy chỉ có thể đúc kết với sự hưởng ứng từ phía Washington, cụ thể với việc Mỹ nới lỏng một số hạn chế. Cho đến nay, theo một số nguồn tin từ truyền thông Iran, Pháp chưa thuyết phục được Washington chấp nhận một sáng kiến như vậy. Hôm nay, 04/09//2019, tổng thống Iran Rohani tuyên bố kéo dài thêm hai tháng thời hạn để các nước châu Âu có thời gian hoàn tất thỏa thuận tín dụng 15 tỉ đô, với hy vọng cứu vãn được Hiệp định hạt nhân 2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.