Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Đại dương sẽ là kẻ thù nguy hiểm nhất của con người?

Đăng ngày:

Các chuyên gia báo động: đại dương có thể sẽ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại; Quốc tế cấm buôn bán voi châu Phi; Hai giám mục đầu tiên được tấn phong với sự chấp thuận của cả Vatican và Bắc Kinh; Phim tài liệu về phụ nữ Afghanistan tố cáo lạm dụng tình dục được chiếu ở liên hoan điện ảnh quốc tế Kabul; Hoàng quý phi Thái Lan chiếm trang nhất cáo báo; Mêhicô lập cơ chế bảo vệ các nhà báo, nhưng cơ chế này bị Liên Hiệp Quốc xem còn yếu kém. Đó là những chủ đề của tạp chí Thế giới đó đây cuối tuần này.

Ảnh minh họa: Bão nhiệt đới Dorian sắp ập vào Puerto Rico ngày 28/08/2019.
Ảnh minh họa: Bão nhiệt đới Dorian sắp ập vào Puerto Rico ngày 28/08/2019. Reuters
Quảng cáo

Nước biển dâng cao sẽ khiến 280 triệu người di tản

Tình trạng nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến 280 triệu người phải di tản, đó là báo động của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) đưa ra trong một báo cáo sẽ được công bố ngày 25/09 tới tại Monaco, nhưng hãng tin AFP đã tiết lộ trong tuần này.

Nói cách khác, các đại dương, vốn là nguồn nuôi sống nhân loại, có thể sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta ở cấp độ toàn cầu, nếu con người không làm gì để hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.

Đây là báo cáo đặc biệt thứ tư của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được công bố chỉ trong vòng chưa tới một năm. Ba báo cáo đầu nói về mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5° C, về đa dạng sinh thái và về quản lý đất cũng như là hệ thống lương thực thế giới.

Kỳ này, các chuyên gia của nhóm GIEC trình bày kết quả nghiên cứu của họ về tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương, với kết luận lần này là tình trạng nước biển dâng cao có thể khiến tổng cộng 280 triệu người phải di tản, cho dù trong giả thuyết lạc quan là con người hạn chế được mức tăng nhiệt độ ở 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Họ cũng dự báo là với tần suất các cơn cuồng phong ngày càng cao, nhiều thành phố lớn ven biển, cũng như những đảo quốc nhỏ sẽ bị ngập lụt mỗi năm kể từ năm 2050, theo những kịch bản lạc quan nhất. Báo cáo của GIEC cũng dự báo là từ 30 đến 99%, permafrost, tức là lớp đất mà theo lý thuyết đóng băng suốt năm, sẽ tan chảy từ đây đến năm 2100, nếu lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính cứ tăng với nhịp độ như hiện nay. Lớp permafrost của Bắc Cực khi bị tan chảy sẽ tung ra một « quả bom carbon », bao gồm khí CO2 và khí méthane (CH4), đẩy nhanh hơn nữa sự hâm nóng bầu khí quyển Trái đất.

Hiện tượng này đang diễn ra và có thể dẫn đến việc sụt giảm trữ lượng cá, nguồn thức ăn của nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới. Mặt khác, những thiệt hại do lụt lội có thể sẽ tăng gấp 100, thậm chí gấp 1.000 lần từ đây đến năm 2100. Băng ở hai cực tan chảy sẽ khiến Trái đất ít nước ngọt hơn, rồi sẽ rất ít, trong khi hàng tỷ người sống nhờ vào đó. Theo các chuyên gia của GIEC, sang đến thế kỷ 22, mức tăng của mực nước biển có thể sẽ vượt quá nhiều cm mỗi năm, tức là gấp 100 lần so với hiện nay.

Báo cáo của GIEC sẽ được công bố sau hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ngày 23/09 tại New York, do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres triệu tập. Ông Guterres muốn là nhân hội nghị này các nước phải có những cam kết mạnh mẽ hơn về lượng khí phát thải CO2. Với nhịp độ tăng lượng khí CO2 như hiện nay, nhiệt độ của hành tinh chúng ta từ đây đến cuối thế kỷ sẽ tăng từ 2 đến 3°C.

Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng những quốc gia phát ra nhiều khí thải nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Ấn Độ, chiếm đến 60% tổng lượng khí phát thải trên toàn cầu, sẽ không đưa ra những hứa hẹn tương xứng với mức độ nghiêm trọng hiện nay.

Cấm bán voi hoang dã châu Phi

Họp tại Genève trong tuần này, Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), đã nghiêm cấm việc buôn bán voi hoang dã từ châu Phi. Các sở thú và công viên giải trí kể từ nay sẽ không thể mua voi từ châu lục này. Quyết định nói trên đã được các tổ chức phi chính phủ hoan nghênh, nhưng các nước châu Phi có phản ứng khác nhau.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche giải thích :

« 87 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 25 đại biểu không bỏ phiếu. Không nên quá tin vào kết quả bỏ phiếu. Văn bản, do Liên Hiệp Châu Âu đệ trình, đã gây tranh cãi gay gắt giữa các phái đoàn, thậm chí có lúc đã khiến cuộc họp bị dừng lại.

Những quốc gia chống đối chủ yếu là Zimbabwe và Botswana. Hai nước này cho rằng số lượng voi của họ rất đông và muốn được quyền tự do buôn bán. Zimbabwe trong những năm gần đây đã bán cả trăm con cho Trung Quốc và Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất).

Kể từ nay, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, những con voi bắt được ở châu Phi chỉ có thể được chuyển đi trong khuôn khổ các chương trình bảo tồn động vật và chỉ được chuyển đi trong châu Phi.

Mặt khác, tổ chức Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng ( CITES ) đã bác bỏ một yêu cầu của Zimbabwe, Botswana và Namibia bãi bỏ một phần lệnh cấm buôn bán ngà voi.

Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, biện pháp này nếu được thi hành sẽ thúc đẩy hơn nữa nạn săn bắn trái phép, với 40 ngàn voi là nạn nhân mỗi năm. »

Quan hệ Vatican – Trung Quốc cải thiện

Trong tuần này, hai Giám mục Trung Quốc đầu tiên đã được tấn phong với sự chấp thuận của cả Tòa Thánh lẫn chính quyền Bắc Kinh kể từ khi hiệp định tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết vào tháng 9/2018 tại Bắc Kinh. Sự kiện này cho thấy quan hệ giữa hai bên đang được cải thiện đáng kể.

Từ Vatican, thông tín viên Eric Senanque tường trình:

"Đức cha Stephano Từ Hoằng Vĩ (Xu Hongwei) đã được tấn phong hôm thứ Tư (28/08) tại giáo phận Hán Trung (HanZhong), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), với sự hiện diện của toàn bộ giám mục tại tỉnh nằm giữa lòng Trung Quốc. Theo Vatican, bầu không khí của thánh lễ rất trang nghiêm và có rất nhiều giáo dân đến dự.

Trước đó hôm thứ Hai, 26/08, cha Antôn Diêu Thuận (Yao Shun), 54 tuổi, đã được tấn phong Giám mục tại giáo phận Tể Ninh, vùng Nội Mông, một vùng xa xôi hẻo lánh và là nơi sinh sống của khoảng gần 70 ngàn tín đồ Công giáo.

Cả hai tân giám mục đều được giáo hoàng bổ nhiệm và chính quyền Bắc Kinh đã không phủ quyết việc bổ nhiệm.

Vốn vẫn tỏ ra kín đáo trên hồ sơ này, Tòa Thánh đã xác nhận việc bổ nhiệm hai giám mục, nhắc lại rằng đây là hai người đầu tiên được tấn phong kể từ khi hiệp định lịch sử được ký kết ngày 22/09/2018, chấm dứt một thời kỳ xung khắc kéo dài từ năm 1957.

Trong những tháng gần đây, hồng y Parolin, ngoại trưởng của Tòa thánh, đã khen ngợi những tiến bộ trong quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt nhấn mạnh là lễ Phục Sinh đã diễn ra một cách êm thấm tại Trung Quốc.

Theo Vatican, việc tấn phong hai giám mục cho thấy là, tuy gặp nhiều chỉ trích, hiệp định ký kết năm ngoái dường như "đã đạt kết quả đầu tiên, dấu hiệu của hiệp thông và hài hoà."

Afghanistan : Phụ nữ tố cáo qua phim ảnh

Trong tuần này, từ 28 đến 30/08 tại Kaboul, đã diễn ra Liên hoan quốc tế điện ảnh phụ nữ lần thứ 5. Gần 200 phim đã được trình chiếu trong đó có khoảng 30 phim Afghanistan. Hôm khai mạc, khán giả liên hoan đã được xem bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn Afghansitan Sahra Mani.

Từ Kaboul, thông tín viên Sonia Ghezali tường trình :

“Trong rạp mà phim tài liệu được chiếu, một số khán giả bật khóc, số khác cúi gằm mặt xuống. Trên màn ảnh, Khatera, một phụ nữ trẻ, thân hình mảnh khảnh, kể lại là cô đã bị người cha hãm hiếp nhiều lần khi còn là thiếu nữ.

Bộ phim của nữ đạo diễn Afhansitan giải thích vì sao người phụ nữ trẻ này, mặc dù sống trong một xã hội tôn giáo bảo thủ và truyền thống còn đè nặng, đã dám kiện cha ra trước tòa. Bên cạnh cô là hai đứa con còn nhỏ. Khatera nay tị nạn tại Pháp.

Đạo diễn Sahra Mini bình luận về những khó khăn mà cô gặp phải khi làm bộ phim này : « Ở nước tôi nói về những chủ đề cấm kỵ không dễ dàng chút nào. Người ta vẫn thường nói với tôi : Có nhiều chủ đề khác có thể làm. Tại sao lại làm phim về nạn loạn luân ? Tại sao lại làm phim về một người Hồi Giáo đã có hành động đó ?

Gần 300 khán giả đã đến xem phim. Trong số này có Zolaykha Sherzad. Nhà thiết kế thời trang, đứng đầu một hiệu may ở Kaboul, cho rằng xem được các tác phẩm của nhiều nước khác nhau là điều rất quan trọng. Cô nói : “Tôi đã xem một phim trước, một phim của Iran, có rất nhiều điểm tương đồng. Điều quan trọng đối với người dân Afghanistan, đó là biết được những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch của người Afghaznistan cũng như là những nguyên nhân ở những nước khác và Afghanistan không phải là trường hợp riêng lẻ do đặc thù lịch sử. Cho dù tình hình khó khăn, chúng ta có thể học cách đối thoại, bày tỏ ý kiến, để không cảm thấy bị lẻ loi”.

Khoảng 30 phim chiếu tại liên hoan quốc tế này là phim của Afghasnitan. Những phim đó được chiếu tại các liên hoan phim quốc tế và liên hoan phim Afghanistan, nhưng vẫn chưa được chiếu trong các rạp xi nê trong nước, vì xã hội bảo thủ của Afghanistan có thành kiến đối với những người vào rạp xem phim.”

Thái Lan : Khi Hoàng quý phi lên mặt báo

Tại Thái Lan, nhiều bức ảnh của hoàng quý phi mới được sắc phong Sineenat Wongvajirapakdi trong tuần này đã chiếm trang nhất toàn bộ các báo, sau khi cuốn tiểu sử của cô được Hoàng gia công bố ngày 26/08/2019 và được nhiều báo trích đăng ngày hôm sau. Nhưng thần dân Thái Lan có nhiều ý kiến khác nhau về tục đa thê của Hoàng gia.

Từ Bangkok, thông tín viên Isoux Carol tường trình ngày 27/08:

« Cô tên là Sineenat, biệt danh là Koy, năm nay 34 tuổi, từng phục vụ cho tân vương trong suốt gần 10 năm với tư cách chỉ huy lực lượng cận vệ và trước đó từng làm y tá trong một quân y viện. Người cao ráo, thon thả, tóc cắt ngắn, cô đã lấy được bằng phi công. Sáng nay, trên các bức ảnh báo chí, người ta thấy cô đang lái nhiều phi cơ, mặt trang điểm thật sắc.

Koy đã được phong Hoàng quý phi trong một buổi lễ khá là đặc biệt cách đây vài tuần. Trong buổi lễ, cô đã quỳ phủ phục dưới chân quốc vương, với Hoàng hậu ngồi kế bên. Đây là lần đầu tiên từ gần 100 năm qua, có một người được phong Hoàng quý phi tại Thái Lan, nơi mà các quốc vương đã từ bỏ tục đa thê để chuyển sang một lối sống theo kiểu phương Tây.

Không ai được phép bàn luận về sự chọn lựa của quốc vương, do Thái Lan có đạo luật rất nghiêm khắc về tội khi quân. Nhưng khi nói chuyện với nhau, một số người dân Thái không khỏi chê bai một vị vua đã từng mang tiếng hết cặp cô này đến cô khác. Hoàng hậu hiện nay là người vợ thứ tư của ông. Đối với một số chuyên gia, tục đa thê này trong tương lai có thể dẫn đến những đấu đá nguy hiểm ở cung đình, với sự xuất hiện của phe thân Hoàng hậu và phe thân Hoàng quý phi.»

Mêhicô: Cơ chế bảo vệ nhà báo

Mêhicô là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với nghề phóng viên. Từ năm 2012, chính quyền nước này đã thiết lập « Cơ chế bảo vệ các nhà hoạt động và các nhà báo », trực thuộc bộ Nội Vụ. Liên Hiệp Quốc cũng vừa công bố một báo cáo, tuy nhìn nhận tầm quan trọng của một cơ chế như vậy, nhưng chỉ rõ những hạn chế và yếu kém của các biện pháp này.

Từ Mexico, thông tín viên Patrick John Buffe tường trình :

« Có khoảng 900 người Mêhicô được hưởng cơ chế này. Con số sẽ lên đến hơn 1.100 người vào cuối năm nay. Như vậy cơ chế này rất cần thiết. Nhưng vấn đề là thiếu nhân lực và phương tiện tài chính để đảm trách việc bảo vệ và hành động khẩn cấp khi cần. Và một trong những thách thức lớn nhất của cơ chế này, theo Liên Hiệp Quốc, đó là đặt ưu tiên cho các biện pháp ngăn ngừa cũng như là các nguyên nhân của những nguy cơ đối với các phóng viên.

Điều này lại càng cần thiết vì cơ chế mới được thiết lập đã không thật sự bảo đảm cho các nhà báo cũng cho những nhà hoạt động nhân quyền : từ khi cơ chế này ra đời, đã có thêm 7 người bị giết chết, trong khi những người này trên nguyên tắc được hưởng chương trình bảo vệ !

Cho nên phải cấp thiết cải tiến cơ chế này, nhất là mức độ bạo lực ngày càng tăng đối với các phóng viên : từ đầu năm đến nay đã có đến 11 người bị ám sát, bằng với con số của cả năm ngoái. Trong số nhà báo bị giết, có Nevith Jaramillo. Ông đã từ chối các biện pháp bảo vệ do thủ tục của cơ chế quá quan liêu hành chính. Thứ bảy tuần trước (24/08), phóng viên này đã chết sau khi bị đâm nhiều nhát dao ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.