Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC - NGA

Pháp, Đức tố cáo Nga truy bức đối lập

Tại Matxcơva, hàng ngàn người tiếp tục xuống đường hôm thứ Bảy 03/08/2019 kêu gọi tổ chức bầu cử tự do và phản đối chính quyền Nga loại trừ hàng loạt ứng cử viên đối lập. Cảnh sát Nga đàn áp mạnh, bắt ít nhất 800 người biểu tình. Chính sách thô bạo của Putin gây phản ứng mạnh tại Châu Âu. Paris và Berlin lên án những vụ bắt bớ này và kêu gọi Matxcơva trả tự do cho các nhà đối lập.

Hơn 800 người bị câu lưu ngày 03/08/2019 trong một cuộc biểu tình mới đòi bầu cử tự do ở Matxcơva.
Hơn 800 người bị câu lưu ngày 03/08/2019 trong một cuộc biểu tình mới đòi bầu cử tự do ở Matxcơva. REUTERS/Tatyana Makeyeva
Quảng cáo

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp tố cáo « hành động bạo lực bất tương xứng » của cảnh sát Nga. Nghiêm khắc hơn, chính phủ Đức lên án Nga chà đạp các « cam kết và nghĩa vụ quốc tế » tôn trọng quyền ứng cử, bầu cử của công dân.

Từ Berlin, thông tín viên Luc André tường thuật :

Theo quan điểm của chính phủ Đức, cảnh sát Nga đã hành động một cách « không tương xứng ». Berlin nhắc nhở Matxcơva đừng quên bổn phận phải tôn trọng các « cam kết quốc tế » : đó là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tổ chức bầu cử tự do.

Bộ Ngoại Giao Đức yêu cầu Nga trả tự do cho tất cả những người bị câu lưu và mong rằng những ứng cử viên độc lập được tham gia cuộc bầu cử địa phương vào ngày 08/09.

Giọng điệu của Berlin cứng rắn khác thường. Cộng hoà Liên bang Đức luôn chủ trương đối thoại với chính quyền Nga, cho dù Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, nhưng Berlin vẫn thường xuyên chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền ở Nga. Tuần trước, Berlin cũng đã yêu cầu Matxcơva trả tự do cho 1.400 người bị bắt trong đợt xuống đường phản kháng tương tự. Trong quá khứ, nước Đức, cũng với giọng điệu nghiêm khắc, đã từng lên án chính quyền Nga đàn áp nhà đối lập Alexei Navalny.

Thủ tướng Angela Merkel có thể tự cho quyền phê phán thẳng thắn như vậy. Trong Liên Hiệp Châu Âu, Đức là thành viên được Nga ưu tiên đối thoại. Đức cũng là bạn hàng số một của Nga. Cho dù bị trừng phạt, nhưng Nga được doanh nghiệp Đức đầu tư rất nhiều : hơn 3 tỷ euro trong năm 2018, chiếm một phần tư tổng số vốn đầu tư quốc tế vào nước Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.