Vào nội dung chính
ANH - IRAN

Iran kiên quyết không thả tàu dầu Anh

Căng thẳng gia tăng tại vùng Vịnh sau khi Teheran bắt giữ một tàu dầu Anh quốc, sau một vụ va chạm trên biển. Hàng loạt lời kêu gọi từ phía châu Âu, cũng như các đe dọa từ phía Mỹ và Anh, đã không khiến Iran thay đổi quyết định. Chính quyền Teheran hôm nay 21/07/2019 thông báo, số phận của chiếc tàu dầu phụ thuộc vào « thái độ hợp tác » của thủy thủ đoàn với các nhà điều tra.

Một video cho thấy một tàu Iran cặp sát chiếc tàu Anh hôm 19/07/2019.
Một video cho thấy một tàu Iran cặp sát chiếc tàu Anh hôm 19/07/2019. Reuters
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình bằng tiếng Anh của Nhà nước Iran Press TV, ông Allah-Morad Afifipour, lãnh đạo cơ quan phụ trách cảng và giao thông trên biển thuộc tỉnh Hormozgan, khẳng định « cuộc điều tra phụ thuộc vào sự hợp tác của thủy thủ đoàn (con tàu Stena Impero) và cũng vào khả năng các nhà điều tra tiếp cận với các bằng chứng cần thiết để làm rõ vụ việc ». Người phụ trách Iran cho biết 23 thành viên thủy thủ đoàn (bao gồm 18 người Ấn Độ, ba người Nga, một người Philippines và một người Latvia) đều « khỏe mạnh ».

Trước đó, ông Afifipour cũng thông báo là tàu Anh Stena Impero « đã va chạm với một tàu đánh cá ». Việc chính quyền Iran mở điều tra về « các nguyên nhân » xảy ra tai nạn là phù hợp với « luật pháp quốc tế ». Lãnh đạo ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cũng khẳng định là mọi hành động của phía Iran tại vùng Vịnh là nhằm để luật pháp quốc tế được tôn trọng.

Trong khi đó, đại sứ Iran tại Anh, Hamid Baeidinejad, đã hối thúc chính quyền Anh không để cho các thế lực chính trị nội bộ muốn căng thẳng leo thang giữa Luân Đôn và Teheran, khiến tình hình tồi tệ thêm. Đại sứ Iran cũng cảnh báo là Teheran sẵn sàng « nhiều kịch bản » để đối phó.

Về phản ứng của Iran, chuyên gia Thierry Coville, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (Institut des relations Internationales et Stratégiques) nhận định :

« Cần phải hiểu rõ cội rễ của vấn đề. Về phía chính quyền Iran, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân, Teheran tuân thủ thỏa thuận trong vòng một năm cho đến tháng 5/2019. Nền kinh tế Iran bị trừng phạt Mỹ chịu tác hại trầm trọng với mức lạm phát 50%. Người ta đưa ra con số 40% dân Iran sống dưới ngưỡng nghèo khó. Thuốc men thiếu thốn, xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm mạnh. Về mặt lô-gic, có thể thấy là chính quyền Iran sau một thời gian nhất định sẽ không thể chịu bó tay chờ đợi. Chúng ta thấy Teheran bắt đầu phản ứng, nhưng trong trạng thái kiềm chế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.