Vào nội dung chính
KHÔNG GIAN

Kỷ niệm 50 năm Apollo 11

Cách đây đúng 50 năm, ngày 16/07/1969, từ bang Florida, ba phi hành gia Mỹ Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đã cất cánh trên chiếc phi thuyền Apollo 11 để bay lên Mặt trăng và đúng bốn ngày sau, lần đầu tiên con người đặt chân lên vệ tinh của Trái đất.

Buzz Aldrin bên cạnh module Eagle trên Mặt trăng ngày 21/07/1969.
Buzz Aldrin bên cạnh module Eagle trên Mặt trăng ngày 21/07/1969. Domaine public/Nasa/Neil A. Armstrong
Quảng cáo

Amstrong đã qua đời năm 2012, nhưng hai phi hành gia kia, năm nay 89 và 88 tuổi, hôm nay sẽ tham gia các lễ hội kỷ niệm sự kiện trọng đại này tại trung tâm không gian Kennedy. Trong suốt tuần này, cơ quan không gian NASA tổ chức một loạt hoạt động để làm sống lại chuyến bay lịch sử Apollo 11.

Chuyến bay kéo dài 4 ngày. Module Eagle, với Amstrong và Aldrin, đã đáp xuống Mặt trăng ngày 20/07/1969 lúc 20 giờ 17 phút, giờ quốc tế và vài tiếng sau đó, lúc 2 giờ 56 phút, giờ quốc tế, Amstrong đặt chân lên Mặt trăng, trở thành người đầu tiên của nhân loại bước những bước đầu tiên trên vệ tinh của Trái đất. Armstrong đã miêu tả sự kiện quan trọng này bằng một câu nói sẽ đi vào lịch sử : « Đây là bước đi nhỏ của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại » ("That's one small step for [a] man, one giant leap for mankind"). Hai phi hành gia ở lại Mặt trăng trong 21 tiếng để thực hiện các nghiên cứu và thu thập 21 kg mẫu đất đá.

Lúc đó, Collins ở lại một mình trên quỹ đạo trong module Columbia, phần chính của phi thuyền, phương tiện duy nhất để các phi hành gia trở về Trái đất.

Đến 17 giờ 54 giờ quốc ngày 21/07/1969, module Eagle bay lên quỹ đạo để gắn trở lại vào module Columbia. Sau đó, ba phi hành gia quay về Trái đất và hạ cánh an toàn trên vùng biển Thái Bình Dương vào ngày 24/07/1969.

Sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại con người đặt chân lên Mặt trăng đã được truyền hình trực tiếp đến người xem khắp thế giới.

Tại New York vào cuối tháng 5 vừa qua, Collins kể lại : « Tất cả chúng tôi đều biết rằng, nếu vì lý do nào đó, hai người kia không thể cất cánh trở lại, thì tôi sẽ không giúp được gì. Columbia không thể đáp xuống Mặt trăng, nên tôi không thể xuống để cứu họ được. »

Hôm nay, ngôi sao sáng chói nhất của của ngày kỷ niệm 50 năm Apollo chính là Aldrin, vì ông là người thứ hai của nhân loại đặt chân lên Mặt trăng. Trong số 12 phi hành gia đặt chân lên vệ tinh của Trái đất, chỉ có 4 người còn sống.

Nhưng những lễ hội kỷ niệm 50 năm Apollo làm nổi rõ một điều, đó là kể từ năm 1972 đến nay, không có nước nào, kể cả Hoa Kỳ, đưa con người trở lại Mặt trăng, chỉ có các robot là được đưa lên vệ tinh của Trái đất. Tổng thống Bush cha và Bush con trước đây đều đã hứa là người Mỹ sẽ trở lại Mặt trăng, nhưng lần nào cũng bị Quốc Hội cản trở vì lý do tài chính.

Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 cũng đã tuyên bố sẽ chinh phục trở lại Mặt trăng, đề ra mục tiêu là đến năm 2024, một nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên sẽ đặt chân lên vệ tinh của Trái đất. Nhưng các chuyên gia cho rằng thời hạn mà ông Trump đề ra là quá ngắn, vì Hoa Kỳ chưa có một phi thuyền, một module nào sẵn sàng cho các chuyến bay có người lái lên Mặt trăng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.