Vào nội dung chính
LIBYA - NỘI CHIẾN

Libya: Tại sao Mỹ quay sang ủng hộ thống chế Haftar?

Chìm trong loạn lạc từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ năm 2011, Libya hiện chủ yếu nằm trong tay hai thế lực đối đầu : chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) của thủ tướng Fayez al-Sarraj, được Liên Hiệp Quốc công nhận, kiểm soát thủ đô Tripoli và phía tây Libya ; lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của thống chế tự phong Khalifa Haftar kiểm soát phía đông, nơi có thành phố Benghazi.

Thống chế Khalifa Haftar trong một buổi diễu binh ở Benghazi, miền đông Libya. Ảnh chụp ngày 07/05/2018.
Thống chế Khalifa Haftar trong một buổi diễu binh ở Benghazi, miền đông Libya. Ảnh chụp ngày 07/05/2018. Abdullah DOMA / AFP
Quảng cáo

Từ ngày 04/04/2019, lực lượng vũ trang của Haftar bất ngờ dồn dập tấn công và đã chiếm lại được nhiều phần lãnh thổ từ tay phe đối lập. Tuy nhiên, quân của thống chế Haftar vẫn bị cầm chân bên ngoài thủ đô Tripoli, cứ địa của chính phủ Đoàn kết Dân tộc (Government of National Accord, GNA)

Từ một thủ lĩnh của phe đối lập, thống chế Haftar dần nhận được sự ủng hộ từ nhiều cường quốc, trong đó có Pháp, Anh, Mỹ. Sự ủng hộ rõ ràng của chính quyền Washington được thể hiện rõ qua việc Mỹ ngăn cản Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án vụ không kích nhắm vào một khu tạm giữ người nhập cư ở Tajoura, ngoại ô Tripoli, làm 53 người chết và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (Libyan National Army, LNA) bị cáo buộc là tác giả.

Theo một bài viết trên trang TV5 Monde (07/04/2019), giữa Mỹ và thống chế Haftar là cả một “thiên tình sử”. Sau một thất bại nặng nề năm 1987 trước lực lượng của tổng thống Tchad Hissène Habré, tướng Khalifa Haftar bị Kadhafi bỏ rơi và sang Mỹ sống lưu vong suốt 20 năm ở bang Virginia, chỉ cách Langley, trụ sở của CIA vài phút đi xe. Người Mỹ nhận thấy viên tướng bị hạ nhục này có thể trở thành một quân chủ bài để hạ tổng thống Kadhafi. Năm 2011, ông trở về Libya tham gia cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài như một cách báo thù.

Kadhafi chết, chế độ sụp đổ. Tướng Haftar đã chiêu dụ được một số cựu sĩ quan của chính quyền Kadhafi, kết hợp với nhiều bộ tộc chủ yếu đến từ miền đông Libya để thành lập lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Nhờ chống khủng bố thánh chiến, lực lượng LNA nhận được sự ủng hộ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê Út và Ai Cập.

Haftar thắng thế nhờ Mỹ rút quân khỏi Libya

Trong những năm đầu tiên trong cương vị tổng thống Mỹ, ông Donald Trump duy trì chính sách công nhận chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc của thủ tướng Fayez al-Sarraj mà chính Mỹ dựng lên cùng với Anh và Ý vào năm 2015 vì ông Trump không thật sự quan tâm đến vấn đề Libya. Nhưng vào năm 2018, tổng thống Mỹ bỗng thay đổi và ông ra lệnh rút hết quân khỏi các chiến dịch ở Libya, mặc các đồng minh đối phó.

Cơ hội đến với thống chế Haftar. Ông lần lượt chiếm được Benghazi, rồi đến Sebha và Derna vào mùa hè 2018. Hiện nay, ngoài toàn bộ miền đông nằm trong tay Haftar, nhiều vùng đất do chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc kiểm soát lần lượt rơi vào vòng kiểm soát của lực lượng LNA, trừ thủ đô Tripoli và một số vùng phụ cận ở phía tây bắc.

Sau một thời gian giữ khoảng cách, Washington chuyển sang ủng hộ thủ lĩnh miền đông Libya vì theo nhà nghiên cứu James Dorsey, khi trả lời AFP, “trong mắt Washington, Haftar đáp ứng được hai tiêu chí : ông thể hiện là người chống thánh chiến Hồi Giáo, đồng thời được cả hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực yểm trợ, đó là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất”.

Theo chuyên gia Jalel Harchaoui, Viện Clingendael ở La Haye (Hà Lan), một lý do khác có thể giải thích tại sao Mỹ ủng hộ thống chế Haftar, đó là Washington “muốn duy trì cấm vận đối với Iran và cần đến dầu lửa của Libya do những biện pháp cấm vận này. Nếu cuộc phiêu lưu không được như mong đợi, Mỹ có nguy cơ phải xét lại hồ sơ vì việc sản xuất dầu lửa phải được duy trì. Nhưng nếu Haftar tiếp tục thắng thế, dù có tàn nhẫn, mà vẫn duy trì được việc khai thác dầu, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khoan dung”.

Tương lai Libya sẽ về đâu ?

Liệu cộng đồng quốc tế có thể giúp Libya giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị hiện nay ? RFI tiếng Việt trích giới thiệu phỏng vấn nhà nghiên cứu Brahim Oumansour, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp, trên trang TV5 Monde (06/07/2019).

Lực lượng của thống chế Khalifa Haftar bị chặn đứng ở cửa ngõ dẫn vào Tripoli. Thất bại này có thể giúp nối lại quá trình đàm phán giữa hai bên vì dường như hiện không có bất kỳ giải pháp quân sự nào có vẻ khả quan cho cuộc xung đột này ?

Brahim Oumansour : Tôi không tin vậy. Có nhiều khả năng chúng ta chứng kiến một cuộc leo thang quân sự dù các cuộc tấn công của thống chế Haftar bị thất bại. Lực lượng của phe đối lập đã bắt đầu tấn công các tầu chở dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi Libya vì Ankara ủng hộ chính phủ GNA.

Việc giảm căng thẳng hiện là điều không thể vì Libya đang là nơi diễn ra một cuộc xung đột gián tiếp và vượt khỏi phạm vi đất nước này, giữa những thế lực trong vùng thân cận với lực lượng Huynh Đệ Hồi Giáo và các phe đối lập.

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ chính phủ GNA ở Tripoli, kể cả bằng cách giao vũ khí. Ngược lại, thống chế Khalifa Haftar thì lại được Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Ai Cập hậu thuẫn. Nên nhớ rằng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập là kẻ thù của Qatar, còn Ai Cập của thống chế Sissi bị “dị ứng” với lực lượng Huynh Đệ Hồi Giáo. Tuy nhiên, sự chia rẽ về ý thức hệ trên thực tế không rõ ràng hẳn giữa hai phe. Chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc được lực lượng dân quân Hồi Giáo ủng hộ. Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của thống chế Haftar lại được dân quân Hồi Giáo theo hệ phái Salafi ủng hộ.

Các cường quốc phương Tây đóng vai trò gì trong cuộc xung đột này ?

Pháp, Anh Quốc và Mỹ ủng hộ thống chế Haftar vì thủ lĩnh của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya thể hiện là người có khả năng thống nhất đất nước, nằm trong vòng xoáy bạo lực từ khi chế độ Moummar Kadhafi sụp đổ. Chính quyền Pháp từng tin rằng Khalifa Haftar có khả năng chống lại được các tổ chức thánh chiến và nhất là, ông có thể thành lập một đất nước thống nhất với một đội quân hùng mạnh có thể kiểm soát được làn sóng di cư sang châu Âu.

Libya là cửa ngõ dẫn vào vùng Sahel và đất nước này còn giầu khí đốt và dầu mỏ. Chính vì điều này mà các nước châu Âu, cũng như Mỹ, đã xích lại với thủ lĩnh của miền đông Libya. Nhưng Pháp và nhiều nước châu Âu khác bắt đầu giữ khoảng cách với vị thống chế. Từ lúc mở tấn công, vị tướng này bị coi là một yếu tố gây bất ổn cho Libya hơn là một lực lượng giúp giữ ổn định và thống nhất đất nước.

Pháp từng giữ thế lập lờ. Paris không ngừng khẳng định tôn trọng luật pháp quốc tế (chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) là chính phủ duy nhất được Liên Hiệp Quốc công nhận) nhưng đồng thời vẫn ủng hộ thống chế Khalifa Haftar.

Hoa Kỳ của tổng thống Trump tiếp tục ủng hộ vị thủ lĩnh miền đông. Washington từng ngăn Hội Đồng Bảo An lên án vụ tấn công vào một trại tạm giữ người nhập cư ở Libya khiến nhiều người chết, trong khi lực lượng của thống chế Haftar bị cáo buộc là thủ phạm vụ thảm sát này.

Vậy cuộc khủng hoảng này có lối thoát nào không ?

Chừng nào các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước lớn trong vùng, còn tiếp tục nuôi dưỡng cuộc khủng hoảng, trang bị vũ khí và tài trợ cho chính phủ GNA hoặc phe của thống chế Khalifa Haftar, thì rất khó tìm ra được một giải pháp chính trị. Ngoài ra, mức độ căng thẳng hiện nay giữa các sức mạnh trong vùng, như giữa một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và bên kia là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, ngăn cản khả năng giải quyết cuộc xung đột này trong ngắn hạn.

Liệu Libya, hiểu theo nghĩa một quốc gia, có thể sống sót sau cuộc khủng hoảng này ?

Libya là một quốc gia rất trẻ, chủ yếu được hình thành dưới thời Mouammar Kadhafi. Đất nước này bị phân chia giữa các lực lượng đối lập. Vùng Cyrenaica, bao quanh thành phố Benghazi, luôn chống lại chính quyền Tripoli. Cũng chính từ Benghazhi xuất phát phong trào phản đối chính quyền Kadhafi. Cơ cấu bộ tộc dàn trải xã hội Libya và vượt qua cả khái niệm quốc tịch, vẫn còn rất mới ở nước này. Nếu cuộc xung đột còn kéo dài với sự chia cắt lãnh thổ giữa đông và tây, rất khó để Libya, với tư cách là một thực thể chính trị, có thể vượt qua được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.