Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Cựu thành viên phong trào Thiên An Môn đòi LHQ điều tra vụ thảm sát

Cùng với 21 người khác, Vương Đan, gương mặt sinh viên tiêu biểu của phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn tại Trung Quốc vào năm 1989, hôm nay 17/06/2019, kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mở điều tra về vụ đàn áp đẫm máu mà chế độ Bắc Kinh đã tiến hành cách nay 30 năm.

Ảnh tư liệu: Một nhóm nhà báo ủng hộ các sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, 17/05/1989.
Ảnh tư liệu: Một nhóm nhà báo ủng hộ các sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, 17/05/1989. REUTERS/Carl Ho
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, với sự hỗ trợ của tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc Chinese Human Rights Defenders, nhóm cựu thành viên phong trào Thiên An Môn cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhân dịp tổ chức nhân quyền cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc mở khóa họp 3 tuần kể từ ngày 24/06.

Trong một thông cáo, nhóm này xác nhận : « Chúng tôi yêu cầu Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc điều tra các vi phạm thô bạo về quyền con người và các quyền tự do cơ bản mà chính phủ Trung Quốc đã tiến hành khi cho quân đội tấn công vào các cuộc biểu tình ôn hòa ».

Nhóm này cũng yêu cầu có biện pháp chống lại một « mô hình vi phạm nhân quyền một cách nhất quán trong ba thập niên qua bằng cách truy bức các công dân Trung Quốc đã dám phá vỡ màn im lặng » mà chính quyền áp đặt trên các sự kiện ngày 03-04/06/1989.

Theo thông báo, chính quyền Bắc Kinh luôn liệt chủ đề Thiên An Môn vào diện cấm kỵ, không hề mở điều tra công khai và không cho phép mở điều tra độc lập về sự kiện này.

Theo ông Vương Đan, hiện định cư tại Mỹ, « vụ thảm sát 30 năm trước vẫn chưa kết thúc. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn xác định rằng các nạn nhân vụ thảm sát là thành phần tội phạm, và nhiều người lưu vong vẫn bị tước quyền trở về đất nước của mình ».

Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp chính xác số người chết vì bạo lực năm 1989, nhưng các nhóm nhân quyền và nhân chứng cho rằng số nạn nhân có thể lên đến hàng ngàn.

Về khả năng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mở điều tra về vụ Thiên An Môn, Reuters nêu bật thực tế là, kể từ khi được thành lập năm 2006 đến nay, cơ chế bao gồm 47 thành viên này chưa bao giờ thông qua một nghị quyết nào về Trung Quốc. Trong Hội Đồng, Bắc Kinh luôn được sự hậu thuẫn của các nước đang phát triển.

Một phát ngôn viên của Hội Đồng Nhân Quyền, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, đã từ chối trả lời hãng tin Anh và nhấn mạnh rằng các thông tin liên quan đến thủ tục khiếu nại thuộc diện bí mật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.