Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHÂU ÂU - HOA KỲ

Các liên minh lâm nguy vì Trump

Chuyến công du Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump là dịp để báo chí nhìn nhận lại quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng với châu Âu. « Trump quay lưng lại với châu Âu » là tựa nhỏ trên trang nhất báo Le Monde.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 04/06/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 04/06/2019. REUTERS/Henry Nicholls/Pool
Quảng cáo

Sau 3 ngày công du nước Anh, tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ hiện diện vài giờ tại Pháp trong buổi lễ do chính quyền Macron tổ chức để kỷ niệm 75 năm Quân Đồng Minh đổ bộ vào Normandie, Pháp. Theo Le Monde, điều này cho thấy mối quan hệ của chủ nhân Nhà Trắng với chủ nhân điện Elysée, nước Pháp và châu Âu đang xuống cấp. Tại Anh Quốc, ông Trump đã kêu gọi nước Anh tiến hành Brexit cứng rắn với châu Âu.

Còn báo Le Figaro có bài viết « Với Trump, các liên minh gặp nguy ». Tại Anh Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ « thái độ tôn kính khác thường » với nữ hoàng Anh Elizabeth II.Ông ca ngợi quan hệ « liên minh đặc biệt giữa hai dân tộc Anh-Mỹ » và gọi đó là « liên minh lớn nhất mà thế giới chưa từng biết đến ». Thế nhưng, theo Le Figaro, trên thực tế, Donald Trump không có đồng minh. Ông ấy chỉ đơn thuần duy trì các mối quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ông Trump đa nghi, ngờ vực mọi thỏa thuận và định chế đa phương.

Đối với chủ nhân Nhà Trắng, không gì có thể biện bạch cho việc nước Mỹ phải chi hàng tỉ đô la để bảo vệ các nước giàu và có khả năng tự bảo đảm an ninh cho họ. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục yêu cầu các thành viên khối NATO từ nay đến năm 2024 dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng đúng như cam kết.

Ông Trump cũng làm cho các thành viên NATO hiểu rằng điều khoản thứ 5 trong hiến chương thành lập NATO, theo đó, nếu một thành viên bị tấn công thì các thành viên khác có quyền và nghĩa vụ can thiệp, bảo vệ, sẽ chỉ được ông giới hạn áp dụng với các nước dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Nguyên thủ Mỹ cũng thường xuyên nhắc đến việc muốn rút Mỹ khỏi NATO.

Tại châu Á, cho dù theo chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, Trung Quốc bị Washington coi là thách thức lớn nhất, nhưng ông Trump vẫn thương lượng để Nhật và Hàn Quốc đóng góp chi phí cho Mỹ triển khai lực lượng tại khu vực này.

Chuyên gia Phillip Gordon, thành viên của Council on Foreign Relations, đánh giá là Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương như chúng ta từng biết nay đã chết. Một vị tổng thống Mỹ trong tương lai, cho dù có quan điểm cởi mở về liên minh, thì cũng sẽ không thể khôi phục NATO. Ngay cả khi NATO được tái sinh, thì Mỹ và châu Âu cũng phải thực tế hơn, để đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. NATO phải dựa trên quan hệ đối tác toàn diện trong đó tất cả các thành viên phải đóng góp để bảo vệ lợi ích an ninh và kinh tế cho nhau.

Giữa Trump và Macron, ảo tưởng không còn

Riêng về quan hệ giữa hai nguyên thủ Pháp - Mỹ, Le Monde nhận định « Giữa Trump và Macron, ảo tưởng đã chấm dứt ». Cây sồi mà tổng thống Pháp Macron tặng ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 04/2018, được chiết từ khu rừng tại Pháp nơi hàng ngàn lính Mỹ đã ngã xuống trong Đệ Nhất Thế Chiến, lẽ ra phải trở thành biểu tượng cho một tình bạn bền bỉ, khăng khít giữa hai nước, thì nay đã chết. Mối quan hệ của hai nguyên thủ cũng không còn được như trước đây, nhất là trên phương diện cá nhân.

Nhân dịp lễ kỷ niệm tại Normandie Pháp ngày 06/06, tổng thống Mỹ sẽ có buổi gặp riêng 30 phút và có bữa ăn trưa bàn công việc với đồng nhiệm Pháp Macron. Đây là lần trao đổi riêng đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi ông Trump đăng tải tin nhắn trên Twitter đả kích gay gắt đồng nhiệm Pháp về ý tưởng thành lập quân đội châu Âu, ngay sau chuyến công du Pháp dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã gặp lại nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Achentina.

Le Monde trích một nguồn tin thân cận với chủ nhân Nhà Trắng cho biết, kể từ đó hai bên đã nối lại quan hệ với thái độ tôn trọng nhưng thẳng thắn mỗi khi có bất đồng. Còn điện Elysée nhắc lại là Mỹ vẫn là một người bạn bền lâu của Pháp, và hai bên luôn có sự hợp tác chặt chẽ về quân sự và an ninh, ngay cả khi luôn có những điểm bất đồng hay bị chia rẽ.

Sự ra đi của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và ngoại trưởng Rex Tillerson đã khiến Paris mất đi những người đối thoại mà họ đề cao. Trong quan hệ cá nhân, Donald Trump không còn ngợi ca người bạn mà ông thân mật gọi là « Emmaaaaanuel » như trước đây. Những cuộc điện đàm cũng ít đi. Le Monde nhận xét, sau lễ kỷ niệm ở Normandie, các cuộc gặp của hai vị nguyên thủ cũng chỉ giới hạn ở các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế, như G20 tại Nhật vào cuối tháng 06/2019 và G7 tại Biarritz, Pháp vào cuối tháng 08/2019.

Bà Laurence Nardon, phụ trách chương trình Mỹ tại Viện Quan hệ Quốc tế của Pháp cho biết là ban đầu, Paris đặt cược vào việc hai nguyên thủ có quan hệ cá nhân gần gũi, với những điểm tương đồng về con đường chính trị, cho dù vẫn có những khác biệt cơ bản, nhưng cuối cùng thì họ lại không đạt được những kết quả như mong muốn. Giờ đây, trong chính quyền Paris và cả Washington, không còn ai ảo tưởng về quan hệ giữa hai nguyên thủ. Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch tái tranh cử và đối với ông, quan hệ với ông Macron không còn là quá quan trọng.

Tuy nhiên, chuyên gia Laurence Nardon vẫn nhấn mạnh là trong mắt tổng thống Mỹ, đồng nhiệm Pháp là nhà lãnh đạo duy nhất của một nước lớn thuộc Liên Hiệp Châu Âu mà ông có thể hòa hợp. Quan hệ của ông Trump với thủ tướng Đức nếu không phải là tồi tệ thì cũng lạnh nhạt, Anh Quốc thì đang có những bất trắc chính trị. Nếu Boris Johnson trở thành thủ tướng Anh thay bà Theresa May thì Donald Trump sẽ có một người đối thoại khác hợp với sở thích và hình ảnh của ông hơn.

Le Monde dự báo, trong cuộc gặp vào ngày hôm nay, Donald Trump và Emmanuel Macron đề cập trước tiên đến vấn đề chống khủng bố mà hai bên vốn có chung quan điểm, nhưng hai nguyên thủ cũng nói tới những chủ đề gây bất đồng, chẳng hạn chính sách với Iran. Việc Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà Pháp, Anh, Đức ủng hộ, và việc Mỹ áp lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và ngân hàng châu Âu cũng gây hại cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Lo ngại về việc gia tăng căng thẳng gia tại vùng Vịnh và nguy cơ xung đột, điện Elysée giải thích là cần tránh để đôi bên bị kềm tỏa trong quan hệ đối đầu. Về lý thuyết, mối lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh có thể khiến hai nhà lãnh đạo Pháp - Mỹ xích lại gần nhau, nhưng theo chuyên gia Benjamin Hadad, giám đốc chương trình châu Âu, thuộc Atlantic Council, ông Donald Trump chưa từng bày tỏ mong muốn cùng chung sức với các nước khác khi đối phó với Bắc Kinh.

Normandie 1944 : một trong những cuộc đổ bộ quy mô nhất trong lịch sử

Hôm nay 06/06/2019 là tròn 75 năm Quân Đồng Minh đổ bộ ồ ạt lên các bãi biển vùng Normandie, miền bắc nước Pháp, bắt đầu chiến dịch Normandie phản công vào tâm điểm của pháo đài Đức Quốc Xã tại châu Âu, góp phần vào chiến thắng chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1945.

Báo Le Figaro dành trang nhất với tựa chính « 06/06/1944, buổi sáng của tự do » và hồ sơ đặc biệt 8 trang cho cuộc đổ bộ được coi là chiến dịch thủy lục quân phối hợp tác chiến lớn nhất lịch sử, với đội tàu cũng là lớn nhất : gần 7.000 tàu, trong có hơn 1.000 tàu chiến, 11.000 phi cơ và hơn 150.000 người tham gia. Nhưng đây cũng là một trong những ngày bi thương nhất trong lịch sử, cứ hai giây có một người thiệt mạng. Tổng cộng, có 20.000 quân đồng minh chết, mất tích hoặc bị thương nghiêm trọng trong ngày đổ bộ 06/06, D-Day.

3.000 thường dân cũng thiệt mạng trong ngày này. Ngoài những thường dân chết vì trúng bom, có nhiều người bị quân Đức giết hại trong các đợt thảm sát tại vùng Normandie. Tổng cộng, suốt mùa hè năm 1944, trong chiến dịch Normandie, có 20.000 thường dân thiệt mạng.

Còn đối với quân đội Mỹ, theo Le Figaro, D-Day cũng là ngày đẫm máu nhất kể từ sau trận đánh Antietan, ngày 17/09/1862, trong cuộc nội chiến tại Mỹ. Nhưng theo nhà sử học Mỹ John McManus, Normandie chính là nơi tạo ra bước ngoặt cho Đệ Nhị Thế Chiến. Mặc dù không có vai trò quyết định như các trận đánh Midway, Al Alamein hay Stalingrad, nhưng sự tham gia vào cuộc đổ bộ Normandie của quân Mỹ lại là ngày khởi đầu để dân tộc Mỹ tỏ lòng đoàn kết không thể lay chuyển, với ý nguyện bằng mọi giá đi đến thắng lợi cuối cùng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đối với người Mỹ, đây là trận đánh của cái tốt chống lại cái xấu. Trong suốt cả năm sau cuộc đổ bộ 06/06/1944, lính Mỹ chiếm 2/3 số quân Đồng Minh tham gia chiến dịch.

Pháp : Dự luật cấm tiêu hủy hàng tồn kho

Trong lĩnh vực xã hội, báo La Croix cho biết để chống lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, chính quyền Pháp hôm 04/06/2019 đề xuất cấm tiêu hủy hàng hóa tồn kho nếu đó là những mặt hàng không phải là thực phẩm. Dự luật sẽ được đệ trình lên Quốc Hội vào tháng 07. Nếu được thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực muộn nhất là vào cuối năm 2021, hoặc năm 2023 đối với một số mặt hàng đặc biệt.

Theo dự luật, nếu không bán hết các mặt hàng như hàng điện tử gia dụng, quần áo, sản phẩm vệ sinh và mỹ phẩm … thì các doanh nghiệp hoặc phải đem cho, tặng sản phẩm cho các hiệp hội để giúp đỡ những người khó khăn, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế xã hội và đoàn kết, hoặc phải tháo rời sản phẩm để tái chế, tái sử dụng.

Trong một báo cáo hồi năm 2014, chính phủ Pháp ước tính giá trị hàng tồn kho bị tiêu hủy hàng năm lên đến 800 triệu euro. Còn Hiệp hội cho tặng hiện vật đánh giá là 630 triệu euro hàng hóa không bán được đã bị tiêu hủy, số sản phẩm mà các doanh nghiệp đem cho tặng chỉ đạt 140 triệu euro.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, một số tổ chức, hiệp hội đã được các siêu thị tặng hàng tồn kho. Hiệp hội cho tặng hiện vật, được thành lập năm 2009, đã tạo danh sách sản phẩm mà 800 hiệp hội trợ giúp người nghèo có thể tiếp cận để nhận hàng. Tổng cộng có 130 doanh nghiệp tham gia chương trình, chẳng hạn tập đoàn l’Oreal.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.