Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

Liên Hiệp Quốc lo ngại nạn khai thác cát vô độ bất chấp hậu quả

Xã hội đen trên thị trường cát. Đây không phải là tựa của một chuyện trinh thám mà chính là một trong những mối đe dọa môi trường. Trong bản báo cáo vừa công bố tại Genève (07/05/2019),  Liên Hiệp Quốc cảnh báo tệ nạn, cát, nguồn tài nguyên thiên nhiên thứ hai của trái đất, sau nguồn nước, bị khai thác một cách phí phạm.

Bãi khai thác cát trên bãi biền Pensacola, Florida, Mỹ. Ảnh chụp ngày 24/04/2019.
Bãi khai thác cát trên bãi biền Pensacola, Florida, Mỹ. Ảnh chụp ngày 24/04/2019. REUTERS
Quảng cáo

Mỗi năm, khoản 50 triệu tấn cát được sử dụng trong đủ loại công trình xây dựng từ đường xá, cầu cống, nhà cửa cho đến chế tạo thủy tinh và mỹ phẩm. Cần phải chấm dứt tệ nạn khai thác bất hợp pháp đã tàn phá nhiều vùng duyên hải và sông ngòi qua một « chính sách quản lý toàn cầu ».

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường thuật :

Người ta tưởng lầm là không bao giờ thiếu cát bởi vì cát ở đầy trong sa mạc. Nhưng trên thực tế nguồn cát có giới hạn bởi vì không phải loại các nào cũng có thể sử dụng trong công nghiệp.

Thêm vào đó, mức cầu đã tăng gắp ba lần trong 20 năm trở lại đây một phần vì giá rẻ, ai cũng có thể cung cấp cho nhà thầu hay buôn lậu. Tình trạng khai thác bất kể hậu quả đã tàn phá nhiều vùng duyên hải và dòng sông.

Pascal Pedduzi, chuyên gia của Chương Trình Liên Hiệp Quốc Vì Môi Trường thẩm định : Lấy cát từ các bãi biển sẽ làm cho thiên nhiên mất đi khả năng tự tồn trước sức xâm thực của sóng biển và bão táp. Dần dần tình trạng lũ lụt ở các vùng ven biển sẽ nghiêm trọng hơn.

Khai thác cát ở các dòng sông cũng gây tác hại lớn, làm thay đổi luồng nước chảy chậm hơn hoặc chảy mạnh hơn khiến cho lụt lội xảy ra thường xuyên hơn hay khô hạn nhiều hơn.

Ở châu Á và châu Phi, nơi kinh tế tăng trưởng cao và dân số tăng nhanh, là hai nơi tiêu thụ cát hàng đầu thế giới. Chỉ một mình Trung Quốc mà mỗi năm « ngốn » hơn 50% lượng cát cung ứng trên toàn cầu.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi các chính phủ quản lý nghiêm túc hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên này và đình chỉ các dự án khổng lồ lần chiếm biển hay xây cất các toà nhà chọc trời mà không có ai thuê.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.