Vào nội dung chính
HOA KỲ - ANH - WIKILEAKS

Julian Assange bị bắt tại Anh, Mỹ đòi dẫn độ để xét xử

Người sáng lập trang web WikiLeaks, Julian Assange hôm qua 11/04/2019 đã bị bắt tại Luân Đôn, sau khi chính quyền Ecuador hủy bỏ quy chế tị nạn ngoại giao của ông. Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ Assange để xét xử vì đã tấn công tin học, tiết lộ 250.000 bức điện ngoại giao và nửa triệu tài liệu mật về hoạt động của quân đội Mỹ ở Irak và Afghanistan.

Ông Julian Assange trên xe cảnh sát Luân Đôn, Anh. Ảnh ngày 11/04/2019.
Ông Julian Assange trên xe cảnh sát Luân Đôn, Anh. Ảnh ngày 11/04/2019. REUTERS/Henry Nicholls
Quảng cáo

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve phân tích :

"Theo tư pháp Mỹ, việc trang WikiLeaks do Julian Assange thành lập phổ biến được hàng trăm ngàn tài liệu mật là nhờ sự đồng lõa của nhân viên phân tích tin tình báo Mỹ, Bradley Manning, sau này đã chuyển giới và đổi tên thành Chelsea, bị kết án 35 năm tù hồi năm 2013.

Julian Assange có thể bị án nhẹ hơn nhiều, vì luật pháp Mỹ rất nghiêm khắc với việc đánh cắp tài liệu mật nhưng nhẹ tay hơn đối với việc phổ biến thông tin, nhân danh tự do ngôn luận. Tư pháp Hoa Kỳ chỉ cáo buộc Assange đã giúp Manning lấy được mật khẩu của bộ Quốc Phòng, nhờ đó nhân viên này có thể đánh cắp được các tài liệu. Với tội danh mưu toan tấn công tin học, hình phạt tối đa cho Julian Assange chỉ là 5 năm tù.

Mãi đến năm 2018, đại bồi thẩm đoàn mới kết án 47 năm tù, nhưng ông Barack Obama từ chối khởi tố nhân vật người Úc này. Về phần tổng thống Donald Trump thì trong năm 2016 đã nhiều lần tuyên bố rất ngưỡng mộ Assange. Đó là sau bước ngoặt của chiến dịch tranh cử tổng thống : WikiLeaks đăng tải hàng ngàn email của đảng Dân Chủ do tin tặc Nga đánh cắp được.

Còn chính giới Mỹ thì nhất loạt đòi hỏi phải mở một phiên tòa tại Hoa Kỳ để xét xử nhân vật bị thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsay Graham đánh giá là đáng khinh bỉ và nguy hiểm, và một đồng nghiệp Dân Chủ gọi là nhân viên tình báo của Nga.

Julian Assange từ bảy năm qua tị nạn trong tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển do cáo buộc hiếp dâm. Cảnh sát Anh mặc thường phục hôm qua bắt ông vì tội vi phạm các điều kiện để được tại ngoại. Matxcơva tố cáo Luân Đôn « bóp nghẹt tự do », nhưng thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố « không có ai được đứng trên luật pháp ». Ê-kíp luật sư của WikiLeaks và những người ủng hộ quyết tâm đấu tranh chống lại việc dẫn độ ông Assange.

Thông tín viên Muriel Delcroix tường thuật từ Luân Đôn :

« Trong số những người đến trước tòa án để bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt đối với Julian Assange, một trong những luật sư của ông đi cùng với tổng biên tập của WikiLeaks muốn lớn tiếng tố cáo vụ bắt giữ trước báo chí.

Luật sư Jennifer Robinson nói : Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả các phương tiện truyền thông, có nghĩa là bất kỳ nhà báo nào cũng có thể bị dẫn độ và truy tố ở Hoa Kỳ vì đã công bố những thông tin trung thực về nước Mỹ.

Trong khi yêu cầu dẫn độ của Mỹ đến ngày 2/5 tới mới được tòa án Westminster xem xét, bà luật sư khẳng định ông Julian Assange sẽ kháng án.

Còn Kristinn Hrafnsson, tổng biên tập WikiLeaks với vẻ đầy xúc động, đã gởi đến chính quyền Anh một thông điệp dứt khoát : Đây là một ngày u ám cho báo chí. Người ta nói đến một âm mưu, nhưng lại là một âm mưu làm tổn hại cho nghề báo ! Việc này cần phải chấm dứt, và chúng tôi đề nghị tất cả mọi người ủng hộ Julian Assange trong cuộc đấu tranh chống lại việc dẫn độ ông.

Tuy vậy rõ ràng là Luân Đôn vốn rất bối rối trước trường hợp của Assange đã kéo dài gần 10 năm qua, sẽ nhanh chóng tìm cách đáp ứng yêu cầu dẫn độ của Mỹ ».

Về phía luật sư của người phụ nữ đã tố cáo bị Julian Assange hãm hiếp tại Thụy Điển hồi năm 2010, hôm qua cho biết sẽ yêu cầu mở lại điều tra. Còn bộ trưởng Nội Vụ Ecuador thông báo đã câu lưu một người thân cận của nhà sáng lập WikiLeaks vì đã « hợp tác âm mưu gây bất ổn cho chính phủ ». Theo kênh truyền hình Teleamazonas, đó là một chuyên gia tin học người Thụy Điển chuyên về an ninh mạng và mã hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.