Vào nội dung chính
BREXIT - CHÂU ÂU

Lại dời ngày Brexit, nhưng đến khi nào?

Nếu đúng theo dự đoán của các nhà phân tích, lãnh đạo 27 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, họp thượng đỉnh hôm nay 10/04/2019, sẽ một lần nữa chấp nhận cho dời lại ngày Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, để tránh kịch bản đáng sợ “no deal “ ( Brexit không thỏa thuận ). Nhưng nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cho tới nay vẫn bất đồng với nhau về thời hạn dời Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May gặp đồng nhiệm Đức Angela Merkel (T) tại Berlin, ngày 09/04/2019.
Thủ tướng Anh Theresa May gặp đồng nhiệm Đức Angela Merkel (T) tại Berlin, ngày 09/04/2019. REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Thủ tướng Theresa May tối nay sẽ “năn nỉ” các đồng nhiệm châu Âu xin gia hạn Brexit cho đến ngày 30/06, để bà có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ Anh Quốc, vốn đã ba lần bác bỏ thỏa thuận, mà bà đã thương lượng với Bruxelles. Nhưng bà May cũng yêu cầu cho nước Anh được miễn tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu ( 23-26/05 ), trong khi đây lại là nghĩa vụ của Luân Đôn, nếu nước Anh vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu sau cuộc bầu cử này.

Lãnh đạo của 27 nước thành viên kia hiện vẫn chưa đồng ý với nhau về thời hạn dời Brexit. Trong bức thư mời dự thượng đỉnh hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, kinh nghiệm cho đến nay cùng với những bất đồng sâu rộng tại Hạ Viện Anh, cho thấy thỏa thuận Brexit của thủ tướng Theresa May khó mà được phê chuẩn trước ngày 30/06.

Để tránh một Brexit “no deal” và cũng để các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu khỏi phải họp liên miên, ông Donald Tusk đề nghị gia hạn Brexit một cách “linh động”, với thời hạn không quá một năm. Như vậy là khi nào cả hai bên, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, phê chuẩn xong thỏa thuận Brexit, thì việc gia hạn chấm dứt ngay.

Đề nghị của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu được thủ tướng Đức Angela Merkel nhiệt liệt hưởng ứng, vì bà cũng đồng ý là có thể gia hạn Brexit đến đầu năm 2020. Nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuy không chống việc gia hạn Brexit, cho rằng thời hạn một năm là “quá dài”. Ông Macron nay coi như là cầm đầu phe chủ trương cứng rắn với Luân Đôn, sợ rằng nếu tiếp tục là thành viên, Anh Quốc sẽ gây xáo trộn cho sự vận hành của Liên Hiệp Châu Âu. Điện Elysée ( phủ tổng thống Pháp ) đã nêu rõ lập trường: thời hạn dời ngày Brexit càng dài, thì những điều kiện đặt ra với Anh Quốc phải càng nghiêm ngặt, để không ảnh hưởng đến hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu như lãnh đạo 27 nước thành viên kia chưa nhất trí với nhau về thời hạn dời Brexit, họ đồng ý với nhau ở một điểm: Anh Quốc sẽ phải tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu, vì đây là một nghĩa vụ của một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Theo bản dự thảo kết luận cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles, mà tờ Le Monde có được, nếu Luân Đôn vẫn không chấp nhận tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu, thì hai bên sẽ phải chia tay ngay từ ngày 01/06/2019.

Theo tờ nhật báo này, Paris sợ rằng việc Anh Quốc vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm hao tốn sức lực và các phương tiện của khối này, vào lúc mà tổng thống Macron muốn thúc đẩy các dự án lớn cho Liên Hiệp. Từ 10 năm qua, hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu gần như đã bị tê liệt do cuộc khủng hoảng đồng euro, và tiếp đến là khủng hoảng di dân. Bây giờ không thể để cho vấn đề Brexit khiến khối này tiếp tục bị tê liệt.

Nguy cơ đó là có thật, vì theo hãng tin AFP, các nghị sĩ bảo thủ ủng hộ Brexit trong Quốc Hội Anh dự tính : nếu Anh Quốc buộc phải ở lại Liên Hiệp Châu Âu thêm nhiều tháng nữa, họ sẽ làm mọi cách để được bầu vào Nghị Viện Châu Âu, rồi từ bên trong mà phá rối hoạt động của định chế này.

Tóm lại, cho dù thượng đỉnh Bruxelles hôm nay ra quyết định như thế nào, có vẻ như hãy còn lâu mới đến hồi kết của Brexit.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.