Vào nội dung chính
RWANDA - DIỆT CHỦNG

Diệt chủng ở Rwanda : TT Pháp muốn có ngày tưởng niệm nạn nhân Tutsi

Ngày 07/04/2019, điện Elysée ra thông cáo cho biết tổng thống Emmanuel Macron mong muốn là ngày 07/04 được chọn là ngày tưởng niệm các nạn nhân Tutsi trong vụ diệt chủng ở Rwanda.

Tổng thống Rwanda Paul Kagame và phu nhân Jeannette đến lễ tưởng niệm nạn nhân người Tutsi trong vụ diệt chủng năm 1994, ngày 07/04/2019.
Tổng thống Rwanda Paul Kagame và phu nhân Jeannette đến lễ tưởng niệm nạn nhân người Tutsi trong vụ diệt chủng năm 1994, ngày 07/04/2019. REUTERS/Baz Ratner
Quảng cáo

Nguyên thủ Pháp bày tỏ mong muốn này trong bối cảnh chính quyền Rwanda đòi hỏi Pháp phải lên tiếng xin lỗi và nhận một phần trách nhiệm trong vụ thảm sát sắc tộc Tutsi Rwanda cách nay 25 năm.

Từ hôm 07/04, Rwanda bắt đầu tiến hành một loạt các hoạt động tưởng niệm khoảng 800 ngàn nạn nhân là người Tutsi bị giết hại trong vụ diệt chủng năm 1994. Trong một phần tư thế kỷ qua, quan hệ giữa hai nước luôn luôn căng thẳng, Paris và Kigali vẫn tranh cãi về vai trò và trách nhiệm của quân đội Pháp trong vụ thảm sát năm 1994.

Ngày 05/04, tổng thống Pháp đã cho thành lập một tiểu ban bao gồm các chuyên gia và sử gia, chịu trách nhiệm nghiên cứu các tư liệu của Pháp nhằm làm rõ vai trò của Pháp tại Rwanda trong giai đoạn 1990-1994.

Theo đặc phái viên RFI tại Kagali, Christophe Boisbouvier, từ một phần tư thế kỷ qua, Rwanda vẫn đang chờ đợi các cường quốc lên tiếng xin lỗi để xẩy ra vụ diệt chủng này :

« 25 năm sau khi lực lượng Mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc phải rút lui một cách thảm hại, Rwada vẫn đang chờ đợi những lời xin lỗi từ phía các cường quốc. Những lời xin lỗi như phát biểu thủ tướng Bỉ Charles Michel, ngày hôm qua (07/04), tại Kigali : Vâng, cần phải nói thẳng. Vụ thảm sát này là một thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành động phạm tội ác chống nhân loại. Một loạt các khinh suất, bất lực, một loạt các sai trái và lỗi lầm đã dẫn đến việc xẩy ra thảm họa diệt chủng.

Rwanda cũng đang chờ đợi các nước châu Âu và Bắc Mỹ thể hiện quyết tâm chính trị, cho bắt giữ những kẻ phạm tội ác diệt chủng đang ẩn náu ở đó, hoặc nhập quốc tịch nước khác để trốn tránh trách nhiệm. Jean-Damascène Bizimana, tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Đấu tranh Chống nạn Diệt chủng ở Rwanda, tố cáo : Điều rõ ràng có thể nhận thấy là 25 năm sau vụ diệt chủng, vẫn có những quốc gia từ chối xét xử những kẻ phạm tội ác diệt chủng hoặc từ chối dẫn độ với lập luận rằng những kẻ này đã mang quốc tịch nước khác. Điều này không có sức thuyết phục.

Trong số những quốc gia bị chỉ trích, có nước Pháp, nơi mà chỉ có 3 kẻ phạm tội bị xét xử và kết án tù ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.