Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Brexit : Nước Anh sẽ khó tránh bầu cử trước thời hạn

Với việc các dân biểu Anh Quốc bác bỏ toàn bộ 4 kế hoạch thay thế cho thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May thương lượng với Bruxelles, khả năng một Brexit « no deal » ( không thỏa thuận ) gần như chắc chắn, và như vậy là nước Anh sẽ khó mà tránh khỏi cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn.

Anh Quốc : Những người ủng hộ Brexit biểu tình trước trụ sở Quốc hội. Ảnh 29/03/2019.
Anh Quốc : Những người ủng hộ Brexit biểu tình trước trụ sở Quốc hội. Ảnh 29/03/2019. REUTERS/Toby Melville
Quảng cáo

Nhìn qua kết quả các cuộc bỏ phiếu hôm qua, có vẻ như là vị thế của thủ tướng Theresa May đang được củng cố. Không một kế hoạch thay thế nào thu được số phiếu bằng với số 286 phiếu thuận mà thỏa thuận Brexit của bà đã nhận được trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba hôm 29/03. Kết quả này sẽ khiến thủ tướng May thêm tự tin để đệ trình thỏa thuận Brexit để các nghị sĩ biểu quyết lần thứ tư.

Thủ tướng Anh có thể ra lời cảnh báo đến các nghị sĩ bảo thủ rằng, nếu không bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà, nước Anh sẽ phải chấp nhận một Brexit « mềm », hoặc phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, thậm chí tổ chức lại trưng cầu dân ý, một viễn cảnh mà đảng bảo thủ của bà rất sợ. Nhưng không chắc là lời đe dọa đó sẽ có tác động mong muốn, bởi vì khó mà thuyết phục được thêm các dân biểu « cứng đầu » để có đủ số phiếu cần thiết cho việc thông qua thỏa thuận Brexit.

Hôm nay, thủ tướng Theresa May họp với các bộ trưởng của bà để bàn cách đối phó với mọi tình huống, kể cả việc chuẩn bị cho khả năng bầu cử trước thời hạn. Nhưng trong bối cảnh mà các nghị sĩ bất lực trong việc tìm giải pháp cho bế tắc về Brexit, các phương án của thủ tướng Anh rất hạn chế và phương án nào cũng nguy hiểm đối với chính phủ của bà Theresa May, đối với bản thân bà và đối với đất nước.

Nếu thủ tướng May để cho nước Anh đi tới một Brexit không thỏa thuận, những bộ trưởng có xu hướng ôn hòa trong chính phủ của bà sẽ bất mãn từ chức. Quốc Hội có thể sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Theresa May và như vậy là Anh Quốc sẽ phải bầu Quốc Hội trước thời hạn. Nhưng nếu bà cố tìm một thỏa hiệp về một Brexit « mềm » và vẫn duy trì các mối quan hệ chặt chẽ giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu, thì những bộ trưởng cứng rắn sẽ bỏ rơi bà và chính phủ Theresa May sẽ đổ.

Giữa hai thái cực đó, thủ tướng May chắc không còn sự chọn lựa nào khác là « năn nỉ » Liên Hiệp Châu Âu triển hạn Brexit thêm lần nữa, lần này sẽ là là triển hạn một thời gian dài. Nhưng 27 thành viên kia của Liên Hiệp Châu Âu chỉ chấp nhận triển hạn lần nữa với hai điều kiện : thứ nhất, Luân Đôn phải tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 23/05 và thứ hai, Anh Quốc phải, hoặc là tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit.

Cả hai giải pháp này đều rất có thể dẫn đến việc bà Theresa May mất ghế thủ tướng, nhưng vẫn không giải tỏa được bế tắc về Brexit. Tóm lại, tình hình nước Anh bây giờ như một cái mớ bòng bong ngày càng rối rắm, ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của cả chính phủ lẫn Quốc Hội. Tình hình này càng kéo dài, thiệt hại tài chính đối với Anh Quốc càng lớn. Theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs, kể từ thời điểm trưng cầu dân ý về Brexit tháng 06/2016, mỗi tuần nền kinh tế Anh bị thiệt hại khoảng 700 triệu euro và kể từ thời điểm đó, nền kinh tế thứ năm thế giới này bị mất khoảng 2,4 điểm GDP. Và trong trường hợp Brexit « no deal », GDP của Anh Quốc sẽ thể sụt giảm 5,5% và giá trị của đồng bảng Anh sẽ mất đi 17%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.