Vào nội dung chính
ALGERI - KHỦNG HOẢNG

Algeri : Vì sao Hội Đồng Bảo Hiến vẫn « im lặng » trước yêu cầu của quân đội ?

Lãnh đạo quân đội Algeri, tướng Ahmed Gaid Salah, ngày 31/03/2019, lại kêu gọi tổng thống từ chức theo điều hiến định. Vì sao Hội Đồng Bảo Hiến vẫn chưa thực hiện thủ tục này ? Phải chăng đang có một cuộc đọ sức giữa quân đội và phe thân cận của tổng thống ?

Giới luật sư Algeri biểu tình đòi tổng thống Bouteflika ra đi. Thủ đô Alger ngày 23/03/2019.
Giới luật sư Algeri biểu tình đòi tổng thống Bouteflika ra đi. Thủ đô Alger ngày 23/03/2019. REUTERS/Ramzi Boudina
Quảng cáo

Mọi việc bắt đầu từ ngày 26/03/2019, tướng Ahmed Gaid Salah, tổng tham mưu trưởng quân đội, bất ngờ kêu gọi khởi động điều khoản 102 trong Hiến Pháp tuyên bố tổng thống « mất khả năng » lãnh đạo đất nước vì vấn đề sức khỏe. Và câu trả lời cho yêu cầu này của lãnh đạo quân đội Algeri là một sự « im lặng » đến khó tả từ Hội Đồng Bảo Hiến.

Vì sao như vậy ? Giới chuyên gia đưa ra hai giả thuyết để diễn giải cho sự chậm trễ này. Thứ nhất, có thể đây là một cuộc đọ sức đang diễn ra giữa phe quân đội và những người thân cận của tổng thống. Bằng chứng cho bầu không khí căng thẳng đó là những lời đe dọa bóng gió đến từ tổng tham mưu trưởng quân đội hôm 18/03 cho rằng « mỗi một vấn đề đều có một hay nhiều giải pháp ». Ông nhấn mạnh rằng những giải pháp này phải được đưa ra « đúng lúc ».

Một lời kêu gọi dành cho ông Tayeb Belaiz, chủ tịch Hội đồng Bảo Hiến là nên đưa ra các biện pháp cần thiết để áp dụng điều khoản 102. Theo quy định của Hiến Pháp Algeri, để có thể khởi động điều khoản 102, thì đích thân chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến, phải đề xuất với Nghị Viện Algeri khởi động thủ tục này. Thế nhưng Tayeb Belaiz lại là một người thân tín của tổng thống Bouteflika.

Đây chính có lẽ là điểm bất đồng giữa lãnh đạo quân đội và phe thân tín của tổng thống Bouteflika. Bởi vì, thời gian càng kéo dài, người dân càng bất mãn, thì sẽ càng bất lợi cho quân đội và chính bản thân lãnh đạo quân đội Algeri theo như giải thích của ông Yahia Zoubir, chuyên gia về Algeri, và giáo sư Quan hệ Quốc tế tại trường Kedge Business School tại Marseille trên trang mạng Sputnik :

« Vào lúc những đòi hỏi của người dân không ngừng gia tăng, Gaid Salah tin rằng nếu ông không hành động đúng lúc, chính ông sẽ phải là người ra đi sớm, điều có khả năng trở thành một đòi hỏi thật sự của người dân. Hơn nữa còn có một nỗi lo, chính đáng hơn và được giới quân đội đồng tình hơn, đó là khả năng mất kiểm soát an ninh, có thể do chính phe thân cận tổng thống gây ra ».

Còn theo giả thuyết thứ hai, thì một số nhà quan sát không mấy tin rằng ông Ahmed Gaid Salah lại có thể « trở mặt » phản đối tổng thống. Họ cho rằng đó chẳng qua là một hình thức để « kéo dài thời gian » trước làn sóng phản đối của người dân.

Nếu như giải pháp do tướng Salah đề xuất vẫn chưa thuyết phục được lòng dân, thì với một số lãnh đạo đảng Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia FLN – đảng chính trị của tổng thống Bouteflika – đều cho rằng « đây là một chiến lược tốt để thoát khỏi khủng hoảng. Một chiến lược cho phép giải quyết vấn đề một cách hòa bình, bởi vì người ta vẫn nằm trong khuôn khổ Hiến Pháp ».

Một quan điểm đã bị phe đối lập phản đối cho rằng « việc quản lý đất nước trong những năm gần đây chưa bao giờ tuân thủ theo Hiến Pháp, do vậy việc dùng các quy định Hiến Pháp chỉ là một sự thao túng mà thôi » một chiếc bẫy để tránh đưa ra các ý tưởng mới.

Tóm lại, tình trạng bế tắc hiến định hiện nay tại Algeri có nguy cơ kéo dài đến 28/04/2019, đó cũng ngày hết hạn nhiệm kỳ tổng thống Abdelaziz Bouteflika.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.