Vào nội dung chính
ALGERI

Algeri : Khởi đầu một chương mới

Báo Libération hôm nay dành bài xã luận cho tình hình Algeri, với tựa « Chương mới ». Mở đầu bài xã luận, tờ báo viết : Thế là tổng tham mưu trưởng bỏ rơi Bouteflika. Hơn một tháng kể từ khi khởi đầu phong trào biểu tình phản đối việc Bouteflika ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 5, tổng thống Algeri đã mất đi một cột trụ chính, đó là quân đội.

Tổng thống Abdelaziz Bouteflika (P) tiếp tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri Ahmed Gaid Salah, Alger, ngày 11/03/2019
Tổng thống Abdelaziz Bouteflika (P) tiếp tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri Ahmed Gaid Salah, Alger, ngày 11/03/2019 AFP /Canal Algérie
Quảng cáo

Theo Libération, như vậy tính từ năm 2010, tổng thống Algeri là lãnh đạo duy nhất của khối Ả Rập bị đổ mà không mất một giọt máu nào (cho tới hôm nay). Tờ báo viết tiếp : « Thật là đáng nghiêng mình nể phục một dân tộc đã không hề chọn sự dễ dãi của bạo lực. Và cũng phải hoan nghênh những lãnh đạo lực lượng an ninh : họ đã không quên rằng trong số những người biểu tình có một người con của họ, một người mẹ, thậm chí một người bà. Bởi vì đúng là cả xã hội Algeri đã đồng loạt đứng dậy, phẫn nộ trước việc duy trì một con rối ở đỉnh cao quyền lực. »

Nhưng theo Libération, « người dân Algeri chỉ mới ở giai đoạn đầu của một chương mới. Những gì diễn ra tiếp theo rất có thể sẽ đen tối hơn. Nếu tổng thống có bị hạ bệ, thì đó không phải là nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, mà chỉ là nhằm bảo toàn chế độ hiện hành. Chế độ này rồi sẽ đứng ra tổ chức tiến trình chuyển tiếp cho chính họ, nhưng liệu sự chuyển tiếp đó có diễn ra giống như những cuộc biểu tình những tuần qua hay không, tức là một cách hào hứng và ôn hòa ? Tất cả những nhà dân chủ trên thế giới đang hy vọng điều đó. »

Đường phố Alger còn nghi ngờ

Về phần Le Figaro, tờ báo này ghi nhận rằng, trên đường phố Alger, những người biểu tình phản kháng lo ngại rằng đây chỉ là một trò lừa đảo mới để tiếm quyền, hoặc là một thủ đoạn quân đội nắm quyền lực.

Tờ báo trích lời Réda, một sinh viên 23 tuổi : « Ngay từ đầu chúng tôi đòi giải thể toàn bộ chế độ này. Chúng tôi không còn muốn Bouteflika, Gaid Salah, lẫn Mặt trận Giải phóng Dân tộc FLN (đảng của Bouteflika) và Tập hợp Dân tộc Dân chủ RND (đồng minh chính của Bouteflika)». Theo Le Figaro, đối với nhiều người, cần phải tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào toàn bộ các nhân vật chủ chốt của chế độ ra đi, vì theo lời một thanh niên : « Chúng tôi không tin tưởng bất cứ ai. Các sĩ quan cao cấp của quân đội là đồng lõa với những kẻ cầm quyền và với các doanh nhân. Bây giờ họ thấy sắp đến ngày 28/04 (ngày mà trên nguyên tắc nhiệm kỳ của tổng thống Bouteflika hết hạn), họ bèn tìm một giải pháp khác để kéo dài quyền lực của họ ».

Seoul nỗ lực cứu vãn đối thoại Mỹ-Triều

Về thời sự châu Á, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn thu hút sự chú ý của nhật báo Công Giáo La Croix, với hàng tựa « Seoul nỗ lực cứu vãn tiến trình hòa bình Triều Tiên ».

Một tháng sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội giữa Donald Trump và Kim Jong Un, đối thoại Mỹ - Triều đang gặp bế tắc. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In quyết tâm khởi động lại tiến trình hòa bình, cho dù con đường sẽ rất khó khăn.

Theo La Croix, chính quyền Seoul vẫn tin rằng, cho dù có bất đồng giữa hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên về việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, vẫn có một con đường, dù rất chật hẹp, để thúc đẩy trở lại cuộc đối thoại. Ngày 25/03 vừa qua, thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae Ho, khi phát biểu với báo chí nước ngoài, đã cho rằng « đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, với rất nhiều trở ngại, nhưng chúng ta đừng quên đoạn đường đã đi qua chỉ trong vòng một năm ». Thứ trưởng Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo là Seoul sẽ gởi một thông điệp rất rõ ràng đến Bình Nhưỡng về sự tối cần thiết của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Chính quyền Hàn Quốc sẽ có những bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ tư giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm. Theo La Croix, bây giờ không còn ai nhắc đến khả năng Kim Jong Un viếng thăm Seoul, một chuyến đi sẽ mang tính lịch sử, mà kể từ nay phải tổ chức các cuộc gặp ít mang tính biểu tượng hơn, mang tính kỹ thuật nhiều hơn, để thuyết phục lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng có những hành động cụ thể với Hoa Kỳ và qua đó kéo tổng thống Donald Trump trở lại bàn đàm phán.

Nhưng chuyên gia về Bắc Triều Tiên Kim Hyun Wook, Học viện Ngoại Giao Triều Tiên, đặt câu hỏi : « Moon Jae In có còn đáng tin cậy dưới con mắt của Washington hay không? ». Vị chuyên gia này không tin là tổng thống Moon Jae In có thể làm Kim Jong Un thay đổi ý kiến trên hồ sơ hạt nhân.

Bruxelles không loại trừ Hoa Vi

Đây là quyết định mà theo Le Figaro có thể sẽ gây một cơn bão mới giữa châu Âu với « đồng minh » Hoa Kỳ.

Vào lúc mà các lãnh đạo châu Âu yêu cầu phải có một « khuôn khổ đa phương công bằng hơn và cân đối hơn » với Bắc Kinh, Ủy Ban Châu Âu cuối cùng đã quyết định không đóng cửa mạng di động 5G với điện thoại của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và để cho các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tự chọn lựa về vấn đề này.

Quyết định cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay, ngược lại với lập trường của Washington, đã được thông báo chiều hôm qua tại Strasbourg, sau một cuộc họp của các ủy viên châu Âu. Không hề nhắc đến tên Hoa Vi, tuy vậy Bruxelles đề ra một kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn cho mạng 5G và kêu gọi 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tham gia kế hoạch này để ngăn chận những lỗ hổng an ninh có thể có.

Thật ra, Ủy Ban Châu Âu phải cấp tốc ra quyết định, bởi vì tại châu Âu hiện giờ đã có đến 11 quốc gia gọi thầu cho mạng 5G, mà theo lời ông Julien Nocetti, Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI, Hoa Vi hiện là tập đoàn có trình độ công nghệ 5G cao nhất và đưa ra những giá hấp dẫn nhất.

Brexit : Hậu quả đối với chương trình Eramus

Liên quan đến Brexit, tờ Le Monde hôm nay chú ý đến hậu quả đối với chương trình trao đổi sinh viên của châu Âu Erasmus +. Hiện chưa rõ là nước Anh có sẽ tiếp tục tham gia chương trình này hay không.

Theo Le Monde, bên phía Anh Quốc lẫn phía Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền và các trường đại học đều nhìn nhận ích lợi của chương trình trao đổi sinh viên Eramus +, bên nào cũng hứa sẽ tiếp tục tham gia chương trình này trong thời kỳ hậu Brexit. Đã từng có tiền lệ là 6 nước không phải thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhưng cũng tham gia chương trình Eramus +, trong đó có Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.

Nhưng trong khi các cuộc thương lượng về Brexit vẫn dằng dai, một màn sương mù dày đặc vẫn bao phủ chương trình Eramus + ở Anh và tình trạng này đã bắt đầu gây hậu quả. Tuy số liệu của niên khóa 2017-2018 chưa có, nhưng theo Le Monde, dường như là khi chọn cho năm học ở nước ngoài, ngày càng có nhiều sinh viên « » nước Anh. Lần đầu tiên, nước Anh không còn là điểm đến số một  của các sinh viên Pháp trong chương trình Eramus niên học 2017-2018, mà đã bị Tây Ban Nha qua mặt. Có đến 8.200 sinh viên chọn một đại học ở Tây Ban Nha, trong khi chỉ có 8.000 chọn một đại học ở Anh Quốc.

Pháp và mục tiêu trung hòa khí carbon

« Làm thế nào nước Pháp đạt đến trung hòa khí carbon vào năm 2050 ». Đó là tựa lớn trên trang nhất của tờ Le Monde. Mục tiêu mà chính phủ Pháp đề ra có nghĩa là đến năm 2050, nước Pháp sẽ không thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn lượng khí hấp thụ được. Như vậy là Pháp buộc phải giảm gấp 8 lần lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.

Theo Le Monde, muốn đạt được mục tiêu đó, dân Pháp phải có những thay đổi sâu rộng về tiêu thụ năng lượng, về nhà ở, về giao thông và về ăn uống. Cơ quan Môi trường và năng lượng (ADEME) của Pháp đã hình dung một kịch bản là đến năm 2050, ở cấp độ thế giới, các quốc gia đã hạn chế được mức tăng nhiệt độ là 2°C, như mục tiêu được đề ra trong thỏa thuận Paris năm 2015. Riêng tại Pháp, vào thời điểm đó, dân số sẽ tăng lên thành 72 triệu người. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ tương tự như hiện nay. Thuế carbon lúc ấy sẽ lên đến mức 600 euro/ tấn so với mức 45 euro/ tấn năm 2018.

Cũng theo kịch bản đó, đến năm 2050, những nhiên liệu góp phần chính vào biến đổi khí hậu sẽ hầu như thuộc về quá khứ, than và dầu hỏa bị cấm sử dụng, còn về khí đốt thì sẽ chỉ có khí tái tạo hoặc khí hydro. Trong nhà ở, cũng như trong các phương tiện giao thông, năng lượng sẽ được cung cấp từ những nguồn phi carbon. Đến lúc đó sẽ không còn xe chạy bằng xăng dầu, mà chỉ có xe chạy điện hoặc sử dụng nhiên liệu chế biến từ nông phẩm. Người dân sẽ ít dùng xe hơi, mà di chuyển nhiều hơn bằng xe đạp, xe công cộng, đi chung xe, hoặc làm việc từ xa nhiều hơn.

Về thói quen ăn uống, dân Pháp sẽ tiêu thụ nhiều hơn các chất protein thực vật, thức ăn hữu cơ (bio) hoặc thịt từ gia súc nuôi ngoài trời. Lúc đó, mỗi người lớn chỉ ăn 94 gam thịt/ngày (so với mức 185 g năm 2010) và sẽ ăn nhiều rau quả hơn.

Nhưng đó là kịch bản lý tưởng. Theo Le Monde, trên con đường đi đến trung hòa phát thải khí carbon, nước Pháp vẫn còn đang ở rất xa. Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 10/2018, Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDDRI) ghi nhận là nước Pháp đang bị chậm trễ trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực chủ chốt : năng lượng tái tạo, cải tạo nhà ở và phi carbon hóa giao thông.

Trang nhất các báo

« Algeri : quân đội bỏ rơi Bouteflika », đó là hàng tựa trên trang nhất của tờ Le Figaro hôm nay. Theo tờ báo này, hôm qua, tướng Ahmed Gaid Salah đã mở đường cho sự ra đi của tổng thống Algeri với hy vọng sẽ chấm dứt được khủng hoảng chính trị ở nước này.

Vẫn với kiểu chơi chữ cố hữu, tờ Libération đưa tựa « Bouteflika Bouté ». Bouté tiếng Pháp có nghĩa là « bị tống khứ ». Nhưng tờ báo đặt câu hỏi : Việc tổng tham mưu trưởng quân đội yêu cầu tuyên bố tổng thống không còn khả năng lãnh đạo phải chăng là nhằm giúp họ nắm lại tình thế vào lúc chính quyền đang chao đảo dưới áp lực của đường phố ?

Trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos thì chú trọng đến tình trạng ngân sách của nhà nước Pháp với hàng tựa « Chân trời ngân sách đang sáng sủa hơn cho Macron ». Theo tờ báo này, chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron sẽ hạ thấp dự báo thâm thủng ngân sách cho năm 2019, xuống mức từ 3 đến 3,1% GDP, thay vì 3,2% như dự báo ban đầu.

Nhật báo Công giáo La Croix thì quan tâm đến cuộc sống của người già tại Pháp, với hàng tựa « Sống tuổi già ở nhà, không đơn giản như thế ». Theo tờ báo này, giữ người già sống tại nhà vẫn là một ưu tiên của chính phủ Pháp và theo dự kiến vào cuối năm nay sẽ có một luật về chăm sóc người già tại Pháp .

Riêng trang nhất của tờ Le Monde thì dành tựa lớn cho vấn đề chống biến đổi khí hậu : « Làm thế nào nước Pháp đạt đến trung hòa khí carbon vào năm 2050 ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.