Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - VENEZUELA

Khủng hoảng Venezuela gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu

Trước việc ông Maduro dứt khoát không tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới, một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, hôm nay, 04/02/2019, đã công nhận chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela.

Biểu tình ủng hộ Juan Guaido, Caracas, Venezuela, ngày 02/02/2019
Biểu tình ủng hộ Juan Guaido, Caracas, Venezuela, ngày 02/02/2019 REUTERS/Luisa Gonzalez
Quảng cáo

Trong khi đó, các quốc gia khác trong Liên Hiệp Châu Âu lại không có thái độ dứt khoát như vậy. Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ vì khủng hoảng Venezuela.

Theo nhận định của nhật báo Libération ngày 03/02/2019, quyết định nói trên của 7 nước, tức chỉ là một thiểu số trong Liên Hiệp Châu Âu, đánh dấu một sự đoạn tuyệt. Cho tới nay, lập trường của Liên Hiệp Châu Âu về khủng hoảng Venezuela đều thể hiện sự đồng thuận trong nội bộ.

Chủ trương của Liên Hiệp Châu Âu vẫn là trừng phạt kinh tế một chế độ bị xem là đã không tuân thủ luật chơi của dân chủ. Liên Hiệp Châu Âu đã không thừa nhận kết quả bầu cử tổng thống Venezuela ngày 20/05/2018, vì trong cuộc bầu cử tổng thống, các ứng viên đối lập bị cấm tham gia, cho nên ông Maduro đã đắc cử ngay vòng đầu. Đây là một lập trường mang tính nguyên tắc của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng công nhận đối thủ của Maduro, Juan Guaido làm tổng thống lâm thời lại là chuyện khác.

Ngoại trừ trường hợp duy nhất là Hy Lạp, vẫn ủng hộ tổng thống Maduro chỉ vì ông này cùng phe tả với chính phủ Alexis Tsipras, Liên Hiệp Châu Âu nay coi như bị phân hóa thành hai phe. Một bên là nhóm 7 quốc gia nói trên và bên kia là nhóm những quốc gia chủ trương « không can thiệp vào chuyện nội bộ » của nước khác. Còn theo nước Ý, qua lời thủ tướng Giuseppe Conte, thì không nên « vội vã » công nhận ông Guaido, vì ông này đã không được bầu vào chức vụ tổng thống Venezuela.

Sự chia rẽ trong Liên Hiệp Châu Âu đã được thể hiện rõ qua cuộc họp hôm thứ Năm tuần trước tại Bucarest, giữa ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Theo lời nhiều người tham dự nói với hãng tin AFP, các cuộc thảo luận đã diễn ra rất khó khăn và căng thẳng. Đến mức mà một bộ trưởng đã thốt lên: « Chúng tôi không còn một chính sách ngoại giao chung nữa ».

Cuộc họp tại Bucarest đã quyết định lập một nhóm tiếp xúc hỗn hợp Liên Hiệp Châu Âu – Châu Mỹ Latinh. Cuộc họp đầu tiên của nhóm này sẽ diễn ra vào ngày 07/02 ở Montevideo, Uruguay, nhằm tạo điều kiện cho việc tổ chức bầu cử tổng thống mới ở Venezuela. Nhưng trong bối cảnh các nước châu Âu nay đang bị chia rẽ vì khủng hoảng Venezuela, không biết là nhóm tiếp xúc có thể hoạt động hiệu quả hay không.

Khủng hoảng Venezuela còn gây chia rẽ trong nội bộ chính phủ của một số nước châu Âu, đặc biệt là Ý. Trong liên minh cầm quyền, đảng cực hữu Liên đoàn thì ngả theo lập trường của Brazil và Hoa Kỳ, muốn công nhận Juan Guaido làm tổng thống Venezuela. Trong khi đó, Phong trào 5 sao (cực tả) thì lại có lập trường giống như chính phủ Hy Lạp, tức là vẫn ủng hộ tổng thống Maduro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.