Vào nội dung chính
TÊN LỬA - MỸ - NGA

INF : Đến phiên Nga bỏ Hiệp định tên lửa tầm trung

Thứ Bảy 02/02/2019, tổng thống Nga thông báo ngưng tham gia Hiệp định giải trừ tên lửa tầm trung INF, để trả đũa quyết định tương tự của Mỹ. Hiệp định INF, ký kết giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên xô Mikhail Gorbachev năm 1987, có mục tiêu hủy bỏ toàn bộ tên lửa hành trình và đạn đạo của đôi bên, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có dàn phóng trên bộ và tầm hoạt động từ 500 km đến 5.500 km. Đáp trả Mỹ, nhưng Nga vẫn để ngỏ cánh cửa thương lượng.

Lãnh đạo Mỹ-Liên Xô phê chuẩn Hiệp định tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), tại điện Kremlin, 01/06/1988.
Lãnh đạo Mỹ-Liên Xô phê chuẩn Hiệp định tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), tại điện Kremlin, 01/06/1988. Wikipedia
Quảng cáo

Từ Matxcơva, thông tín viên Etienne Bouche tường thuật :

Vladimir Putin tuyên bố như trên ngày thứ Bảy khi gặp ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Nga. Ông chỉ thị cho Serguei Lavrov và Serguei Choigu là nước Nga không chủ động đàm phán giải trừ binh bị với Mỹ nữa.

Đó cũng là cơ hội để tổng thống Nga châm chích Washington một cách cay độc, theo tường thuật của hãng thông tấn Interfax : « Chúng ta sẽ chờ các đối tác của chúng ta suy nghĩ chín chắn, để có thể đối thoại ngang hàng và rõ ràng với chúng ta về vấn đề quan trọng này ».

Nói cách khác, Matxcơva thực hành chính sách truyền thống « phản ứng tương xứng ». Hồi đầu tháng 12, bộ Ngoại Giao Mỹ kỳ hạn cho chính quyền Nga 60 ngày để tháo dỡ các tên lửa mới có tầm phóng vi phạm Hiệp định hỏa tiễn tầm trung INF, theo cáo buộc của Washington và NATO. Nếu Nga không chấp thuận thì Mỹ sẽ tiến hành thủ tục rút khỏi Hiệp định.

Vào thời điểm đó, Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ và lên án ngược lại chính Mỹ đã vi phạm INF.

Nga không bố trí thêm tên lửa ở nơi không có hỏa tiễn Mỹ

Bộ Ngoại Giao Nga cho biết thêm là Nga sẽ không bố trí thêm tên lửa ở địa bàn châu Âu, cũng như bất cứ nơi nào khác không có tên lửa của Mỹ. Trái lại, theo thủ tướng Medvedev, Nga sẽ tăng ngân sách nghiên cứu vũ khí mới.

Theo lý giải của Washington, Hiệp định INF không còn giá trị một phần vì Nga không tôn trọng, phần khác là Mỹ muốn kéo Trung Quốc và Iran vào vòng đàm phán mới, không để cho nước Mỹ rơi vào thế yếu, phải « một mình tuân thủ ». Matxcơva thì cho là Washington « gài bẫy » Nga chạy đua vũ trang, để Nga bị « hụt hơi » về kinh tế như thời chiến tranh lạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.