Vào nội dung chính
IRAN - CHÂU ÂU

Châu Âu lập « cơ chế mậu dịch » với Iran : Một công đôi việc

Paris, Berlin và Luân Đôn thông báo thành lập « cơ chế Instex » để các công ty nhỏ và vừa của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục buôn bán với Iran, nếu muốn. Biện pháp này vừa giúp doanh nhân lách lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, vừa thuyết phục Teheran tuân thủ hiệp định hạt nhân 2015.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (P) cùng các đồng nhiệm Anh Jeremy Hunt (G) và Pháp Jean-Yves Le Drian trong buổi họp báo tại Bucarest, Rumani, ngày 31/01/2019.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (P) cùng các đồng nhiệm Anh Jeremy Hunt (G) và Pháp Jean-Yves Le Drian trong buổi họp báo tại Bucarest, Rumani, ngày 31/01/2019. Inquam Photos/Octav Ganea via REUTERS
Quảng cáo

Đỡ đầu cơ chế mậu dịch Instex « công cụ hỗ trợ trao đổi đa phương », ba nước châu Âu Pháp, Đức, Anh cũng là những nước ký kết hiệp định hạt nhân với Iran tại Vienna, vào tháng 7 năm 2015, bên cạnh Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Nhưng từ khi Barack Obama rời Nhà Trắng, nhóm sáu cường quốc nay còn có năm. Tổng thống Donald Trump rút bỏ hiệp định, gia tăng trừng phạt Iran và trả đũa những nước không tuân thủ cấm vận trừ một số trường hợp biệt đãi, được tiếp tục nhập khẩu dầu hỏa của Iran.

Hàng loạt các tập đoàn lớn của châu Âu như Total, Peugeot, Siemens… và tất cả ngân hàng phương Tây đã rời Iran vì sợ bị cấm thị trường Mỹ. Trong khi đó, bị cáo buộc lách né cấm vận, tập đoàn điện thoại Hoa Vi của Trung Quốc phải trả giá nặng, là một ví dụ điển hình.

Dưới sức ép của Donald Trump, Liên Hiệp Châu Âu tìm mọi cách để bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì hai lý do : Lãnh vực kinh tế này tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn là các đại tập đoàn nhưng lại thiếu « vốn và lực » để chịu đòn trả đũa.

« Động thái chính trị »

Liên Hiệp Châu Âu không thể tuân thủ 100% quyết định độc đoán của Mỹ vì cần phải bảo vệ hiệp định hạt nhân 2015, cụ thể là không để cho Iran có lý do chạy đua vũ trang.

Trong cuộc họp báo chung với hai đồng nhiệm Anh, Đức, Jeremy Hunt và Heiko Maas, tại Bucarest bên lề một hội nghị của Liên Hiệp Châu Âu, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh điều mà ông gọi là « động thái chính trị » của cơ chế mậu dịch Instex.

Cơ chế mậu dịch được loan báo ngày 31/01/2019 có thể tóm gọn như sau : không sử dụng đô la Mỹ để không bị rơi vào phạm trù trừng phạt. Cụ thể, một công ty châu Âu bán máy móc, linh kiện cho Iran sẽ được Iran trao đổi lại bằng sản phẩm có trị giá tương đương như dầu thô, dầu tinh lọc…Trụ sở trung ương Instex, đặt tại Paris, do một chuyên gia ngân hàng người Đức lãnh đạo, quản lý luồng hàng hóa này.

Vốn đầu : 3.000 euro

Theo thông báo, vốn đầu tiên do Anh, Pháp, Đức cung cấp cho Instex là 3.000 euro. Đúng là « ba ngàn » euro và sẽ lên tới 100.000 euro trong tương lai khi được các chính phủ thành viên đóng góp thêm.

Để guồng máy luân lưu thuận buồm xuôi gió, phía Iran cũng phải có một bộ phận quản lý đối xứng tương tự. Cho đến hôm nay, Iran chỉ mới hoan nghênh sáng kiến của châu Âu là « bước đầu khích lệ » để cứu hiệp định hạt nhân, nhưng chưa có hành động cụ thể.

Hai câu hỏi được đặt ra : Liệu chỉ trao đổi về « nông phẩm và thuốc men », như ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh, có đủ làm cho Iran toại nguyện hay không ? Và Washington có để yên hay không ?

Giới quan sát không mấy lạc quan. Theo AFP, một nguồn tin ẩn danh từ Bruxelles cho biết « cơ chế này chưa hoạt động được nếu Iran không lập một bộ phận tương tự ». Về phần Hoa Kỳ, chính quyền Washington cảnh báo châu Âu coi chừng hệ quả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.