Vào nội dung chính
ANH - CHÂU ÂU - BREXIT

Anh : Liệu có trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit ?

Sau 17 tháng đàm phán cam go, thỏa thuận Brexit chưa được Quốc Hội Anh chấp thuận, trong lúc chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hạn chót. Viễn cảnh Anh rời Liên Âu không thỏa thuận đang nhãn tiền, với các tổn thất vô cùng lớn. Một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit, thậm chí khả năng Anh ở lại với Liên Âu - bị đảng Bảo Thủ cầm quyền phản đối - ngày càng được nói đến nhiều. Liệu có trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit ?

Thanh niên biểu tình cạnh Quốc Hội Anh đòi trưng cầu dân ý lần 2, Luân Đôn, ngày 12/12/2018. Khẩu hiệu của nhóm: "They Can't Decide, Let Us People's Vote/Nếu quý vị không quyết được, hãy để cho Nhân dân chúng tôi bỏ phiếu"
Thanh niên biểu tình cạnh Quốc Hội Anh đòi trưng cầu dân ý lần 2, Luân Đôn, ngày 12/12/2018. Khẩu hiệu của nhóm: "They Can't Decide, Let Us People's Vote/Nếu quý vị không quyết được, hãy để cho Nhân dân chúng tôi bỏ phiếu" REUTERS/Phil Noble
Quảng cáo

Xung quanh kịch bản trưng cầu dân ý lần thứ hai, hiện tại tương quan lực lượng ra sao ?

Theo giới quan sát, thủ tướng Anh luôn phản đối một cuộc trưng cầu lần thứ hai, khi cho rằng kịch bản này sẽ hủy hoại niềm tin của cử tri Anh đối với các dân biểu và hệ thống chính trị Anh Quốc. Tại Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đảng Bảo Thủ kiên quyết chống lại, cùng với phe bảo thủ cầm quyền là đảng DUP, một đảng nhỏ của người Bắc Ailen, tham gia liên minh cầm quyền.

Tuy nhiên, trong hiện tại, đã có một số nghị sĩ đảng Bảo Thủ bắt đầu công khai ủng hộ trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Công Đảng, đảng đối lập chính, không loại trừ ủng hộ một cuộc trưng cầu lần thứ hai, nếu đề nghị bầu cử Quốc Hội mới trước kỳ hạn không được chấp thuận. Hàng chục nghị sĩ Công Đảng đã công khai bày tỏ thái độ ủng hộ, và kêu gọi lãnh đạo đảng, chính trị gia Jeremy Corbyn - một người vốn có quan điểm hoài nghi châu Âu - cũng làm như họ.

Một số đảng đối lập khác, như đảng Tự Do Dân Chủ cánh trung (LibDem), đảng chủ trương xứ Scotland độc lập (SNP), chống Brexit, cũng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Từ nhiều tháng nay, phong trào People’s vote (tạm dịch là : Lá phiếu của Nhân dân) đã tổ chức hàng chục cuộc mít tinh vận động trên khắp đất nước để thuyết phục cử tri về một cuộc trưng cầu lần thứ hai. Kịch bản này cũng nhận sự ủng hộ của các cựu thủ tướng Tony Blair (Công Đảng) và John Major (đảng Bảo Thủ), hay thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan.

Một thông tin cho thấy sáng kiến trưng cầu dân ý lần hai ngày càng được sự ủng hộ của dân chúng, trái ngược với cách đây hai năm rưỡi. Trong một cuộc thăm dò dư luận của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%. Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.

Về nguyên tắc, tại Anh, ai có quyền quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ?

Chính phủ Anh có quyền bật đèn xanh cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Và trong trường hợp này Quốc Hội phải bỏ phiếu thông qua một luật tạo khuôn khổ pháp lý cho cuộc trưng cầu dân ý này. Văn bản luật này sẽ phải xác định câu hỏi nào sẽ được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý. Thời gian bỏ phiếu không bắt buộc phải ghi trong luật, mà có thể được xác định sau đó.

Cụ thể là Quốc Hội Anh sẽ có thể đề ra những phương án nào ?

Hiện tại có nhiều khả năng xung quanh điều này, và chưa có bất cứ một đồng thuận nào trong vấn đề này. Một trong các giả thuyết được nói đến nhiều là đề nghị cử tri chọn lựa giữa hai phương án : đồng ý với thỏa thuận Brexit của thủ tướng Theresa May, hoặc chia tay với Liên Âu không thỏa thuận. Viễn cảnh thứ hai là điều mà giới kinh tế rất lo sợ do các tổn thất sẽ vô cùng lớn.

Một số người phản đối Brexit thì muốn đưa thêm khả năng hủy bỏ tiến trình ly dị với Liên Âu. Cũng có nghĩa là một câu hỏi với ba phương án. Thứ nhất là Brexit có thỏa thuận, thứ hai là Brexit nhưng không có thỏa thuận và thứ ba là từ bỏ quyết định Brexit.

Nếu một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, cần phải tuân thủ thời hạn nào ?

Theo các nhà nghiên cứu của City University of London, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai sớm nhất cũng chỉ có thể tổ chức sau 21 hoặc 22 tuần nữa. Trong trường hợp này, nếu quyết định trưng cầu dân ý mới được đưa ra ngày thứ Ba 18/12/2018 chẳng hạn, thì trưng cầu sẽ không thể được tổ chức trước cuối tháng 5/2019.

Ta biết là hạn chót cho Brexit là ngày 29/03/2019, tức đúng hai năm sau khi Luân Đôn khởi sự tiến trình ly dị với Liên Hiệp Châu Âu. Trưng cầu dân ý về Brexit lần thứ hai, theo luật của Anh, về nguyên tắc sẽ chỉ có thể diễn ra sau thời điểm này. Thực tế này đòi hỏi Luân Đôn phải đàm phán với các lãnh đạo Liên Âu, để dời lại hạn chót Brexit, nếu muốn trưng cầu ý dân lần nữa.

Triển vọng của kịch bản trưng cầu dân ý thứ hai ra sao ?

Trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua (15 và 16/12), thủ tướng Theresa May đã có những tuyên bố kịch liệt chống lại kịch bản này. Theo bà May, làm như vậy là phản bội lại ý nguyện của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016. Thủ tướng Anh lên án cựu lãnh đạo chính phủ Công Đảng đang tìm cách hủy hoại tiến trình Brexit. Ông Boris Johnson, một cựu ngoại trưởng ủng hộ Brexit  theo phương hướng « cứng rắn », nhấn mạnh là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ khiến người dân cảm thấy bị phản bội « một cách sâu sắc và lâu dài ».

Tuy nhiên, áp lực của kịch bản trưng cầu dân ý mới đang tiếp tục dâng lên. Hôm 10/12, Tòa Án Công lý Liên Minh Châu Âu (CJEU), trả lời khiếu nại của một số chính trị gia Scotland, đã ra một phán quyết khiến cán cân nghiêng hơn về phía những người chống Brexit. Theo Tòa Án Công lý Liên Minh Châu Âu, Luân Đôn có quyền đơn phương từ bỏ quyết định rời khỏi Liên Âu hiện nay, mà không cần sự đồng ý của 27 nước còn lại, thể theo điều 50 của Hiến chương của Liên minh châu Âu về các Quyền Cơ bản. Có nghĩa là chấm dứt tiến trình đàm phán ra khỏi Liên Âu mà thủ tướng và chính phủ Anh đã nỗ lực trong suốt một năm rưỡi qua.

Phán quyết của CJEU được đưa ra đúng một hôm trước ngày thủ tướng Anh dự định đưa dự thảo Thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Quốc Hội Anh (ngày 11/11). Bà May đã buộc phải hoãn lại việc bỏ phiếu, vì sợ nỗ lực 17 tháng đàm phán cam go sẽ xôi hỏng bỏng không, vì không hội đủ đa số. Bởi uy tín của đảng cầm quyền cũng sẽ càng bị thách thức mạnh hơn, nhất là sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do một nhóm dân biểu của phe đa số chủ trương chống lại thủ tướng May vừa diễn ra (với 117 dân biểu Bảo Thủ bỏ phiếu yêu cầu phế truất thủ tướng, trên tổng số 317). Thủ tướng Anh, hôm qua, 17/12/2018, lại một lần nữa phải đẩy lùi thời hạn bỏ phiếu dự thảo Brexit cho đến giữa tháng Giêng 2019.

Thủ tướng May dường như đang nỗ lực bằng mọi cách để bảo vệ đến cùng quyết định Brexit của đa số cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý 2016, cho dù dự thảo thỏa thuận trong tình trạng hiện nay khó được Quốc Hội thông qua. Tuy nhiên, tình huống rối ren hiện nay cũng đặt chính lãnh đạo Anh trước ngã ba đường. Hôm nay, thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với các dân biểu cầm quyền, nếu dự thảo thỏa thuận Brexit hiện nay không được Quốc Hội thông qua, thì chỉ còn hai khả năng : « No deal » (tức rời khỏi Liên Âu không thỏa thuận) và « No Brexit at all » (không Brexit) (1). Không Brexit tức Anh Quốc vẫn ở lại với Liên Âu.

Phương án « No Brexit at all » thật ra đã được thủ tướng Anh đưa ra cách nay hơn một tháng (2). Vào thời điểm đó, bốn từ ngắn ngủi đó đã khiến phe phản đối ly dị với Liên Âu hết sức vui mừng. Triển vọng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit dường như không còn là chuyện viễn tưởng.

Ẩn số chính hiện nay là thái độ của nhóm chính trị gia bảo thủ cầm quyền, ủng hộ triệt để giải pháp Brexit « cứng rắn ». Nếu nhóm này vừa chống lại đến cùng một thỏa thuận Brexit trong tình trạng hiện tại (sau khi Liên Âu không còn chấp nhận nhân nhượng thêm nữa), lại vừa chống một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, thì nước Anh rất nhiều khả năng sẽ phải chia tay với Liên Âu không thỏa thuận - một kịch bản đen tối cho nền kinh tế Anh.

Liệu người dân Anh Quốc có chấp nhận tương lai này ?

***

(1) Thủ tướng May cũng loại trừ, vào giai đoạn nước rút cuối cùng này, chính phủ Anh sẽ đưa ra được một phương án thứ tư (tức một thỏa thuận mới với Liên Âu, với rất nhiều ưu đãi như Na Uy hiện nay), mà một số người vẫn nuôi hy vọng. Xem bài : « Brexit : le risque de second référendum contraint May à monter au front », Les Echos, ngày 17/12/2018.

(2) « Accord Brexit: cette expression de Theresa May qui relance l'espoir des anti-Brexit », Huffintonpost.fr, ngày 15/11/2018.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.