Vào nội dung chính
BA LAN

Thượng đỉnh Khí hậu tại Ba Lan : Vắng mặt các lãnh đạo quốc tế chủ chốt

Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 tại Ba Lan đã khai mạc hôm qua 02/12/2018. Mục tiêu chính của thượng đỉnh lần này là xác định lộ trình để thực hiện các mục tiêu đề trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres cảnh báo cộng đồng quốc tế « hoàn toàn không đi theo đúng lộ trình » để hãm bớt đà Trái đất bị hâm nóng, cho dù nhân loại đang chứng kiến nhiều tác động khủng khiếp do biến đổi khí hậu, bắt đầu « gây hỗn loạn » tại nhiều nơi trên khắp thế giới.

Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 khai mạc tại Katowice, Ba Lan, ngày 02/12/2018.
Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 khai mạc tại Katowice, Ba Lan, ngày 02/12/2018. REUTERS/Kacper Pempel
Quảng cáo

Đại diện của khoảng 200 quốc gia tham dự COP 24. Tuy nhiên, các lãnh đạo quốc tế chủ chốt đều vắng mặt tại hội nghị quốc tế quan trọng này. Thông tín viên Damien Simonart từ Katowice cho biết cụ thể :

« Đại công tước Luxembourg, nhiếp chính của tiểu quốc Saint-Marin (nằm trong lãnh thổ Ý), tổng thống tiểu quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương, hay tổng thống Nepal… danh sách các khách mời đặc biệt quan trọng của thượng đỉnh COP 24 chắc chắn là rất đa dạng, nhưng khó mà tìm thấy ở đây các nhân vật tầm cỡ.

Về phía Liên Âu, thủ tướng Pháp Edouard Philippe - vốn được coi là chính trị gia quan trọng nhất tại thượng đỉnh – đã phải hủy bỏ chuyến đi do cuộc khủng hoảng "Áo vàng".

Nếu như đa số các quốc gia châu Âu đều cử đại diện cấp bộ, thì châu Phi tỏ ra hùng hậu hơn, với nhiều tổng thống, của Nigeria, Benin, Senegal, Botswana, Mauritania hay Congo.

Thượng đỉnh lần này tại Ba Lan ít thu hút các nguyên thủ quốc gia trước hết là do  các lãnh đạo chủ chốt của thế giới vừa mới có cuộc hội kiến tại thượng đỉnh của nhóm G20 tại Buenos Aires. Bên cạnh đó, họ cũng chờ đến cuộc hội kiến tại New York, vào tháng 9/2019, để tái khẳng định các mục tiêu về khí hậu. Tuy nhiên, sự vắng mặt của nguyên thủ các cường quốc rất có hại cho hình ảnh của Vacxava. Chính phủ Ba Lan từng hy vọng thu hút được giới tinh hoa thế giới, đã bỏ ra hơn 60 triệu euro để chuẩn bị đón khách ».

Ngân Hàng Thế Giới nỗ lực gấp đôi

Ngân Hàng Thế Giới hôm nay thông báo sẽ huy động 200 tỉ euro cho việc trợ giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, trong 5 năm (2021-2025). Một nửa số tiền nói trên, tương đương 27 tỉ đô la/năm, là do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ trực tiếp. Số tiền mà Ngân Hàng Thế Giới dự kiến tài trợ trong 5 năm này tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Đây cũng là « lần đầu tiên », một nửa số tài trợ trực tiếp của Ngân Hàng Thế Giới (khoảng 50 tỉ đô la) sẽ được chi cho các dự án giúp đỡ các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu (so với toàn bộ chi phí dành cho hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước đây), như xây dựng đê điều, nâng cao nơi ở đối phó với mực nước biển dâng cao, hay xây dựng các hệ thống cảnh báo khí hậu...

Viễn cảnh hàng trăm triệu người tị nạn khí hậu

Cho dù thế giới thành công giới hạn nhiệt độ không tăng quá 2°C (so với thời tiền công nghiệp), mà điều này cho đến nay vẫn được coi là nằm ngoài tầm tay, thì chi phí để hỗ trợ các quốc gia, cộng đồng dễ bị tổn thương vẫn vô cùng lớn. Ước tính từ đây đến 2050, chỉ riêng tại ba khu vực Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh, đã có khoảng 143 triệu người phải tị nạn vì khí hậu khắc nghiệt không thể sống nổi.

Tại thượng đỉnh COP24 lần này, tổng thống Ethiopia, chủ tịch của nhóm các quốc gia dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, với gần một tỉ dân, trông đợi cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.