Vào nội dung chính
UKRAINA - NGA

Căng thẳng trong biển Azov : Ukraina chuẩn bị ban hành thiết quân luật

Phải chăng Ukraina chuẩn bị phản ứng mạnh và tuyên bố ban hành thiết quân luật ? Căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraina đột biến leo thang sau khi hải quân Nga nổ súng « cưỡng chế » ba tàu quân sự Ukraina trong eo biển Kertch hôm chủ nhật gây thương tích cho 6 binh sĩ .

Ảnh tàu quân sự Ukraina bị hải quân Nga " cưỡng chế", tại cảng ở Kertch, ngày 26/11/2018.
Ảnh tàu quân sự Ukraina bị hải quân Nga " cưỡng chế", tại cảng ở Kertch, ngày 26/11/2018. REUTERS/Pavel Rebrov
Quảng cáo

Theo AFP, tình hình căng thẳng đến mức vào thứ hai 26/11/2018, theo yêu cầu của Nga và Ukraina, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên họp khẩn cấp vào lúc 16 giờ, giờ quốc tế.

Trước đó tại Kiev, trong đêm chủ nhật rạng sáng thứ hai, Hội Đồng An Ninh và Quốc Phòng đề nghị với tổng thống Petro Porochenko ban hành thiết quân luật trong « 60 ngày ». Tổng thống Ukraina lên án Nga « gây hấn có tính toán » nhưng cũng thận trọng tuyên bố « không tuyên chiến với Matxcơva ».

Thái độ của Kiev được hiểu như thế nào ?

Từ Kiev, thông tín viên Stephane Siohan phân tích :

"Hôm nay, Quốc Hội Ukraina họp phiên đặc biệt vào lúc 16 giờ trưa. Đây là thông báo của Hội Đồng An Ninh và Quốc Phòng Ukraina sau cuộc họp khẩn cấp do tổng thống Petro Porochenko chủ trì kèm theo đề nghị ban hành thiết quân luật.

Cho dù cuộc chiến ở miền đông Ukraina đã kéo dài bốn năm nhưng chưa bao giờ Kiev dứt khoát quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp, kể cả vào lúc nghiêm trọng nhất vào năm 2014 khi bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập. Lý do làm chính quyền Ukraina do dự là nếu đất nước lâm vào tình trạng chiến tranh thì sẽ không nhận được tài trợ quốc tế.

Giờ đây, nếu Quốc Hội Ukraina chấp thuận tình trạng thiết quân luật thì sẽ dẫn đến một số hệ quả.

Trước hết, Ukraina sẽ phải tuyên bố cắt đứt bang giao với Nga cho dù tổng thống Petro Porochenko có nói là trong mọi trường hợp thiết quân luật không có nghĩa là tuyên chiến với Nga.

Về thời gian, Kiev cũng nói là chỉ có 60 ngày. Thế nhưng, Ukraina đang ở giai đoạn tiền bầu cử. Bầu tổng thống diễn ra vào tháng 03/2019. Chính phủ có thể quyết định hạn chế các hoạt động chính trị.

Cuối cùng, thiết quân luật cũng đồng nghĩa với hạn chế một số quyền tự do nhất là tự do báo chí."

Eo biển Kertch, điểm xung khắc giữa Nga và Ukraina : Chuyện gì xảy ra giữa hải quân hai nước ?

Theo Kiev, ba tàu quân sự Ukraina gồm hai tàu tuần duyên và một tàu tiếp vận trong lúc từ biển Đen vào biển Azov qua eo biển Kertch thì bị hải quân Nga chận lại và nổ súng « cưỡng chế ». Matxcơva nhìn nhận có nổ súng nhưng tố hải thuyền Ukraina « hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của Nga vừa khiêu khích vừa gây áp lực ».

Trái lại, hải quân Ukraina cho là đã thông báo với Nga về hải trình của ba chiếc tàu quân sự. Ba chiếc tàu phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, vì bị một chiếc tàu dầu gặp nạn kẹt giữa chân cầu, cản lối.

Nằm giữa bán đảo Crimée bị Nga xáp nhập năm 2014 và lãnh thổ miền đông Ukraina, eo biển Kertch là con đường hàng hải duy nhất nối liền Hắc hải và biển Azoz, là trục giao thông chiến lược của hai nước thù nghịch nhưng Nga ở thế thượng phong.

Từ Matxccơva, thông tín viên Daniel Vallot nhận định :

"Căng thẳng lên cao kể từ hôm qua, 25/11, khi ba chiếc tàu của Ukraina tiến gần eo biển Kertch…Và theo Matxcơva, các tàu này đã xâm nhập trái phép vào vùng biển của Nga và dường như có những hành động nguy hiểm buộc hải quân Nga phải can thiệp.

Kết quả là nhiều người bị thương, ba chiếc tàu của Ukraina bị bắt giữ và khám xét và đây là một sự cố rất nghiêm trọng về quân sự và ngoại giao. Sự cố xẩy ra tại một vùng cực kỳ nhậy cảm : đó là eo biển Kertch nằm giữa Nga và Crimée, tuyến đường dẫn ra biển Azov nhỏ bé. 

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimée, năm 2014, căng thẳng trong vùng này không ngừng gia tăng và đặc biệt là từ khi Nga xây dựng cây cầu dài 19 cây số, hồi năm 2017, nối liền Nga với Crimée. Kể từ khi được xây dựng, một số tàu bè gặp khó khăn khi qua lại nơi đây. Chính quyền Kiev tố cáo Nga cố tình ngăn cản tàu bè của Ukraina. Trên thực tế, cây cầu này cho phép Matxcơva đóng cửa eo biển rất dễ dàng và sự cố xẩy ra ngày hôm qua là bằng chứng rõ ràng nhất."

Từ khi sáp nhập Crimée, Nga tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh hải chung quanh bán đảo này. Kiev cũng như các nước Tây phương vẫn tố cáo Nga « cố tình cản trở lưu thông » tàu bè qua lại eo biển Kertch.

Theo AFP, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Nga tái lập lưu thông và cùng với Ukraina xuống thang xung khắc. Vào chiều nay, theo yêu cầu của Kiev, tổng thư ký NATO triệu tập Ủy ban NATO-Ukraina họp khẩn tại Bruxelles.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.