Vào nội dung chính
THẾ CHIẾN I - KỶ NIỆM

Anh, Úc, New Zealand, Ấn Độ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến I

Ngày 11/11/2018, New Zealand, Úc và Ấn Độ lần lượt kỷ niệm tròn 100 năm chấm dứt Thế Chiến I và tưởng nhớ đến 150.000 quân nhân của ba nước hy sinh khi sát cánh cùng quân đồng minh trên chiến trường châu Âu.

Hình hoa anh túc được chiếu trên mái nhà hát Sydney, Úc, để tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I, ngày 11/11/2018.
Hình hoa anh túc được chiếu trên mái nhà hát Sydney, Úc, để tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I, ngày 11/11/2018. REUTERS/David Gray
Quảng cáo

Ấn Độ tổ chức một buổi lễ long trọng tại thủ đô New Delhi để tưởng nhớ đến khoảng 74.000 người đã ngã xuống trong cuộc chiến 1914-1918. Dù không liên quan trực tiếp đến cuộc đại chiến thứ nhất, nhưng lúc đó Ấn Độ là thuộc địa của Anh nên có khoảng 1,3 triệu quân nhân Ấn Độ đã nhập ngũ.

Về phía Úc, thủ tướng Scott Morrison, trước hàng nghìn người tụ họp tại Canberra ngày 11/11, đã nhắc lại sự hy sinh những người lính Úc, đặc biệt là trên mặt trận Fromelles, phía bắc nước Pháp. Trong Thế Chiến I, có hơn 300.000 quân nhân Úc chiến đấu ở nước ngoài và gần 62.000 người tử trận.

Tại New Zealand, buổi lễ tưởng niệm bắt đầu bằng hai phút mặc niệm, đúng vào 11 giờ, thời điểm thỏa thuận đình chiến bắt đầu có hiệu lực. Tiếp theo là 100 cú đại bác được bắn ra phía bờ biển Wellington trong tiếng còi xe và tiếng chuông ngân vang từ các nhà thờ trên khắp nước. Hơn 100.000 người New Zealand, chiếm 1/10 dân số lúc đó, tham chiến ở nước ngoài trong Thế Chiến I, trong đó khoảng 18.300 người đã hy sinh.

Còn tại Anh, theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix, từ một tuần trước ngày ký kết Đình chiến 1918, nhiều hoạt động nghệ thuật đã được tổ chức trên khắp nước Anh, đặc biệt là buổi lễ long trọng tại đài tưởng niệm Whitehall ở Luân Đôn vào ngày 11/11 :

« Người dân Anh gọi sự kiện này là « Remembrance Sunday », ngày Chủ Nhật tưởng nhớ, diễn ra vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Mười Một. Ngày này được vua George V đặt ra đúng một năm sau khi cuộc chiến chấm dứt để không bao giờ quên thảm họa, đó chính là « cuộc chiến phải chấm dứt mọi cuộc chiến khác ».

Theo thông lệ, vào lúc 11 giờ và trong vòng hai phút, mọi hoạt động trên cả nước dừng lại, người dân giữ im lặng để tưởng nhớ đến không chỉ hàng triệu người đã chết trong Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất mà cả những người đã tử trận trong những cuộc chiến sau đó.

Rất nhiều buổi lễ được tổ chức trên khắp nước Anh và ở Luân Đôn là tại đài tưởng niệm Whitehall, nơi nữ hoàng Elisabeth II và nhiều chính trị gia đến tưởng nhớ những người đã khuất, sau đó là một buổi diễu binh. Năm nay, hàng nghìn người dân Anh đến đài tưởng niệm (The Cenotaph), tất cả đều cài trên khuy áo một bông hoa anh túc (poppy) bằng giấy hoặc bằng lụa để tưởng nhớ đến các cựu chiến binh.

Truyền thống bán hoa anh túc của Quân đoàn Anh vì lợi ích của các gia đình cựu chiến binh vẫn rất sôi nổi ở Anh Quốc. Hoa anh túc được chọn làm biểu tượng sau thành công của bài thơ In Flanders Fields (Trên Cánh đồng vùng Flandres), được một bác sĩ Canada viết năm 1915, xúc động trước những bông hoa anh túc, đỏ rực như mầu máu, nở rộ trên những vùng đất bị tàn phá ở vùng Flandres ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.