Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

WWF : Động vật hoang dã trên bờ diệt vong vì con người

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cảnh báo các loài động vật hoang dã đang bị đẩy đến bờ vực diệt vong vì nhu cầu tiêu thụ không kiểm soát của con người.

Động vật hoang dã đang trên đường bị tiêu diệt bởi hoạt động không kiểm soát của con người. Ảnh minh họa.
Động vật hoang dã đang trên đường bị tiêu diệt bởi hoạt động không kiểm soát của con người. Ảnh minh họa. WWF / AFP
Quảng cáo

Trên toàn hành tinh, trong đất liền cũng như ngoài biển, động vật hoang dã tiếp tục lặng lẽ biến mất. Động vật có vú, chim, cá đang dưới áp lực ghê gớm bởi các hoạt động con người. Trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2014, quần thể động vật có xương sống hoang dã trên trái đất đã giảm 60%.

Đó là con số báo động mà Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) nêu ra trong báo cáo mang tiêu đề « Hành tinh sống », công bố hôm 30/10/2018. Theo bản báo cáo thứ 12 của WWF, việc suy giảm quần thể động vật diễn ra trên toàn cầu, trong đó có những nơi đặc biệt nghiêm trọng là các vùng nhiệt đới.

« Bảo tồn thiên nhiên không chỉ có bảo vệ các loài hổ, gấu trúc, cá voi, mà chúng ta thấy gần gũi », giám đốc Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới ông Macro Lambertini nói với AFP. Ông nhấn mạnh « Đó là việc làm rộng hơn nhiều : Sẽ không thể có một tương lai lành mạnh và phồn thịnh cho loài người trên hành tinh với bầu khí hậu bất ổn, đại dượng cạn kiệt, đất đai bị hư hại, các khu rừng trống không và một hành tinh không còn đa dạng sinh học ».

Báo cáo của WWF dựa trên nghiên cứu theo dõi 16704 quần thể động vật, đại diện cho hơn 4000 loài trên trái đất. Nếu như bản báo cáo lần thứ 10 ghi nhận sự suy giảm 52% trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2010, thì bản báo cáo lần này với con số 60%, cho thấy dường như không có gì ngăn cản được đà xóa sổ dần dần các loài động vật trên trái đất.

Con số của báo cáo đưa ra thực sự báo động với khu vực Care Nam Mỹ : Trong 44 năm 89% động vật bị biến mất. Tỷ lệ này ở khu vực Bắc Mỹ là 23%, còn Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông là 31%.

Giải thích đầu tiên là động vật bị mất đất sống do mở mang nông nghiệp, gia tăng khai khoáng và phát triển đô thị. Các hoạt động không kiểm soát được như vậy đã dẫn đến tình trạng rừng bị phá, đất đai cạn kiệt.

Tại Brazil, rừng rậm Amazone vẫn tiếp tục co hẹp lại thêm phục vụ cho canh tác đậu tương và chăn nuôi bò. Trên phạm vi toàn cầu, chỉ còn lại có 25% đất đai vẫn chưa bị con người đụng tay đến. Nhưng theo tính toán nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc GIEC về đa dạng sinh học, đến 2050 diện tích đất này sẽ chỉ chiếm 10%.

Thêm nguyên nhân khác góp phần vào tình trạng tuyệt diệt động vật là nạn săn trộm, ô nhiễm, bệnh dịch và thời tiết thất thường …

Giám đốc WWF chi nhánh Pháp, ông Pascal Canfin nhấn mạnh: « Việc nguồn vốn thiên nhiên bị biến mất là một vấn đề đạo đức, có thể gây hậu quả lên sự phát triển, công ăn việc làm của chính chúng ta. Điều này bắt đầu thấy rõ. » Bằng chứng là sản lượng đánh bắt thủy sản của chúng ta giảm hơn so với các đây 20 năm bởi trữ lượng giảm.

Các nhà kinh tế ước tính, giá trị các « dịch vụ mà thiên nhiên có thể mang lại » cho con người là khoảng 125 nghìn tỷ đô la mỗi năm, tức gấp rưỡi tổng thu nhập GDP toàn cầu. Mỗi ngày loài người lại dùng lạm thêm vào các nguồn tài nguyên vốn có của mình. Trong khi đó, tương lai của các loài dường như không đủ sức thu hút chú ý của các nhà lãnh đạo, WWF cảnh báo.

Theo tổ chức này, cần phải phát động một phong trào rộng lớn bảo vệ động hoang dã giống như đang làm đối với bầu khí hậu chung và cần phải coi việc bảo vệ đa dạng sinh học như là một ưu tiên quốc tế.

Năm nay, các quốc gia đã kêu gọi tăng cường cam kết để giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đồng thời với việc nhất trí bảo vệ thiên nhiên, với mục tiêu đến năm 2030 không còn tổn thất đa dạng sinh học.

Trung Quốc phục hồi từng phần buôn bán sản phẩm từ hổ và tê giác

Đúng vào thời điểm WWF lên tiếng báo động về tình trạng tổn thất đa dạng sinh học, chính phủ Trung Quốc có một quyết định đi ngược lại tinh thần nội dung của bản báo cáo, khiến những nhà bảo vệ sinh thái phẫn nộ.

Hôm 30/10, chính quyền Trung Quốc ra thông tư cho phép phục hồi việc mua bán có giới hạn các sản phẩm nguồn gốc từ hổ và tê giác. Văn bản được thủ tướng Lý Khắc Cường ký, cho phép bán các sản phẩm như xương hổ, sừng tê giác cho nghiên cứu y học cổ truyền trong một số hoàn cảnh « đặc biệt ».

Trong số các trường hợp đặc biệt được quy định có việc sử dụng các sản phẩm trong nghiên cứu khoa học, mua bán các tác phẩm nghệ thuật và « nghiên cứu điều trị y học ». Văn bản của chính phủ Trung Quốc quy định chỉ có các bác sĩ làm việc trong các bệnh viện được Cơ quan quản lý y học cổ truyền công nhận mới được sử dụng các sản phẩm nói trên.

Khía cạnh thương mại được cho là vẫn « kiểm soát chặt ». Ngoài các trường hợp đặc biệt, việc mua bán các sản phẩm từ hồ và tê giác đều bị cấm. Vẫn theo văn bản trên, chỉ có cơ quan chuyên trách về di sản và du lịch được cấp phép cho « các trao đổi văn hóa » các tác phẩm được làm từ chất liệu các động vật nêu trên.

Nghị định này thay thế lệnh cấm tuyệt đối ban hành năm 1993. Tuy vậy, theo các tổ chức bảo vệ môi sinh, thị trường chợ đen ở Trung Quốc đã thay thế cho việc buôn bán hợp pháp từ lâu nay. Nhiều sản phẩm cấm vẫn vào được Trung Quốc, đặc biệt qua ngả Việt Nam.

Ngay lập tức quyết định của chính phủ Trung Quốc làm dấy lên làn sóng phản đối của những tổ chức bảo vệ động vật. Bà Iris Ho, lãnh đạo hiệp hội Humane Society International tại Washington, tố cáo : « Với thông báo này, chính phủ Trung Quốc ký giấy chứng tử cho tê giác và hồ hoàng dã ». Theo nhà hoạt động này, chính sách mới mà Bắc Kinh theo đuổi sẽ dẫn tới việc hình thành đường dây, « rửa sản phẩm săn bắn trộm ».

Trong khi đó bà Margaret Kinnaird, phụ trách đa dạng sinh học của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF bổ sung thêm rằng việc phục hồi buôn bán hợp pháp này có nguy cơ tạo vỏ bọc cho các hoạt động buôn lậu, kích thích nhu cầu các sản phẩm từ các loài động vận quý hiếm bùng phát trở lại.

Hổ là loài động vật được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (UICN) xếp trong danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Tại Trung Quốc vẫn tồn tại nhu cầu về các sản phẩm từ hổ như, xương để nấu cao, móng vuốt làm đồ trang sức, ria và dương vật hổ làm vị thuốc cổ truyền….

Số lượng hổ nuôi nhốt tại Trung Quốc những năm gần đây cũng tăng. Người ta tính có khoảng hơn 6000 con, trong khi mà cả thế giới có lẽ chỉ còn khoảng hơn 3000 con hổ sống hoang dã.

Tương tự, tê giác cũng được xếp trong loài bị đe dọa. Năm 1960 có khoảng 100 nghìn cá thể tê giác sống ở châu Phi. Năm 2016, số lượng này chỉ còn 28 nghìn con ở châu Phi và châu Á, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Loài động vật này đang trên đà bị xóa sổ cũng chỉ vì những đồn đoán về công hiệu thần dược của chiếc sừng có thể chữa được bách bệnh và nhất là bệnh ung thư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.