Vào nội dung chính
MỸ - BẦU CỬ - QUỐC HỘI

Vì đâu cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ gây chia rẽ nước Mỹ?

Cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ tại Mỹ, và vụ xả súng đẫm máu vào nhà thờ Do Thái, cuộc trưng cầu dân ý về việc Nouvelle-Calédonie ra đi hay ở lại với nước Pháp, đó là những hồ sơ được nhiều tờ báo ra ngày 29/10/2018 khai thác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi mit-tinh của thượng nghị sĩ Ted Cruz ở Houston, bang Texas, ngày 22/10/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi mit-tinh của thượng nghị sĩ Ted Cruz ở Houston, bang Texas, ngày 22/10/2018. REUTERS/Leah Millis
Quảng cáo

Cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc Hội Mỹ sắp diễn ra vào ngày 06/11. Đây là cuộc bầu cử cực kỳ quan trọng với cả chính quyền Trump cũng như bên đảng Dân Chủ đối lập. Đảng Cộng Hòa của tổng thống Trump đang có dấu hiệu suy yếu cố gắng giữ đa số, trong khi đảng Dân Chủ nhân dịp này đang hy vọng giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội để kiềm chế quyền hành và các quyết sách khó lường của tổng thống Trump.

Chiến dịch vận động tranh cử đang bước vào chặng cuối gay cấn và có phần khốc liệt. Đích thân ông Donald Trump những ngày qua đã liên tiếp tới hết bang này đến bang khác vận động cử tri bầu cho đảng của mình, cứ như chính ông là ứng của viên. Báo Le Fiagro chạy tựa trên trang Quốc tế : «Trump, ứng viên trưởng giữa kỳ ».

Tờ báo nhận xét : « Cho dù không có tên trong phiếu bầu, ông Donald Trump vẫn tham gia rất nhiều vào chiến dịch vận động tranh cử. Ông đã liên tiếp có mặt ở 15 cuộc tập hợp cử tri trong tháng 10, nếu tính từ mùa hè này, là khoảng ba chục cuộc, để truyền năng lượng đến hàng trăm triệu người ủng hộ trên khắp cả nước ». Le Figaro dẫn lời cựu phát ngôn viên Hạ Viện, Newt Gingrich, một người thân cận với ông Trump nói : « Đây là chiến dịch tranh cử tổng thống thứ 2. Ông (Trump) áp đặt sự thống trị ở đảng Cộng Hòa kiên quyết hơn bất lỳ tổng thống nào thời hiện đại ».

Có một điều nhiều tờ báo Pháp đều chung nhận định đó là kỳ bầu cử giữa kỳ lần này đang chia rẽ sâu sắc nước Mỹ, chưa từng có, như ghi nhận của một bài viết khác của Le Figaro : « Hai nước Mỹ xâu xé nhau trong bầu không khí của một cuộc nội chiến ». Theo tờ báo, « các chia rẽ của nước Mỹ không phải là mới. Những năm 1960 và 1970, nước Mỹ đã bị chia rẽ về vấn đề các quyền công dân, rồi về cuộc chiến tranh Việt Nam, sự chia rẽ khi đó làm dấy lên hàng trăm vụ khủng bố nội địa và cao điểm là vụ ám sát tổng thống Kennedy ».

Tờ báo viết tiếp : Các đời tổng thống Reagan, Clinton và Bush cũng biết đến những cuộc đấu đá dữ dội. Nhưng lần này, khi cuộc bầu cử giữa kỳ định hình thì nước Mỹ bị trấn động vì các vụ bạo lực. Đó là hàng loạt bom thư gửi đến nhà Obama, Clinton, rồi tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng trong nhà thờ Do Thái giáo ở Pittsburgh. Nhiều nhà quan sát lúc này « nhìn thấy ở Trump một con người đã phá vỡ giới hạn, khơi dậy cái phần ác quỷ trong một bộ phận cực hữu ». Phía đảng Dân Chủ thì không ngần ngại chỉ đích danh tổng thống Trump « là người đã chia rẽ nước Mỹ một cách có chủ ý ».

Cùng chung cái nhìn trên, nhân sự kiện vụ tấn công đẫm máu vào nhà thờ Do Thái giáo ở Pittsburg hôm 27/10, La Croix nhận thấy : « Donald Trump khơi dậy bạo lực chính trị ». Khẩu khí hùng hồn đậm màu sắc kỳ thị chủng tộc và bài ngoại của tổng thống và phe Cộng Hòa đang bị chỉ trích như một trong những yếu tố kích động các vụ bạo lực vừa xảy ra tại Mỹ.

Xã luận của nhật báo Libération bình luận về không khí bầu cử ở Mỹ : « Làm sao có thể chối cãi được rằng bầu không khí được tạo lập trong đất nước từ khi Donald Trump đắc cử đang chuẩn bị, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các vụ bùng nổ bạo lực kỳ thị chủng tộc như thế ? Lời nói có thể giết được người, không trực tiếp nhưng nó vũ trang cho tinh thần bệnh hoạn của những kẻ sát nhân ».

Donald Trump mở đường chạy đua hạt nhân

Vẫn liên quan đến tổng thống Donald Trump, nhưng trong một hồ sơ quốc tế. Les Echos trở lại với quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước hạn chế vũ khí tầm trung, qua bài phân tích của Dominique Moisi chuyên gia về chính trị thế giới của Viện nghiên cứu Quốc tế Pháp (Ifri).

Với tựa đề : « Trump mạo hiểm tái phát động phổ biến vũ khi hạt nhân », bài viết nhận định, « từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh và khủng bố Hồi Giáo cực đoan dâng cao, nguy cơ hạt nhân đã trở nên trừu tượng, không thực tế. Nhưng bằng đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận 1987 về các tên lửa tầm trung, Donald Trump lại làm cho mối nguy hạt nhân trở thành một thực tế đáng sợ ».

Tác giả khẳng định « phát động trở lại, dù là gián tiếp, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, chẳng phải là khuyến khích các nước như Bắc Triều Tiên, Iran và đừng quên cả Trung Quốc, hay cả Nga nữa hay sao ? Đó chẳng phải là lý do để Putin bật đèn xanh chạy đua vũ khí hạt nhân ? »

Nhật - Trung đối tác kinh tế nhưng chưa hết dè chừng

Về thời sự châu Á, Trung Quốc vẫn luôn là sự chú ý của các báo Pháp. Nhật báo Les Echos quan tâm đến chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Nhật Shinzo Abe. với nhận xét : « Trung Quốc và Nhật Bản từ giờ là đối tác ».

Hai cường quốc hàng đầu châu Á đang dịch chuyển quan hệ từ là đối thủ chính trị, lịch sử sang dần thành đối tác kinh tế mà chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Shinzo Abe giữa tuần qua là dấu mốc lớn. Les Echos nhắc lại nghi thức đón tiếp long trọng thủ tướng Nhật tại Bắc Kinh hôm 25/10 : Duyệt đội danh dự trên quảng trường Thiên An Môn, lễ tiếp đón hoành tráng giữa Đại lễ đường Nhân dân…. Qua đó chế độ Cộng sản Trung Quốc muốn chứng tỏ họ thật lòng muốn sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản.

Trong chuyến thăm này, hai đối thủ châu Á đã liên tiếp tỏ những động thái hữu hảo để thông báo với thế giới từ giờ trở đi hai nước nhìn nhận nhau như là đối tác hơn là coi nhau như đối thủ cạnh tranh hay kẻ thù. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu : « Trong khi tình hình quóc tế biến chuyển, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Hai nước chúng ta giờ ngày càng có nhiều lợi ích chung trên bình diện đa phương ». Đáp lại thủ tướng Shinzo Abe nói : « Chuyển từ cạnh tranh sang công tác, mối quan hệ hai nước chúng ta đang bước vào giai đoạn mới ». Kết quả của chuyến đi đó là một loạt các hợp đồng trao đổi buôn bán, hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế đã được ký kết.

Chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Shinzo Abe đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của hai nước mong muốn hợp tác phát triển kinh tế, trong bối cảnh hai cường quốc này đều đang phải gánh chịu hậu quả của đường lối bảo hộ mậu dịch rất rắn của Donald Trump. Trong khi mà hai nước vẫn lao vào cuộc chiến ảnh hưởng ngầm với các nước Đông Nam Á.

Theo tờ báo, dù lãnh đạo Nhật tỏ thiện chí hòa dịu ở Bắc Kinh, nhưng khi trở về Tokyo ông cho biết vẫn sẽ phải tiếp tục thúc đẩy dự án sửa đổi Hiến Pháp. Ông mong muốn khẩn cấp tăng cường quy chế cho quân đội Nhật nhằm đối phó tốt hơn với đe dọa của… Trung Quốc.

Thái Lan : Video Rap thách thức chính quyền quân sự

Báo Libération có bài viết : « Thái Lan : một nhóm Rap sửa gáy tập đoàn quân sự ». Tờ báo cho biết, mới đây xuất hiện một video đen trắng dài 5 phút, trong đó 10 ca sĩ Rap thể hiện một bản Rap với những ca từ mô tả Thái Lan là một đất nước « quân nhân tước đoạt mọi quyền được lựa chọn », «người nghèo không thể được chăm sóc » hay « tham nhũng chỉ được phép với người giàu ».

Đoạn video Rap Against Dictatorship này đã thu hút hơn 16 triệu người xem từ thứ Hai 22/10 đang là một thách thức không thể chấp nhận được với chế độ quân sự Thái Lan. Tập đoàn quân sự Thái lên nắm quyền từ bốn năm nay vẫn coi mọi chỉ trích chính phủ là bất hợp pháp với lý do giữ « ổn định đất nước ».

Libération nhấn mạnh, bốn năm qua dưới chế độ quân sự, Thái Lan vẫn chưa có bầu cử, hàng chục nhà hoạt động đấu tranh đang ngồi tù, hàng trăm người khác thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu, o bế.

Ngay lập tức chính quyền đã phản ứng cảnh báo « chia xẻ video trên có thể bị phạt tù và 3.000 euro tiền phạt ». Libération cho rằng việc video trên gây sốt ở Thái Lan cho thấy tâm lý chán trường chế độ quân sự đang phổ biến trong người dân Thái.

Nouvelle-Calédonie : Làm sao để chung sống

Trở lại chuyện liên quan đến nước Pháp. Chỉ còn ít hôm nữa, ngày 04/11, người dân Nouvelle-Calédonie sẽ tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý để quyết định quần đảo nằm ở nam Thái Bình Dương, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp sẽ độc lập hay không.

Nhật báo Công Giáo La Croix có bài phóng sự dài cho thấy mặc dù không khí khá căng thẳng, nhưng đại đa số người dân Nouvelle-Caledonie, gồm người thổ dân và người da trắng đã chung sống với nhau từ hàng thế kỷ qua trên phần lãnh thổ thuộc Pháp này vẫn hy vọng có một tương lai chung, cho dù gần đây các rạn nứt với chính quốc đang lớn dần.

Nhưng nếu phe đòi độc lập thắng thì vấn đề sẽ trở nên rất nghiêm trọng không chỉ với nước Pháp mà còn nảy sinh ra nhiều vấn đề kinh tế, xã hội ở quần đảo này, vốn dĩ căng thẳng trong thời gian gần đây. Phóng sự của La Croix ghi nhận, đa số người dân Nouvelle-Calédonie ý thức được cái được và cái mất khi bỏ lá phiếu đồng ý hay phản đối độc lập với nước Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.