Vào nội dung chính
Ả RẬP XÊ ÚT - THỔ NHĨ KỲ

Vụ nhà báo Khashoggi mất tích: Riyad cực lực bác bỏ cáo buộc sát nhân

Trong bối cảnh sức ép quốc tế lên chính quyền Riyad ngày càng gia tăng về vụ nhà báo đối lập Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi mất tích sau khi tới tòa lãnh sự của Riyad tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 02/10/2018, chính quyền Riyad hôm qua 12/10, lần đầu tiên lên tiếng cực lực bác bỏ lời tố cáo rằng chính Ả Rập Xê Út đã ra lệnh sát hại nhà báo đối lập.

Nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi nhân một buổi diễn thuyết tại Luân Đôn, ngày 29/09/2018.
Nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi nhân một buổi diễn thuyết tại Luân Đôn, ngày 29/09/2018. Middle East Monitor/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Theo AFP, hãng tin chính thức SPA của Ả Rập Xê Út cho biết: Bộ trưởng Nội Vụ Ả Rập Xê Út gọi đó là những lời tố cáo « dối trá » và « vô căn cứ ». Riyad cũng cử một phái đoàn sang Istanbul để trao đổi với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ về một cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ vụ việc.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết chi tiết :

« Việc phái đoàn Ả Rập Xê Út tới Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến người ta nghĩ rằng chính quyền Ankara và Riyad hợp tác trong cuộc điều tra làm sáng tỏ số phận của Jamal Khashoggi. Trên thực tế, theo các thông tin nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ loan báo mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, Ankara tin chắc là nhà báo Khashoggi đã bị sát hại trong tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út tại Istanbul.

Tờ Washington Post mà ông Jamal Khashoggi hợp tác thì khẳng định là Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ các băng ghi âm và vidéo cho thấy nhà báo Ả Rập Xê Út bị « xét hỏi, tra tấn rồi giết chết » như thế nào bên trong tòa lãnh sự.

Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa vào tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út để tìm vật chứng. Hôm thứ Ba vừa qua, họ đã được chính quyền Riyad cho phép vào tòa nhà, nhưng theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, dường như hai bên không thống nhất được là cuộc khám soát sẽ ở mức độ nào.

Chưởng lý Istanbul, người phụ trách cuộc điều tra, muốn khám soát kỹ lưỡng. Rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ muốn coi nơi đó là địa điểm xảy ra vụ sát hại. Chính quyền Ả Rập Xê Út không chấp nhận điều này và tiếp tục khẳng định, mà không có chứng cớ, là nhà báo đã rời tòa lãnh sự một cách bình an vô sự. »

Reuters cho biết tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan ngay từ hôm thứ Năm 11/10 đã thông báo chấp thuận đề nghị của Ả Rập Xê Út về việc thành lập nhóm làm việc chung của hai nước để điều tra về vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi.

Còn tổng thống Mỹ Mỹ Donald Trump hôm nay, 13/10, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS, cho biết nếu kết quả điều tra cho thấy chính quyền Ả Rập Xê Út đứng sau vụ này, thì Riayd sẽ bị « trừng trị nghiêm khắc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.