Vào nội dung chính
NGA - ĐỨC - LỊCH SỬ

Tìm mồ chôn tập thể nạn nhân của Stalin, nhờ không quân Hitler

Một toán sử gia và khảo cổ Nga sử dụng các không ảnh cũ của quân đội Đức thời Thế chiến thứ hai để định vị những hố chôn hàng ngàn nạn nhân bị hành quyết trong thời kỳ trấn áp của Stalin, ở ngoại ô Matxcơva.

Ảnh chụp một góc khu mộ gần Matxcơva, nơi chính quyền Stalin hành quyết hơn 6000 người từ 1937 đến 1941.
Ảnh chụp một góc khu mộ gần Matxcơva, nơi chính quyền Stalin hành quyết hơn 6000 người từ 1937 đến 1941. Ảnh : Andrei BORODULIN / AFP
Quảng cáo

Theo AFP, sự hiện hữu của những hố chôn tập thể trong khu ngoại ô Kommunarka, tây-nam Matxcơva đã được công chúng biết đến từ khi KGB, trong những tháng cuối cùng của Liên Bang Xô Viết, giải mật một số hồ sơ lưu trữ. Tuy nhiên, không ai có thông tin chính xác về vị trí của từng nấm mộ.

Chỉ riêng chung quanh Matxcơva có ba nơi tất cả mà mật vụ NKVD của Stalin, trong thập niên 1930, dùng để phi tang thi thể hàng ngàn nạn nhân trong giai đoạn khủng bố chính trị.

Theo các sử gia, 6.609 người bị hành quyết và chôn tại Kommunarka từ năm 1937 đến 1941. Các hố chôn tập thể nằm trong khu rừng thưa được hàng rào bao bọc. Guerink Iagoda, chỉ huy trưởng đầy uy quyền của NKVD một thời là chủ của khu rừng và một biệt thự nghỉ dưỡng trong đó.

Nơi nghỉ dưỡng biến thành nơi chôn xác đầu não mật vụ

Điều trớ trêu là chính Guerink Iagoda sau khi bị thanh trừng vào năm 1936, đã bị xử bắn vào năm 1938 và có lẽ bị chôn xác ở nơi này.

Theo sử gia Roman Romanov, giám đốc viện bảo tàng « Quần đảo ngục tù » ở Matxcơva và cũng là người điều hợp chương trình khai quật tìm kiếm hài cốt nạn nhân, khu Kommunarka ít được quan tâm hơn là khu Boutovo, nơi có nhiều hố chôn tập thể hơn.

Lễ khánh thành một đài tưởng niệm tại Kommunarka, dự kiến trong tháng 10, đã thúc đẩy các sử gia tìm cho ra nơi vùi chôn thi thể nạn nhân của Stalin. Những người tình nguyện tiếp tay phát hoang và thăm dò lòng đất bằng ra-đa.

Nhưng, cuối cùng, nhờ không ảnh chụp từ máy bay phát-xít Đức trong năm 1942 khi các ngôi mộ « còn mới » mà nỗ lực tìm kiếm đã đạt được kết quả. Khi xem xét các không ảnh, các sử gia Nga phát hiện chen giữa các cây già có nhiều khóm cây trẻ hơn. Trồng cây con lên mộ để phi tan dấu tích tội ác là « nghề » của mật vụ Liên xô.

Cũng theo sử gia Roman Romanov, bước kế tiếp của công cuộc điều tra là nhận diện nạn nhân trong từng hố tập thể và tìm cho ra từng người một. Đây là công việc không phải đơn giản bởi vì trong mỗi nấm mồ có khi là 30 người, có khi là 100.

Theo Ian Ratchinski, một thành viên kỳ cựu của Tổ chức phi chính phủ « Ký ức », đặc trách thu thập thông tin về tội ác chế độ Stalin thì tại Matxcơva, khoảng 30.000 người đã bị hành hình trong hai năm 1937 và 1938.

Toàn bộ chính phủ Mông Cổ « nằm ở đây »

Trong thập niên 1980, khi Liên Xô cải cách với chính sách Perestroika, mật vụ KGB, hậu thân của NKVD chấp thuận giải mật một số tài liệu. Trong phiếu lý lịch cá nhân của NKVD có ghi rõ nơi hành quyết như ở quận Boutovo và nghĩa trang Donskoi tại thủ đô. Theo suy đoán của Ian Ratchinski, hồ sơ những nạn nhân không có ghi rõ nơi xử bắn, chắc chắn nằm tại Kommunarka và trong số hơn 6000 nạn nhân ở đây có cả « toàn bộ nội các Mông Cổ ».

Vào thời điểm đó, Mông Cổ là một nước chư hầu của Liên Xô, cũng là nạn nhân của chính sách đàn áp mù quáng của Stalin.

Nhiều lãnh đạo ba nước Baltíc cũng bị thủ tiêu tại Kommunarka sau khi Liên Xô chiếm Litva, Latvi và Estonia.

Hiện còn hơn 1000 người chưa được nhận diện vì mật vụ Nga FSB từ chối cung cấp tài liệu lưu trữ. Serguei Bondarenko, có ông cố bị hành quyết ở Kommunarka, than phiền lẽ ra « Nhà nước phải biết trách nhiệm của mình về những gì xảy ra tại khu rừng này».

Để không nạn nhân nào bị bỏ quên

Mục đích bất di bất dịch của các sử gia Nga trong nhóm « Ký Ức » là các vùng khác trên khắp nước Nga noi gương Kommunarka, tìm kiếm chính xác các mồ chôn tập thể nạn nhân của chế độ Stalin. Để cuối cùng, tất cả mồ hoang, tất cả nạn nhân sẽ được nhận diện.

Tìm kiếm nạn nhân Stalin, nhất là ở các tỉnh xa, không phải là chuyện không nguy hiểm. Sử gia Iouri Dmetriev là một trường họp điển hình. Ông bị vu cáo « xâm hại tình dục », một vụ án được dàn dựng từ A đến Z, theo các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều nhân vật có tiếng tăm tại Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.