Vào nội dung chính
BOLIVIA - CHILÊ

Bolivia thua Chilê trong vụ kiện đòi lại đường ra biển

Tòa Công lý Quốc tế ngày 01/10/2018 ra phán quyết liên quan đến vụ chính quyền Bolivia đòi lấy lại một đường ra biển mà nước này đã để mất chủ quyền cách nay 134 năm sau một cuộc chiến với nước láng giềng Chilê.

Tổng thống Bolivia Evo Morales phát biểu sau phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế La Haye, ngày 01/10/2018.
Tổng thống Bolivia Evo Morales phát biểu sau phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế La Haye, ngày 01/10/2018. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Người dân Bolivia rất mong chờ Tòa ra phán quyết có lợi cho họ, nhưng cuối cùng mọi lập luận của Bolivia đều bị Tòa bác. Không khí rầu rĩ, ủ ê bao trùm các đường phố ở thủ đô Bolivia.

Thông tín viên RFI Alice Campaignolle tường trình từ La Paz :

“Vẻ mặt của những người tụ tập ở trung tâm La Paz ngày hôm qua trông ỉu xìu. Hàng ngàn người tập trung để xem truyền hình trực tiếp qua màn ảnh lớn về phán quyết của Tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc. Người dân Bolivia đã chờ quyết định của Tòa suốt 5 năm qua, nhưng cuối cùng 15 thẩm phán đã ra một phán quyết bất lợi mà nước này không hề mong đợi.

Đây là một thất bại cay đắng của Bolivia. Không một lập luận nào của Bolivia được Tòa ghi nhận. Theo Tòa Công lý Quốc tế, Chilê không có nghĩa vụ pháp lý về việc đàm phán về đường ra Thái Bình Dương có chủ quyền của nước láng giềng Bolivia. Nhưng các thẩm phán kêu gọi hai nước đối thoại.

Bolivia đã mất toàn bộ đường bờ biển sau khi bị Chilê xâm chiếm và thua trận trong cuộc chiến năm 1884. Tổng thống Evo Morales, sau khi lên nắm quyền, đã coi yêu cầu về một đường ra biển có chủ quyền là một trong những cột trụ trong chính sách đối ngoại của ông.

Từ La Haye, tổng thống Bolivia đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng ông sẽ không bỏ cuộc. Ông phát biểu : “Tòa không bắt buộc đàm phán, nhưng hai bên được kêu gọi duy trì đối thoại. Bolivia sẽ không bao giờ bỏ cuộc, chúng tôi luôn ủng hộ công lý và chúng tôi nắm giữ sự thật”.

Bất chấp phán quyết của tòa, Bolivia không thừa nhận thua cuộc. Tìm một đường ra biển có chủ quyền là một nhiệm vụ của Nhà nước đã được ghi trong Hiến pháp.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.