Vào nội dung chính
IRAK

Bầu quốc hội Irak : lãnh đạo chống tham nhũng Moqtada al Sadr chiến thắng

Tổ chức Hồi giáo dân tộc chủ nghĩa Shia Irak do giáo sĩ tự xưng Moqtada al Sadr được xác nhận về nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Irak diễn ra hồi tháng 5 với 54 dân biểu trên 329 ghế nghị viện. Kết quả vừa được Ủy ban bầu cử quốc gia công bố ngày 10/08/2018 sau khi kiểm phiếu lần thứ hai theo lệnh của Tối Cao Pháp Viện vì có nghi ngờ gian lận.

Ông Moqtada al-Sadr, trong buổi họp báo ngày 23/06/2018, tại Najaf, Irak.
Ông Moqtada al-Sadr, trong buổi họp báo ngày 23/06/2018, tại Najaf, Irak. REUTERS/Alaa al-Marjani/ File Photo
Quảng cáo

Liên minh Shia dân tộc Cộng sản được xác nhận về đầu với 54 ghế trong cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên được tổ chức tại Irak từ khi đánh bại được tổ chức Daech ra khỏi các thành phố ở phía bắc.

Moqtada al Sadr : từ chiến trường đến chính trường

Một thời là khắc tinh của Mỹ, đứng đầu một lực lượng dân quân võ trang chống cuộc can thiệp của Washington vào Irak năm 2003, Moqtada al Sadr chủ trương một nước Irak độc lập, trong sạch, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc trên hết và một hệ phái Shia tách rời ảnh hưởng giáo quyền Iran.

Trong chiến lược vận động tranh cử, đảng Sadr đã bất ngờ liên minh với đảng Cộng sản Irak, tổ chức biểu tình mỗi thứ sáu với khẩu hiệu vì quyền lợi của người dân Irak. Cương lĩnh với 40 đề nghị đã chinh phục được cả giới trẻ và trí thức, hai thành phần có truyền thống lãnh đạm với chính trị. Theo nhận định của trang mạng độc lập Al-Alam Al- Jadid « phong trào của Moqtada al Sadr đã lật qua trang sử đấu tranh võ trang, thanh lọc thành viên diều hâu chủ chiến, bác bỏ mọi liên kết đầu phục thế lực bên ngoài để tập trung tranh đấu chống chính quyền tham ô và thiếu khả năng ».

Cuộc kiểm phiếu bằng tay không làm thay đổi kết quả của máy tính điện cử trừ một thay đổi nhỏ : liên minh các cựu chiến binh chống Daech, được Iran ủng hộ, thêm được một ghế, từ 47 lên 48, đứng thứ nhì. Danh sách của thủ tướng mãn nhiệm thân Mỹ Haider Al Abadi đứng thứ ba với 42 ghế. Các phong trào thế tục, Suni và Shia còn lại, mỗi phe chỉ được trên dưới 20 dân biểu.

Không một đảng nào có đủ đa số dân biểu để lập chính phủ, sẽ phải thương lượng tìm liên minh trong bối cảnh bất mãn tăng cao trong dân chúng, nhất là ở các tỉnh miền nam, trước nạn tham ô, thất nghiệp và guồng máy hành chánh yếu kém.

Trong khi chờ đợi một chính phủ mới, và để xoa dịu công luận và tự cứu, thủ tướng Haider Al Abadi cách chức bộ trưởng điện lực và bốn công chức cao cấp của bộ quan trọng này bị xem là vô trách nhiệm để tình trạng cúp điện xảy ra triền miên trong cái nóng cháy da của mùa hè sa mạc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.