Vào nội dung chính
Ả RẬP XÊ ÚT - CANADA

Ả Rập Xê Út làm căng với bên ngoài để ổn định bên trong ?

Thái độ cứng rắn bất ngờ của chính quyền Ả Rập Xê Út với Canada trong những ngày qua đã làm cho không ít nhà quan sát ngạc nhiên. Thế nhưng động thái gây căng thẳng này của chế độ Ryad dưới quyền điều hành của thái tử Mohammed ben Salmane được cho là nhắm vào đối nội, tăng cường uy tín trong nước của thái tử vào lúc nhân vật này đang cho tiến hành những biện pháp cải tổ đầy rủi ro vì đụng chạm tới thành phần bảo thủ còn rất mạnh ở vương quốc này.

Thái tử Vương Quốc Ả Rập Xê Út Mohammed benn Salmane tại thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập ở Dhahran 15/04/2018.
Thái tử Vương Quốc Ả Rập Xê Út Mohammed benn Salmane tại thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập ở Dhahran 15/04/2018. BANDAR AL-JALOUD / Saudi Royal Palace / AFP
Quảng cáo

Điều đầu tiên thu hút sự chú ý trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Ryad và Ottawa là tính chất dữ dội khác thường của các phản ứng từ phía Ả Rập Xê Út, nhằm trả đũa một sự kiện về bản chất chỉ là một tin nhắn twitter của đại sứ Canada tại Ryad, bày tỏ thái độ « quan ngại sâu sắc » trước việc có thêm một số nhà hoạt động nhân quyền Ả Rập Xê Út bị chính quyền bắt giữ.

Ngay sau khi tin nhắn được tung ra, Ryad đã ra lệnh trục xuất đại sứ Canada, triệu hồi đại sứ của mình về nước, đình chỉ giao thương với Canada, đình chỉ các chuyến bay của hảng hàng không Ả Rập Xê Út đến Toronto, cắt học bổng đại học cho sinh viên đang học ở Canada và sẽ chuyển hàng ngàn sinh viên Ả Rập Xê Út qua học ở nước khác…

Theo hãng tin Pháp AFP, chuyên gia James Dorsey thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore : « Đó rõ ràng là một cố gắng nhằm hù dọa các nước (ngoài) để giảm thiểu những lời chỉ trích Ả Rập Xê Út ».

Theo ghi nhận của AFP, đây không phải là lần đầu tiên mà chính quyền Ryad gây căng thẳng với nước ngoài khi bị chỉ trích.

Vào tháng 3 năm 2015, Ả Rập Xê Út đã triệu hồi đại sứ tại Stockholm về nước để phản đối việc Thụy Điển chỉ trích về tình trạng nhân quyền ở Ả Rập Xê Út.

Vào đầu năm 2018 này, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, Ryad cũng đã giảm hẳn quan hệ với các công ty Đức sau một cuộc tranh cãi ngoại giao với Berlin, xuất phát từ việc ngoại trưởng Đức trước đó đã cho rằng xứ Liban là con « chốt » trong tay Ả Rập Xê Út, sau khi thủ tướng Liban Saad Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức trong chuyến thăm Ryad.

Ông Khalil Harb, một chuyên gia về các vấn đề vùng Vịnh, ghi nhận là trong lịch sử của mình, Ả Rập Xê Út thường có một đường lối ngoại giao rất kín đáo, thận trọng. Do vậy, phản ứng « hung hăng và táo bạo » đối với Canada có thể minh họa cho một chính sách mới do thái tử Mohammed ben Salmane chủ trương.

Một trong những thành tố của chính sách này là chủ nghĩa dân tộc cao độ, như đã được ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir nhắc lại hôm 06/08 vừa qua, theo đó, nước ông « từ chối mọi hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của mình và sẽ xử lý mọi sự can thiệp một cách kiên quyết ».

Chuyên gia Kristin Diwan thuộc viện nghiên cứu các Quốc Gia Vùng Vịnh tại Washington nhận định rằng cuộc khủng hoảng với Canada là một ví dụ về « chủ nghĩa dân tộc cao độ đang phát triển tại Ả Rập Xê Út, vốn chủ trương bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nước » dám chỉ trích Ryad.

Tuy nhiên, những người ủng hộ thái tử Ả Rập Xê Út cho rằng ông chỉ tìm cách tránh những rắc rối có thể tác hại đến kế hoạch cải cách xã hội và kinh tế mà ông đề ra, vốn đang vấp phải cản lực từ nhiều giới cực kỳ bảo thủ tại vương quốc này.

Vị thái tử trẻ tuổi - năm nay chỉ mới 32 tuổi - đã cho áp dụng một loạt biện pháp cải cách ở một đất nước mà một nửa dân số dưới 25 tuổi. Nổi bật nhất là quyết định hủy bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe chẳng hạn.

Bà Najah al Otaibi, chuyên gia phân tích tại Hiệp Hội Arabia Foundation, thân chính quyền Ryad, khẳng định: « Thái tử muốn thay đổi, nhưng không muốn bị nước khác hướng dẫn, và cũng không muốn thay đổi quá nhanh chóng gây nên xung đột trong vương quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.