Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thực hư vụ Mỹ - châu Âu đình chiến thương mại

Đăng ngày:

Ngày 25/07/2018 Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu hoan hỉ thông báo đạt thỏa thuận "ngừng bắn" về mậu dịch. Châu Âu chưa thoát nạn. Mỹ vẫn có thể nuốt lời hứa. Trước mắt, đôi bên đã cam kết với nhau những gì ? Động cơ nào khiến Washington đổi ý sau khi đã "khai hỏa" ?

Trong cuộc họp báo chung, Jean -Claude Juncker (trái) và Donald Trump ngày 25/07/2018 : Âu Mỹ, mỗi bên nhìn về một hướng khác nhau !
Trong cuộc họp báo chung, Jean -Claude Juncker (trái) và Donald Trump ngày 25/07/2018 : Âu Mỹ, mỗi bên nhìn về một hướng khác nhau ! Reuters
Quảng cáo

Trả lời đài truyền hình France 24, ông Pascal Lamy, nguyên giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, chủ tịch danh dự Viện Nghiên Cứu Châu Âu Jacques Delors đánh giá về những cam kết được Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ cùng đưa ra trong cuộc họp báo kết thúc hai giờ họp giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump :

"Ông Trump nhiều lần cho thấy là ông có thể thay đổi thái độ, nay nói thế này, mai nói thế khác. Do vậy chúng ta cần thận trọng là hơn. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở Washington với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean- Claude Juncker hôm 25 tháng 7, có thể nói là Hoa Kỳ đã ký hiệp định ngưng chiến. Tổng thống Trump đơn phương khơi mào chiến tranh thương mại, rồi ông 'dội bom' vào đối phương qua các đòn áp thuế. Các đối thủ của Hoa Kỳ trả đũa tương xứng. Rốt cuộc, dường như Donald Trump nhận thấy rằng chính sách mậu dịch do ông đề xuất gây khó khăn cho ngay cả người dân Mỹ".

Thỏa thuận mơ hồ đặt ra nhiều nghi vấn

Mẫu số chung giữa lãnh đạo Mỹ và châu Âu là đôi bên cùng tuyên bố đã "đạt được mục tiêu mong muốn", nghĩa là đẩy lui rủi ro nổ ra một cuộc chiến mậu dịch giữa hai bờ Đại Tây Dương. Dù vậy nhìn từ Lục Địa Già và cả từ Mỹ, không một nhà phân tích nào tin rằng, Washington và Bruxelles thực sự giải quyết xong xung đột mậu dịch.

Trước hết về phía Mỹ, tổng thống Donald Trump - người đã khuấy động trật tự thương mại thế giới, trong cuộc họp báo với lãnh đạo châu Âu thông báo những điểm chính như sau : một là khối Âu-Mỹ bao gồm 50 % tổng sản lượng toàn cầu, đàm phán về mậu dịch để hướng tới "zero hàng rào thuế quan". Trong thời gian đàm phán, Washington hoãn kế hoạch đánh thuế vào xe hơi của châu Âu bán sang thị trường Mỹ. Cam kết quan trọng thứ nhì là Nhà Trắng sẽ xét lại biện pháp đánh thuế 10 và 25 % vào nhôm, thép của châu Âu.

Đổi lại châu Âu thông báo xích lại gần Mỹ trên ba hồ sơ lớn bao gồm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp.

Thực chất không hẳn là như vậy theo phân tích của cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Pascal Lamy :

"Cho tới thời điểm này, Liên Hiệp Châu Âu chưa nhượng bộ gì cả mà chỉ mới hứa là cùng với Mỹ ngồi vào bàn để thương lượng với nhau. Ta có thể thương lượng tay đôi tức là giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu và cũng có thể đàm phán đa phương trong khuôn khổ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Trong cuộc mặc cả giữa châu Âu và Mỹ, mục tiêu của đôi bên là giảm bớt những rào cản đối với các trao đổi mậu dịch giữa hai bờ Đại Tây Dương. Các vòng đàm phán này không bao hàm vế nông phẩm và xe hơi. Thú thực, đối với tôi, điều nay khá khó hiểu bởi tổng thống Trump luôn bị nền công nghiệp xe hơi châu Âu ám ảnh. Nhưng tôi không phải là Trump nên không biết ông tính toán những gì. Chỉ biết rằng, trong cuộc đọ sức thương mại này, cả châu Âu lẫn Mỹ đều nhận thấy là đã đến lúc hai bên cần gác súng để đối thoại với nhau".

Hứa suông về nhôm, thép và xe hơi

Trước hết, hai điểm nhậy cảm nhất đối với Liên Hiệp Châu Âu hiện tại là thuế nhôm thép và nguy cơ xe châu Âu bị Nhà Trắng đánh thuế nhằm bảo vệ thị trường xe hơi Hoa Kỳ.

Xin miễn bàn về việc đúng hay sai và mục tiêu của ông Donald Trump khi đưa ra các quyết định này. Trên hồ sơ nhôm thép, tuy có hứa xét lại quyết định gây tranh cãi và thường được coi là phát súng đầu tiên mà Mỹ tuyên chiến với gần như toàn thế giới trong lĩnh vực thương mại, trước mắt, hai sản phẩm này của châu Âu bán sang Hoa Kỳ vẫn bị đánh thuế 25 và 10 %.

Thiệt hại cho phía Liên Âu ước tính lên tới 5 tỉ đô la. Còn đối với kinh tế Hoa Kỳ, trong sáu tháng đầu năm 2018 giá nhôm ở Mỹ tăng 11 %, thép 33 %. Một tác động trực tiếp là từ đầu tháng 07/2018 Coca Cola đã tăng giá các lon nước ngọt do hãng này phải mua nhôm với giá đắt hơn đến 11 % !

Nhìn tới hồ sơ then chốt thứ nhì, là xe hơi : Donald Trump luôn nhắc đi nhắc lại là có quá nhiều xe châu Âu trên đất Mỹ và dọa nâng thuế nhập khẩu xe hơi lên tới 25 % để bảo vệ các hãng xe Hoa Kỳ. Nhưng khi tiếp chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tại Nhà Trắng, thì tổng thống Trump dịu giọng. Washington hứa trong thời gian đàm phán với châu Âu, tạm gác lại điều tra đòi đánh thuế xe nhập sang Hoa Kỳ. Bruxelles thở phào nhẹ nhõm, đặc biệt là Đức, nơi mà nền công nghiệp xe hơi bảo đảm việc làm cho 800.000 nhân công.

Tóm lại, trên hai hồ sơ quan trọng nhất đối với châu Âu, Mỹ vẫn treo lơ lửng đe dọa đánh thuế xe hơi, và không rút lại biện pháp áp thuế nhôm thép. Châu Âu không đả động đến khả năng hủy các biện pháp trả đũa Hoa Kỳ. Nghị viên châu Âu Bernd Lange kết luận : nội trên hai điểm cốt lõi này, chiến tranh thương mại Mỹ -Âu vẫn có mầm mống trỗi dậy bất kỳ lúc nào.

Nông nghiệp, thùng rỗng kêu to ?

Nhìn đến vế thứ ba là nông phẩm : đây là một lĩnh vực hết sức nhậy cảm, bởi vì đôi bên cùng có những biện pháp hỗ trợ rất mạnh. Về điểm này, tổng thống Trump trong cương vị chủ nhà nhanh nhảu thông báo châu Âu "sớm" nhập đậu nành của Mỹ. Thông báo này khiến ông Trump hài lòng vào lúc Washington phải dự trù 12 tỉ đô la hỗ trợ nông gia trong vùng Midwest, đang khốn khổ vì không bán được hàng cho Trung Quốc.

Cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Pascal Lamy nhận xét :

"Vì sao Trump đổi ý ? Công luận Mỹ đã khiến tổng thống Hoa Kỳ thay đổi thái độ, đặc biệt là khi ngành công nghiệp bắt đầu gặp khó khăn. Washington dự trù trích 12 tỉ đô la, một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ nông dân Mỹ không xuất khẩu được ngũ cốc, lúa mì cho Trung Quốc. Đến một lúc nào đó sự thật và thực tế phải được phơi bày ra ánh sáng".

Tinh ý một chút, có thể nhận thấy ngay thông báo này nặng phần trình diễn để cả đôi bên cùng lấy điểm với công luận trong nước.

Thứ nhất quyết định mua hay không đậu tương hay ngũ cốc của Mỹ tùy thuộc vào mức cung, cầu của từng nước châu Âu, chứ không thuộc thẩm quyền của Ủy Ban Châu Âu.

Thứ hai, như ghi nhận của Sébastien Poncelet chuyên gia về thị trường nông phẩm thuộc hiệp hội Agritel, việc châu Âu chuyển sang mua đậu nành của Mỹ là hiển nhiên, vào lúc đậu nành của Mỹ bị khách hàng Trung Quốc bỏ rơi, nên rẻ hơn so với đậu nành Brazil đến 60 đô la một tấn. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung càng gia tăng, đậu nành Brazil càng có giá. Trung Quốc do phản đối Hoa Kỳ áp dụng chính sách bảo hộ, nên phạt nông gia Mỹ, quay sang thị trường Brazil.

Nói cách khác, châu Âu không thể đem hồ sơ nông nghiệp ra mặc cả với Mỹ. Vả lại chính sách nông nghiệp của châu Âu là một trong những hồ sơ gây chia rẽ nhất trong số các thành viên. Bruxelles không thể nhân danh toàn khối để thương lượng với chính quyền Trump trên hồ sơ này. Cũng không có gì bảo đảm là các thành viên Liên Âu chấp nhận mua đậu nành của Mỹ, khi biết rằng 94 % trong số này là đậu chuyển đổi gen.

Tất cả những chi tiết phức tạp đó không cấm cản tổng thống Trump trên Twitter cho rằng ông đã ghi được một bàn thắng quan trọng.

Khí lỏng, tính khả thi xa vời

Cuối cùng, khi nhìn vào hứa hẹn châu Âu mua nhiều hơn khí lỏng của Mỹ, giới quan sát cho rằng, đây cũng lại là một thông báo để ru ngủ công luận và làm vừa lòng thành phần cử tri trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí Hoa Kỳ vốn ủng hộ Donald Trump. Đành rằng tổng thống Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ Đức mua dầu khí của Nga thay vì của đồng minh là Hoa Kỳ. Nhưng nhìn vào thực tế có nhiều lý do khiến khí lỏng của Mỹ kém hấp dẫn trong mắt châu Âu.

Lý do đơn giản và dễ hiểu nhất là hiện tại, nếu châu Âu mua khí lỏng của Mỹ, hóa đơn sẽ cao gấp đôi so với những gì đang phải thanh toán cho các tập đoàn của Nga. Kế tới, để năng lượng của Mỹ đến tay khách hàng trên Lục Địa Già, cần có cả một hệ thống đường ống dẫn. Washington hay Bruxelles sẽ tài trợ cho công trình cơ sở hạ tầng vừa tốn kém vừa dài hơi đó ? Cả Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đều im lặng khi cần trả lời hai câu hỏi này. Bộ trưởng Kinh Tế Đức nhấn mạnh : "Berlin sẽ mua khí đốt của Mỹ với điều kiện, giá cả phải chăng và phải có lợi cho kinh tế Đức".

Trump-Juncker thông báo "đình chiến" thương mại như thể là một màn trình diễn để chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean -Claude Juncker trấn an các thành viên trong đại gia đình châu Âu vào lúc Anh Quốc chuẩn bị rũ áo ra đi. Với tổng thống Donald Trump thì 100 ngày trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, cuộc họp báo với lãnh đạo châu Âu là một cơ hội để chứng minh với cử tri Mỹ rằng chính sách thương mại của ông đi đúng hướng và chỉ có Donald Trump mới đủ can đảm để buộc một đối thủ nặng ký là Liên Âu phải nhượng bộ.

Thực ra, ván bài thương mại thế giới phức tạp hơn nhiều.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.