Vào nội dung chính
MỸ - CHÂU ÂU

Thương mại Âu – Mỹ : Quyết định hưu chiến « mơ hồ »

Trục trặc đầu tiên kể từ thỏa thuận hưu chiến mậu dịch Âu-Mỹ ngày 25/07, tổng thống Pháp trình bày về chiến lược châu Âu mới tại Lisboa, tình trạng mùa hạ nóng bất thường tại Bắc Bán Cầu là một số tít lớn về thời sự quốc tế trên trang nhất các báo hôm nay, 30/07/2018. Trước hết về quan hệ Âu-Mỹ, Le Monde có bài phân tích : « Hoa Kỳ - Liên Hiệp Châu Âu, một quyết định hưu chiến thương mại mơ hồ ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) đối thoại với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker tại Nhà Trắng, Washington, 25/07/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) đối thoại với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker tại Nhà Trắng, Washington, 25/07/2018. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Xã luận Le Monde ghi nhận không khí hòa dịu tạm thời trở lại trong quan hệ Âu-Mỹ, với sự thay đổi giọng điệu bất ngờ của tổng thống Hoa Kỳ. Lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng mậu dịch bùng phát, ông Donald Trump chấp nhận thay các tối hậu thư liên tục được đưa ra để gây áp lực, bằng các thương thuyết được coi là nghiêm túc với Bruxelles. Cụ thể là, để đổi lấy việc Washington xem xét lại việc tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép và xe hơi của châu Âu, hai bên sẽ đàm phán để tạo điều kiện cho việc gia tăng mua hàng đậu tương và khí đốt từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo Le Monde, những điều kiện mà Washington đặt ra cho các thương lượng sắp tới là « đáng ngờ », và có cảm giác như Liên Âu chấp nhận đàm phán trong tình thế « súng kề tai ». Trước hết bởi biện pháp tăng thuế với thép và nhôm « bất hợp pháp » của tổng thống Mỹ đáng lẽ đã phải được hủy bỏ vô điều kiện. Bên cạnh đó là các điều kiện của thương lượng mà Washington đặt ra lại hoàn toàn đi ngược với các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), chấp nhận như vậy là tiếp tay cho tổng thống Trump phá hủy cơ chế thương mại đa phương.

Về phía Liên Âu, theo Le Monde, những hứa hẹn của Bruxelles là khó thực hiện, bởi khí đốt Mỹ đắt hơn khí đốt Nga gấp hai lần, thêm vào đó châu Âu sẽ phải bỏ tiền cho việc bổ sung các cơ sở hạ tầng đắt đỏ, để tiếp nhận khí đốt từ Mỹ. Với đậu nành, rõ ràng việc mua bán mặt hàng này không phải là một vấn đề chính trị, mà phụ thuộc vào giá cả và nhu cầu của thị trường.

Châu Âu nên theo đuổi mục tiêu dài hạn

Theo Le Monde, thỏa thuận giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và tổng thống Mỹ « dường như dựa trên một số tính toán trước mắt ». Chính quyền Trump hy vọng hạ bớt nỗi giận dữ của các nhà nông, của một bộ phận giới công nghiệp, vào lúc bối cảnh chiến tranh thương mại bắt đầu gây tác hại. Bên cạnh đó, việc xích gần lại với Liên Âu, « có thể được xem như một phương tiện để cô lập Trung Quốc, đối tượng lo ngại chính » của Washington.

Le Monde cảnh báo chính quyền Trump đang reo rắc sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu, với quyết định tạm hoãn việc tăng thuế xe hơi, khiến Đức hài lòng, nhưng Washington có thể đổi ý bất cứ lúc nào. Do vây, báo Pháp khuyến nghị các nước châu Âu nên kiên trì theo đuổi « mục tiêu dài hạn ». Đó là « sáng tạo lại một cơ chế kinh tế đa phương, vừa vững chắc hơn, nhưng cũng vừa công bằng hơn, trong khuôn khổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, cho dù có sự tham gia của Mỹ hay không ».

Hưu chiến Âu – Mỹ : Trục trặc đầu tiên

Về trục trặc đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Liên Âu sau thỏa thuận Trump-Juncker, Les Echos có bài : « Âu – Mỹ nói ngược nhau về nông nghiệp ».

Tờ báo kinh tế Pháp nhấn mạnh là « trò đánh bạc bịp » tiếp tục. Chỉ một ngày sau thỏa thuận hưu chiến với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, trong một buổi nói chuyện với giới làm nông tại tiểu bang Iowa, tổng thống Mỹ khoe là đã « mở được cửa thị trường nông nghiệp châu Âu », với việc Bruxelles cam kết sẽ « sớm mua » đậu nành của Mỹ. Ngay lập tức, Liên Âu bác bỏ thông tin của tổng thống Mỹ, tái khẳng định nông nghiệp hoàn toàn nằm ngoài thỏa thuận.

Lý giải về cách tuyên truyền của tổng thống Mỹ, Les Echos cho biết xuất khẩu hàng nông nghiệp là một chủ đề « hết sức nhạy cảm ». Hiện tại, lo ngại về tỉ lệ ủng hộ của cử tri xuống thấp ở căn cứ địa truyền thống ở miền Trung Tây, ít tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng Hòa đang tìm cách củng cố thế lực. Trong những tháng gần đây, giới làm nông ở khu vực này rất lo lắng về những hệ quả của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và viễn cảnh thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ bị xét lại.

Bầu cử giữa kỳ : Kinh tế quý 2 tăng mạnh, Trump lợi thế

Cho dù tâm trạng của giới làm nông miền Trung Tây nước Mỹ có gây lo ngại, tình hình chung của nền kinh tế Mỹ quý Hai vừa qua đang đặt chính quyền Trump ở thế thượng phong.

Le Monde cho hay, theo các số liệu thống kê, quý 2 vừa qua, tăng trưởng đạt 4,1%, mức cao nhất từ 2014. Hai ngày sau khi đạt thỏa thuận hưu chiến với Liên Âu, hôm thứ Sáu 27/07, ngay sau khi số liệu thống kê về kinh tế quý 2 được công bố, ông Donald Trump tổ chức họp báo tại Nhà Trắng, vui mừng khẳng định nền kinh tế Mỹ đang trên đà chấn hưng, rất nhiều khả năng trong 10 năm tới, Hoa Kỳ sẽ phồn thịnh hơn nhiều so với thời Obama và Bush.

Lý do của sự tăng trưởng đột biến này là do tiêu thụ tăng mạnh (4%), và cũng đồng thời do cải cách thuế. Các doanh nghiệp, được hưởng lợi, rút nhiều tiền lãi từ nước ngoài về hơn, khiến đầu tư trong nước tăng mạnh (7,3%).

Theo Le Monde, số liệu về tăng trưởng của kinh tế quý 2 2018 « có ý nghĩa quyết định » đối với cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 tới, bởi số liệu của quý Ba sẽ chỉ được công bố vào cuối tháng 10, ngay trước kỳ bầu cử, như vậy là « quá trễ » để có thể ảnh hưởng mạnh đến cử tri.

Về triển vọng của kinh tế Mỹ trong những tháng tới, Les Echos nhấn mạnh đến rất nhiều hoài nghi trong giới chuyên gia. Theo một số dự báo, trong hai quý còn lại của năm, tăng trưởng sẽ chững lại, thậm chí có nguy cơ tụt lùi trong năm tới, đặc biệt do giá cả nguyên liệu gia tăng.

« Ba vòng tròn đồng tâm » : Dự án châu Âu mới của Pháp

Chuyến đi Bồ Đào Nha để vận động cho một dự án châu Âu mới của tổng thống Pháp được Le Monde chú ý, với bài « Châu Âu ba tốc độ của Emmanuel Macron ».

Cuối tuần trước, thứ Sáu, 27/07, tổng thống Pháp có bài nói chuyện với sự hiện diện của thủ tướng Bồ Đào Nha. Đây là lần đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Pháp, Emmanuel Macron giới thiệu về dự án châu Âu mới, trong khuôn khố chương trình tham vấn công dân về tương lai trong 10, 15 năm tới của Liên Hiệp.

Theo Le Monde, dự án châu Âu của tổng thống Pháp lần này được thể hiện rõ ràng hơn lần trình bày đầu tiên tại Đại học Sorbonne tháng 9/2017. Ông Macron nói đến một châu Âu với « ba vòng tròn đồng tâm ».

Vòng thứ nhất ở ngoài cùng, tương đương với một liên minh rộng lớn giữa các nước châu Âu, được hình dung như là chặt chẽ hơn Hội Đồng Toàn Châu Âu (Conseil de l’Europe), nhưng lại mở rộng hơn Liên Hiệp Châu Âu hiện nay. Vòng thứ nhất là « một liên minh về giá trị, về nguyên tắc dân chủ và tự do kinh tế ». Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được mời tham gia với tư cách thành viên, hoặc thông qua « các thỏa thuận liên kết mật thiết ». Tổng thống Pháp nhấn mạnh là đây là một liên minh lỏng về tổ chức, nhưng đặt ra « yêu cầu rất cao » về các giá trị, về các chuẩn mực dân chủ.

Điểm cơ bản của « vòng tròn đồng tâm thứ hai » là một « thị trường thống nhất chặt chẽ ». Liên minh này nằm giữa Liên Hiệp Châu Âu hiện hành và khu vực đồng euro. Liên minh ở vòng thứ hai chia sẻ nhiều mục tiêu chung, như về quân sự, về thương mại, về kỹ thuật số, và điều căn bản khác là « tự do lưu thông thực sự trong nội bộ » các nước thành viên.

Vòng tròn đồng tâm trong cùng được coi là « bộ phận cốt lõi của lò phản ứng hạt nhân », có đặc điểm là « một thị trường lao động thống nhất hơn », có thể hướng đến « một chế độ bảo hiểm thất nghiệp chung ». Theo tổng thống Pháp, liên minh vòng trong cùng này sẽ cho phép « đi đến cùng logic của khu vực đồng euro » hiện nay.

Châu Âu « nhiều tốc độ » : Kẻ cơ hội khó thọc gậy bánh xe

Về bài nói chuyện của tổng thống Pháp, La Croix có bài xã luận « Macron với thách thức của châu Âu ». Theo tờ báo Công Giáo, tình hình hiện tại của Liên Hiệp Châu Âu, với các đe dọa trong ngoài liên tiếp, Liên Âu không thể tiếp tục con đường từ trước đến nay là tìm cách hàn gắn các rạn nứt. Cần phải có một dự án mới cho liên minh, đang ngày càng bị coi như một kẻ lâm bệnh. Dự án mà tổng thống Pháp vừa đưa ra là một nỗ lực theo hướng đó.

Cho dù một kế hoạch mang tính « co giãn » như trên, tỏ ra ở dưới mức mục tiêu đã được đề ra bởi các nhà tư tưởng, cha đẻ về một Liên Hiệp Châu Âu gắn bó, thì một dự án châu Âu nhiều tốc độ sẽ cho phép các quốc gia nào mong muốn tham gia. Việc xây dựng châu Âu như vậy sẽ tiến nhanh hơn, và quá trình này sẽ không bị cản trở bởi những quốc gia nào, vừa muốn được hưởng lợi từ châu Âu, nhưng lại không muốn đóng góp.

Khí hậu : Mùa hè đáng sợ ở Bắc Bán Cầu

Mùa hạ đáng sợ ở Bắc Bán Cầu là chủ đề chính của Libération. Xã luận Libération, với tựa đề « Khẩn cấp » nêu ví dụ nhiệt độ kỷ lục 52,9°C tại thung lũng Chết ở tiểu bang California, Hoa Kỳ, ngày 24/07. Tokyo cũng nóng kỷ lục với 39,8°C ngày 19/7. Cùng lúc đó, ở bên bờ biển Brents, trên bán đảo Scandinave, nhiệt độ ban đêm không xuống dưới 25°C, điều chưa từng thấy. Quốc gia Bắc Âu Thụy Điện vất vả đối phó với nạn cháy rừng.

Riêng tại Thuỵ Điển, bên cạnh nạn cháy rừng, nạn nhân chính của đợt nóng kỉ lục này là nông nghiệp, được đánh giá là thiệt hại gấp 10 lần cháy rừng.

Về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn chuyên gia về khí hậu François-Marie Bréon, với tựa đề « Cuộc chiến vì khí hậu đi ngược lại quyền tự do cá nhân ». Nhà khí hậu học Pháp đi thẳng vào vấn đề rất nhạy cảm, đó là để kìm hãm mức tăng nhiệt độ hiện nay, phải đưa ra các biện pháp giới hạn chặt việc tăng khí thải, cũng có nghĩa là nhắm trực tiếp vào các hành vi tiêu thụ, như tăng giá máy bay, hạn chế việc đi lại bằng xe hơi chạy xăng dầu…

La Croix cũng dành hồ sơ lớn hôm nay cho chủ đề « Các thành phố đang chuẩn bị chung sống với cái nóng ». Bên cạnh việc hạn chế xe cộ, hàng loạt biện pháp quan trọng khác cần làm như : đầu tư mạnh cho cây xanh, giảm mạnh dùng điều hòa nhiệt độ, thay thế đường nhựa – một vật liệu hút nhiệt rất mạnh - bằng các vật liệu khác…

Triều Tiên : Hài cốt lính Mỹ hồi hương, Washington phấn khởi

Về thời sự châu Á, báo Les Echos có bài về đợt hồi hương hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên cuối tuần trước, theo thỏa thuận song phương giữa Washington và Bình Nhưỡng. Cho dù đây chỉ là một vấn đề thứ yếu trong quan hệ Mỹ-Bắc Triều Tiên, nhưng việc chính quyền Bình Nhưỡng quyết định trao trả cho Mỹ thêm nhiều hài cốt binh sĩ được tờ báo đánh giá là một động thái hết sức tích cực với Washington, bởi kể từ ngày 12/6 đến giờ, chưa có gì để chính quyền Trump chứng tỏ thượng đỉnh với Kim Jong Un tại Singapore mang lại kết quả cụ thể.

Bầu cử Cam Bốt : Hun Sen khống chế hoàn toàn

Về phần mình, Le Monde có bài « Hun Sen khống chế hoàn toàn Cam Bốt », để nói về cuộc bầu cử diễn ra hôm qua, 29/07, mà đảng cầm quyền nắm chắc hoàn toàn phần thắng, vì không còn đối lập. Theo Le Monde, trong số gần 20 đảng (ngoài đảng của thủ tướng) tham gia, chỉ có ba, bốn đảng còn được coi là « đối lập » thực sự. Trong đó có đảng Dân Chủ Cơ Sở (Grassroots Democratic Party), do nhà tranh đấu Kem Ley lập ra (bản thân ông Kem Ley bị sát hại cách đây 2 năm). Theo blogger Cam Bốt Sokry Zharon, đa số các đảng mới lập ra sẽ sớm nở, tối tàn. Blogger nói trên là một trong những người sáng lập một diễn đàn thảo luận mở, vẫn còn tồn tại, hiện được một cơ sở tư vấn của Đức bảo trợ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.