Vào nội dung chính
CUBA - KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Cuba công nhận kinh tế thị trường nhưng không bỏ chủ nghĩa xã hội

Cuba chuẩn bị sửa đổi bản Hiến pháp năm 1976, công nhận thị trường và quyền tư hữu là những thành phần của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn không từ bỏ những nền tảng ý thức hệ của quốc gia cộng sản này.

Cuba sẽ công nhận nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân.
Cuba sẽ công nhận nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân. ©REUTERS
Quảng cáo

Hãng tin AFP hôm nay, 19/07/2018 cho biết bản dự thảo Hiến pháp mới, gồm 224 điều khoản, được soạn thảo bởi một ủy ban đứng đầu là bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Cuba Raul Castro và tân chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, theo dự kiến sẽ được đưa ra Quốc Hội vào thứ Bẩy, 21/07 để thảo luận và bỏ phiếu, trước khi đưa ra trưng cầu dân ý. Theo chính quyền La Habana, việc sửa đổi Hiến pháp này là cần thiết để tạo điều kiện cho việc mở cửa nền kinh tế Cuba cho đầu tư nước ngoài và cho tư nhân.

Sau 4 thập niên Cuba kiên quyết đi theo mô hình kinh tế tập trung, khi lên cầm quyền thay người anh Fidel năm 2008, ông Raul Castro mới bắt đầu tiến hành các cải tổ nhằm kích thích doanh nghiệp tư nhân. Theo các số liệu chính thức, hiện nay khu vực tư nhân ở Cuba sử dụng đến gần 600 000 người, tức là 13% dân số nước này. Sau khi đình chỉ trong một năm việc cấp phép cho khoảng 30 loại hoạt động kinh tế tư nhân để rà soát lại các quy định, vừa qua, chính quyền La Habana vừa cấp phép trở lại, nhưng tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân.

Theo nhật báo của Nhà nước Granma, Hiến pháp mới sẽ « công nhận vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân ». Sự công nhận này sẽ cho phép hợp thức hóa các xí nghiệp vừa và nhỏ.

Bản dự thảo Hiến pháp cũng nhìn nhận « tầm quan trọng của đầu tư ngoại quốc đối với sự phát triển của đất nước ». Thật ra thì hiện nay Cuba đã có cơ chế cho đầu tư nước ngoài, nhưng là để bổ sung cho đầu tư của Nhà nước, thông qua các liên doanh.

Tuy nhiên, dù công nhận thị trường và quyền tư hữu, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn tái khẳng định « bản chất xã hội chủ nghĩa » của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của Cuba và vai trò trung tâm của đảng Cộng Sản Cuba, « lực lượng lãnh đạo tối cao xã hội và Nhà nước ». Hôm thứ Ba vừa qua, tân chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã tuyên bố là « ở Cuba sẽ không có việc chuyển hướng sang tư bản ».

Bên cạnh những thay đổi về hệ thống kinh tế, Hiến pháp mới của Cuba cũng có vài bước tiến về hệ thống chính trị, vì bản dự thảo này công nhận Cuba là một « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và có chủ quyền », đồng thời khẳng định Nhà nước « bảo đảm các quyền của con người, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tư tưởng ». Theo nhận định của luật sư Cuba José Antonio Fernandez, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, việc công nhận Cuba là Nhà nước pháp quyền là « một thắng lợi lớn » đối với nền dân chủ, nhưng theo vị luật sư này các luật được ban hành sau đó phải theo đúng tinh thần của Hiến pháp mới.

Một điểm đáng chú ý khác đó là Hiến pháp mới sẽ lập ra chức vụ thủ tướng. Hiện chưa biết là vị thủ tướng này sẽ được chỉ định như thế nào, nhưng theo luật sư Fernandez mục tiêu của việc lập ra chức thủ tướng chắc là nhằm rút bớt những trách nhiệm hành pháp và hành chính cho chủ tịch và như vậy có thể sẽ giúp cân bằng tập trung quyền lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.