Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Điểm tuần báo Pháp

Trang nhất các tuần báo PhápTuần báo Le Point dành trang nhất cho « Sự hồi sinh của Hy Lạp », hàng tựa lớn chạy trên trên nền bức ảnh về hòn đảo du lịch nổi tiếng của đất nước này. Phía bên dưới là bức ảnh nhỏ với nụ cười rạng ngời của thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với câu phát biểu : « Trước đây, không ai có thể tin vào chuyện này ». Còn tuần báo L’Obs chạy tít : « Trận chiến ở cho kỳ bầu cử thị trưởng Paris đã bắt đầu. Tất cả đều chống lại thị trưởng Hidalgo ».

Một siêu thị ở thủ đô Athens. Kinh tế Hy Lạp đã dần phục hồi sau cơn khủng hoảng.
Một siêu thị ở thủ đô Athens. Kinh tế Hy Lạp đã dần phục hồi sau cơn khủng hoảng. ©FAYEZ NURELDINE/AFP
Quảng cáo

Trong khi đó, tuần báo L’Express giới thiệu với độc giả một gương mặt nổi tiếng trong giới văn sĩ Pháp : nhà văn Bernard Pivot, chủ tịch Viện Hàn Lâm Goncourt của Pháp qua hàng tựa « Pivot, những bí mật của một biểu tượng ». Tuần báo Courrier International lại quan tâm đến xe hơi và đặt câu hỏi : « Ô nhiễm, tắc đường : xe hơi không còn được ưa chuộng. Nhưng liệu chúng ta có thể sống thiếu xe hơi hay không ? »

Hồ sơ đặc biệt

Tuần báo L’Obs đặc biệt chú ý tới đề tài người nhập cư : « Di dân và chúng ta ». Bài xã luận mang tựa đề « Thảm kịch của sự khác nhau ». Hình ảnh những con tàu chở di dân lênh đênh trên biển những ngày qua khiến nhà xã luận của L’Obs đặt câu hỏi tại sao nhiều người từ bỏ đất nước ra đi mà không chắc chắn có thể tới đích ? Họ ra đi vì họ nghĩ rằng cuộc sống ở nơi khác tốt đẹp hơn. Nhưng tại sao họ nghĩ rằng cuộc sống ở nơi khác lại tốt đẹp hơn ? Bởi vì họ thấy rằng không có gì tồi tệ hơn cuộc sống của họ ở thời điểm hiện tại và tại nơi họ đang sống.

Đây là suy nghĩ của rất nhiều người ở các nước châu Phi đang bị nội chiến tàn phá. Chính suy nghĩ phải đi tìm cuộc sống ở những nơi khác với nơi họ đang sống đã đẩy họ tới các cuộc phiêu lưu nguy hiểm và khiến các nước châu Âu phải đón tiếp nhiều di dân những ngày qua bị chỉ trích là ác độc khi từ chối tiếp đón 630 di dân trên con tàu Aquarius.

Trong khi đó, tuần báo Courrier International tổng hợp hồ sơ lớn 7 trang với nhiều bài viết xoay quanh chủ đề xe hơi : bài viết « Liệu chúng ta đang tiến tới « ly dị » xe hơi ? » đăng trên báo Anh The Guardian, « Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh » từ báo Chinadialogue, bài viết « Diesel, con đường người Đức phải lựa chọn » của Washington Post, « Những con đường xanh giúp Bangkok thoát nạn tắc đường, kẹt xe » của báo Khaosod, Thái Lan và bài « Một thành phố không bãi đậu xe hơi » từ báo Detroit Free Press.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, tuần báo L’Express dành 13 trang cho các biểu tượng bằng hình ảnh : « Các émoji chinh phục hành tinh và khối óc con người ». Các biểu tượng hình ảnh hiện « thống trị » mọi màn hình máy tính, điện thoại thông minh và được cư dân mạng trên toàn thế giới sử dụng trong tin nhắn, bình luận trên các mạng xã hội… L’Express đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi liệu các biểu tượng hình ảnh émoji có phải là một ngôn ngữ toàn cầu mới, hay là triệu chứng của sự suy giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói chung, hay là tổng hợp cả hai ?

Hy Lạp liệu đã hồi sinh ?

Tuần báo Le Point nói về« sự hồi sinh » của Hy Lạp. Nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis cho biết sau 8 năm khủng hoảng, khả năng tiêu dùng của người dân Hy Lạp đã giảm 40%, 30% dân số sống trong cảnh nghèo đói, 45% thanh niên thất nghiệp. Những người có công ăn việc làm thì cũng chỉ được trả lương rất thấp. Người Hy Lạp đa phần không còn sức để tiếp tục « chiến đấu ». Còn theo quan sát của bác sĩ tâm lý Marina Oikonomou, thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần Athens, sự suy sụp tinh thần đã len lỏi vào từng gia đình : hộ dân nào cũng có một vài người thất nghiệp. Tỉ lệ tự sát và tỉ lệ dùng thuốc an thần để giảm stress đã tăng 30%. Số nợ khổng lồ của Hy Lạp là 320 tỉ euro - 180% PIB nước này.

Cách đây 3 năm, Hy Lạp đang trên bờ phá sản, nhưng nay quốc gia này đang gượng mình đứng dậy, nhiều người bắt đầu hình dung Hy Lạp sắp thoát khỏi đường hầm tối tăm. Theo đặc phái viên tuần báo Le Point tại Athènes, nhiều công ty khởi nghiệp ra đời, không chỉ nhắm tới thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường quốc tế. Mặc dù theo Stavros Messinis, người sáng lập ra hiệp hội các startup Hy Lạp các công ty khởi nghiệp không giải quyết được nạn thất nghiệp trên diện rộng nhưng cacs start up lại cho ra đời một thế hệ chủ doanh nghiệp mới.

Từ một năm nay, các chỉ số kinh tế của Hy Lạp đã chuyển biến theo hướng tích cực. Một chuyên gia theo dõi sát sao các cuộc thương lượng giữa Athènes và Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định thủ tướng Alexis Tsipras đã làm tốt công việc của mình.

Rất đông du khách quốc tế quay trở lại Hy Lạp và góp phần vực dậy kinh tế nước này. Nếu trong năm 2016, Hy Lạp chỉ đón 27 triệu du khách quốc tế thì theo dự báo, con số này trong năm 2018 sẽ là 37 triệu du khách. Không chỉ du lịch, mà các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, xây dựng hạ tầng cơ sở và năng lượng cũng có cơ hội tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis nhận định sau 8 năm không nghiên cứu, không đầu tư, với 500.000 thanh niên rời bỏ Tổ quốc để ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai, Hy Lạp sẽ phải mất thêm hai năm mới có thể khôi phục chất lượng sản xuất.

Một điểm yếu là công tác tổ chức Nhà nước và các cơ quan hành chính công. Tại Liên Hiệp châu Âu, Hy Lạp là nước mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất nhưng chỉ được hưởng ít dịch vụ nhất. Cải cách Nhà nước là một thử thách lớn, vì theo nhà nghiên cứu chính trị Ilias Nikolopoulos, chỉ có 15% công chức Hy Lạp làm việc thực sự, số còn lại chỉ « ăn không, ngồi rồi », « ngồi chơi, xơi nước ». Một cơn ác mộng khác đối với người dân Hy Lạp và các nhà đầu tư nước ngoài là các đạo luật chồng chéo nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau.

Le Point nhận định, cuộc khủng hoảng đã để lại « những vết sẹo sâu » cho Hy Lạp và sẽ phải mất nhiều năm thì những vết sẹo mới mờ đi.

Liệu con người đã sẵn sàng từ bỏ xe hơi ?

Nếu như trước đây, xe hơi là biểu tượng của tự do, độc lập, các cuộc phiêu lưu, thậm chí là quan hệ tình dục phóng khoáng thì nay ô tô tượng trưng cho sự gò bó và độc hại. Tác giả của bài viết mà tuần báo Le Courrier International dịch từ báo Anh The Guardian khẳng định sự bùng nổ tình yêu dành cho xe hơi đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu : ¼ lượng khí CO2 thải ra trên toàn thế giới là từ ô tô và xe hơi là nguyên nhân gây ra cái chết cho 1,3 triệu người/năm. Và giờ đây, khắp nơi trên thế giới, xe hơi không còn được ưa chuộng nhiều như trước đây. Số người trẻ tuổi lái xe hơi tại Anh Quốc đã giảm mạnh. Tại Mỹ, vào năm 1984, khoảng 92% thanh niên có bằng lái xe hơi, nhưng nay tỉ lệ trên đã giảm 15%.

Nhưng từ bỏ ô tô không phải là điều dễ dàng, vì thói quen đi xe hơi đã ăn sâu vào xã hội, từ công việc tới giải trí. Cuộc sống của người Mỹ gắn với xe hơi, cho dù họ biết ô tô là nguồn gây nguy hiểm, tắc đường và « ngốn » rất nhiều tiền. Tác giả Cotten Seiler kết luận : « Chúng ta không còn yêu xe hơi, và có thể là chúng ta chưa bao giờ thực sự yêu chúng, nhưng chúng ta vẫn luôn kết đôi với chúng ».

Hiện tốc độ và quy mô bùng nổ xe hơi tại Trung Quốc tương tự như tại Mỹ hồi giữa thế kỷ XX. Nhưng với quy mô dân số khổng lồ và các vấn đề ô nhiễm môi trường mà nước này đang phải đối mặt, thì các nhà sản xuất xe hơi buộc phải cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ xe hơi không người lái, thay xăng dầu bằng các nhiên liệu giá rẻ nhưng không phát thải khí CO2.

Trong bài viết « Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh » Courrier International dịch từ báo Chinadialogue, tác giả Liu Shaokun cho biết vốn nổi tiếng vì ô nhiễm không khí và nạn kẹt xe, nhiều đô thị lớn tại Trung Quốc đang hy vọng khắc phục được vấn đề thông qua cải tạo các phương tiện giao thông công cộng và đầu tư phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khuyến khích người dân đi xe đạp trong thành phố. Xe đạp hiện là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại nhiều thành phố ở Trung quốc. Năm 2017, Hàng Châu đã đạt một giải thưởng quốc tế về dịch vụ xe đạp công cộng, còn Thâm Quyến mới đây đã cải tạo hệ thống xe bus sang dùng điện 100%.

Mạng lưới tàu xe chạy trên đường ray (métro, xe điện, xe lượn một đường ray …) của hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải dày đặc, có tần suất cao hơn và có nhiều hành khách hơn cả ở Luân Đôn và Paris. Thành phố Quảng Châu thì lại phát triển mạng lưới xe bus tốc độ cao với nhiều đường chạy riêng. Còn Thượng Hải thì đầu tư phát triển đường dành riêng cho người đi bộ và những tuyến đường thông thoáng cho xe đạp.

Nhiều thành phố khác, trong đó có Vũ Hán và Nam Kinh, ưu tiên phát triển xe đạp điện. Năm 2014, Trung Quốc có hơn 200 triệu xe đạp điện. Xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại phổ thông nhất của nhiều gia đình, nhất là ở những nơi giao thông công cộng kém phát triển.

Kể từ khi dịch vụ xe đạp công cộng phát triển, số chuyến đi ngắn dưới 5km bằng xe hơi đã giảm, chẳng hạn giảm 5% ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy nếu chính quyền tìm được các phương tiện giao thông bền vững thay thế xe hơi thì cư dân thành thị sẽ chẳng ngần ngại từ bỏ ô tô. Tại Nam Ninh, Trung Quốc, 45% số người đi xe đạp điện có xe hơi nhưng họ không sử dụng.

Còn tại quốc gia Đông Nam Á Thái Lan, chính quyền Bangkok đang tiến hành một cuộc cách mạng nhỏ : thực hiện dự án đường dài 10km dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp dọc các con kênh phía tây nam thủ đô. Tác giả bài viết « Những con đường xanh giúp Bankok thoát nạn tắc đường, kẹt xe » cho biết đây sẽ là một giải pháp thực thụ cho những người không muốn đi xe hơi.

Còn thành phố Detroit, thủ phủ xe hơi của Mỹ, lại chọn giải pháp giảm số bãi đậu xe để khuyến khích người dân chuyển sang các phương tiện khác ít ô nhiễm hơn. Từ lâu nay, các quy định về quy hoạch không gian tối thiểu cho các bãi đậu xe đã khiến chi phí xây dựng bị đẩy lên cao, nhiều bãi đậu xe một tầng hoặc nhiều tầng đầy rẫy thành phố trông xấu xí. Tác giả bài viết « Một thành phố không bãi đậu xe » cho rằng các bãi đậu xe gây lãng phí không gian, nhưng cần kiên trì chờ đợi vì người dân sẽ làm mọi việc để bảo vệ chỗ đậu xe của họ. 95% thời gian xe hơi nằm trong bãi đậu xe. Đối với người Mỹ, xe hơi không chỉ là một phương tiện đi lại, họ gắn bó với xe hơi như một thứ tôn giáo. Và họ sẽ sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ tôn giáo đó.

Du khách quốc tế làm gì khi tham quan các nước Đông Nam Á ?

Trên lĩnh vực du lịch, tuần báo Courrier International dịch và giới thiệu bài viết « Đông Nam Á : Du khách làm gì ? » đăng trên báo The Straits Times của Singapore. Vào năm 1992, năm Cam Bốt tổ chức kỳ tổng tuyển cử quốc gia đầu tiên sau nhiều thập kỷ nội chiến, chỉ có 90.000 du khách quôc tế tới Cam Bốt. Con số này là hơn 2 triệu trong năm 2017. Cam Bốt trở thành một trong những điểm đến được du khách quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, giờ đây đi tham quan Cam Bốt lại là những trải nghiệm không mấy thích thú của du khách. Năm ngoái, Aspara - cơ quan quản lý khu di tích Angkor - quyết định hạn chế số khách được treo lên đỉnh đồi Phnom Bakheng để ngắm mặt trời lặn.

Tại Thái Lan, cơ quan quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã ra lệnh đóng cửa vịnh Maya, trên đảo Phi Phi. Tàu thuyền sẽ không được cập bến ở vùng biển nổi tiếng này từ tháng Sáu đến tháng Chín. Còn tổng thống Duterte hồi tháng Tư ban hành lệnh cấm du khách tới thăm đảo Boracay trong vòng 6 tháng để tránh nguy cơ môi trường bị phá hủy. Quyết định của tổng thống Philippines bị đánh giá là quá khắt khe. Cái thời mà du khách được tự do tới các địa điểm tham quan đã qua. Báo Straits Times cho rằng việc hạn chế lượng du khách và thời điểm đóng cửa các khu du lịch sẽ ngày càng tăng, trong khi các nhà chức trách rất khó hạn chế lượng du khách vẫn đổ xô tới các khu du lịch nổi tiếng này.

Trở lại với đảo Boracay, Philippines, đối với các chuyên gia trong ngành công nghiệp du lịch, vấn đề chủ yếu không phải à do có quá nhiều du khách mà là các nhà quản lý, quy hoạch nơi đây mắc nhiều sai lầm. Tại Thái Lan cũng vậy, theo dự báo, năm nay Thái Lan đón 38 triệu du khách. Trong khi theo Ngân Hàng Thế Giới, Pháp - quốc gia có dân số và diện tích tương đương với Thái Lan - hồi năm 2016 đã đón tới 83 triệu du khách.

Các điểm đến du lịch ở Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với tình trạng chưa từng có. Sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ và lượng du khách Trung Quốc giàu tác động tiêu cực tới cân bằng sinh thái ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Bali, số du khách năm nay là khoảng 7 triệu người, so với 5,6 triệu du khách hồi năm ngoái, chủ yếu là do du khách Trung Quốc tăng (1.3 triệu người vào năm 2017) và sinh thái ở Bali hiện đang bị tàn phá nghiêm trọng. Số du khách Trung Quốc tới đảo Phuket, Thái Lan vào năm 2017 cũng tăng 20 % so với năm 2016.

Ông Utung Pratama, thuộc Diễn đàn môi trường Indonésia giải thích vấn đề nằm ở chỗ rác rưởi bị vứt bừa bãi ở các bãi biển, trong khi các khu nghỉ dưỡng hút cạn kiệt nguồn nước ngầm, còn các nhà kinh doanh du lịch không hề tính tới các hậu quả đối với môi trường, sinh thái.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.