Vào nội dung chính
TÂY BAN NHA - COLOMBIA

Tây Ban Nha – Colombia tranh cãi vì hàng tấn vàng

Vào năm 1708, chiếc thuyền buồm San José của Tây Ban Nha bị hải quân Anh tấn công ngoài khơi bờ biển Colombia. Chìm theo chiếc San José là hơn 200 tấn vàng, bạc và đá quý.

Trận hải chiến ở ngoài khơi Cartagena, Colombia, ngày 28/05/1708 và tàu San Jose bị chìm do nổ khoang thuốc súng.
Trận hải chiến ở ngoài khơi Cartagena, Colombia, ngày 28/05/1708 và tàu San Jose bị chìm do nổ khoang thuốc súng. (@wikipedia.com)
Quảng cáo

Ba năm sau khi phát hiện nơi đắm tầu, Viện Hải Dương học Woods Hole (WHOI), cơ quan có tham gia vào công trình tìm kiếm, vừa được chính phủ Colombia cho phép công bố các bức ảnh mới và cung cấp một số chi tiết về cách thức phát hiện ra xác tầu.

Hơn ba thế kỷ đã trôi qua, chiến thuyền San José vẫn tiếp tục là tâm điểm cuộc xung đột. Nếu như cách nay 310 năm, San José phải đối đầu với hải quân Anh, giờ đây là một cuộc chiến mới giữa Tây Ban Nha và Colombia. Nguyên nhân giao chiến lần này chỉ vì kho báu của chúng trị giá hơn 10 tỉ euro.

Ngược dòng lịch sử, San José lần cuối cùng rời cảng Portobelo, Panama ngày 28/05/1708, để vượt Đại Tây Dương nguy hiểm, chở theo toàn bộ kho báu được khai thác từ các mỏ vàng, đá quý của Pêru. Vương quốc Tây Ban Nha thời kỳ đó cũng trong giai đoạn khủng hoảng chính trị. Ông Alain Hugon, giáo sư sử học hiện đại trường đại học Caen kể lại với báo Le Figaro :

« Châu Âu lúc bấy giờ bị xâu xé bởi cuộc chiến kế vị ngôi báu tại Tây Ban Nha. Sau khi vua Charles II qua đời, vị vua cuối cùng của dòng họ Habsbourg Tây Ban Nha, Philippe V, công tước xứ Anjou và là đồng minh của Louis XIV (vua nước Pháp) lên ngôi. Và các mối liên minh đã bị chao đảo hoàn toàn ». Ngày 15/05/1702, Vương quốc Anh, Vương quốc các tỉnh thống nhất và Áo tuyên chiến với Pháp và tân vương trẻ Tây Ban Nha.

Ngày 07/06/1708, đội tầu chiến gồm có chiếc San José, được trang bị đến 62 khẩu đại bác, cập bán đảo Baru, phía nam Cartagena. Vì gió lớn đông bắc, hạm đội này buộc phải neo qua đêm. Sáng sớm hôm sau, đội tầu Tây Ban Nha bị một đại đội Anh Quốc tấn công. Sử gia Alain Hugon cho biết tiếp :

« Phần lớn thời gian, chiến dịch quân sự này nhằm mục đích chặn đội tầu. Nhưng không may mắn là chiếc San José, kho thuốc súng bị trúng đạn và bắt lửa. ». Chiếc tầu phát nổ và bị đắm ngoài khơi, cách bờ biển Cartagena de Indias 30 km vào lúc hoàng hôn, mang theo nó là 600 nhân mạng và cả kho hàng quý giá.

Giờ đây, chiếc San José, nằm sâu 600m dưới lòng biển, là tâm điểm tranh chấp quyền sở hữu kho báu giữa Tây Ban Nha và Colombia. Ông Michel L’Hour, giám đốc Cục Tìm Kiếm Cổ Vật dưới nước và bằng tầu ngầm ở Marseille (Drassm) giải thích quan điểm của Tây Ban Nha :

« Madrid dựa vào luật cờ hiệu được quốc tế công nhận. Luật này quy định việc bị đắm không làm đứt đoạn quyền sở hữu. Các quyền sở hữu chính đáng vẫn được giữ nguyên vẹn. Nguyên tắc này cho phép Tây Ban Nha thắng một vụ kiện nhắm vào những người đi săn kho báu Mỹ liên quan đến xác tầu đắm Mercedes năm 2008 ».

Thế nhưng, Colombia không ký kết các thỏa thuận quốc tế như vậy. Vẫn theo ông Michel L’Hour, về mặt lý thuyết điều đó không gây ra vấn đề gì. Ông giải thích tiếp :

« Nhưng với điều kiện là những kho báu đó phải được trưng bày trong một bảo tàng và có thể được một nhóm khoa học thật thụ nghiên cứu. Không may là chúng tôi khá lo ngại cho chuyện sau đó của kho báu. Colombia không có ký hiệp ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Khi người ta nói đến vật báu của tàu San José, tôi thật sự lo rằng người ta nói đến khoản tiền khổng lồ thì đúng hơn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.