Vào nội dung chính
RSF - TỰ DO BÁO CHÍ

« Hận thù giới làm báo », củi khô đốt nền dân chủ

Báo chí trên thế giới tiếp tục bị đàn áp kỷ lục trong năm 2017. Báo cáo của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố ngày 25/04/2018 báo động về tình trạng « căm ghét giới truyền thông » đang lan ra ở nhiều châu lục, kể cả tại châu Âu và Hoa Kỳ. Hư thực và hệ quả nguy hiểm ra sao ?

Nhà báo Alexandre Sokolov bị chính quyền Nga kết án 3 năm rưỡi tù (Ảnh chụp site Phóng viên không biên giới)
Nhà báo Alexandre Sokolov bị chính quyền Nga kết án 3 năm rưỡi tù (Ảnh chụp site Phóng viên không biên giới) (Capture d'image site rsf.org)
Quảng cáo

Báo chí bị tấn công, nền dân chủ bị đe dọa. Trên đây là nhận định của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) trong bản tổng kết tình hình 2017.

Trump, Putin, Tập, khắc tinh của tự do báo chí

Trước hết, RSF tố cáo ba đại cường thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc đứng đầu xu hướng chống tự do báo chí nhưng với những biện pháp và quy mô khác nhau.

Tại Trung Quốc, xếp hạng 176 trên 180, chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng công nghệ mới, áp đặt một mô hình xã hội dựa trên việc kiểm soát thông tin và theo dõi công dân. Bắc Kinh tìm cách « xuất khẩu » mô hình đàn áp này ra phần còn lại của châu Á, thiết lập « trật tự thế giới mới » trong ảnh hưởng của Trung Quốc.

Khá hơn Trung Quốc, nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, hạng 148, cũng không ngừng bóp nghẹt báo chí qua các đạo luật chống quyền tự do thông tin, xem các cơ quan truyền thông độc lập là « nhân viên » của nước ngoài theo nghĩa nhậy cảm. Các đài truyền hình Nhà nước hàng ngày ra sức tuyên truyền cho dân tộc chủ nghĩa trong khi những nhà báo Nga muốn bảo vệ thông tin độc lập, ít nhất là 5 người, đã vào nhà giam trong năm 2017. RSF còn tố cáo Matxcơva xuất khẩu « tuyên truyền » ra thế giới, qua trung gian đài Russia Today và hãng thông tấn Sputnik.

Donald Trump, tuy là tổng thống thứ 45 của « siêu cường thế giới tự do » cũng thường xuyên gièm pha, công kích các phóng viên, thậm chí mượn một câu nói của Stalin, lên án phóng viên là « kẻ thù của nhân dân ». Hệ quả là nước Mỹ bị xuống hai bậc trong bảng xếp hạng từ 43 xuống 45.

Theo nhận định của Christophe Deloire, tổng thư ký tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, điều đáng lo ngại, là hiện tượng thù ghét nhà báo đã lan đến các nền dân chủ khác nhau : Nhà báo ở Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte (xếp thứ 133) được cảnh báo là « không bảo đảm an toàn »; tại Ấn Độ của thủ tướng Narendra Modi (138), nhiều đảng thuê dư luận viên sách động giết ký giả.

Lo ngại tại châu Âu

Nhưng trong các nước bị xuống hạng thảm nhất, từ 10 đến 18 điểm, có bốn thành viên Liên Hiệp Châu Âu : Cộng Hoà Séc 34, Slovakia 27, Malta 65 và Serbia 77. Tổng thống Séc, Milos Zeman, trong một cuộc họp báo, giương khẩu súng AK bằng nhựa có hàng chữ : dành cho nhà báo. (Cựu) thủ tướng Slovakia, Robert Fico gọi nhà báo là « gái điếm », còn tại Malta, một nữ phóng viên điều tra tham nhũng bị sát hại bằng chất nổ.

Theo Phóng Viên Không Biên Giới, những sự kiện này là dấu hiệu cho thấy mô hình tự do báo chí, một trong những cột trụ của nền dân chủ, suy yếu.

Mồi dẫn hỏa : Lòng hận thù nhà báo

Nước Pháp, do các quốc gia láng giềng tụt hạng, lên được sáu bậc, đứng hạng 33. Tuy nhiên, Phóng Viên Không Biên Giới khuyến cáo hiện tượng một số nhà chính trị, không ngần ngại gièm pha, vu khống báo chí, lên đến đỉnh điểm trong cuộc bầu cử tổng thống 2017, nay vẫn chưa ngưng. RSF dẫn trường hợp lãnh đạo đảng cánh tả « La France Insoumise » (Nước Pháp Bất Khuất), Jean - Luc Melanchon, gần đây còn tuyên bố « hận thù những cơ quan truyền thông và những kẻ điều hành là hành động đúng đắn và lành mạnh ».

RSF cảnh báo : « Công kích vai trò chính đáng của nhà báo là đùa với lửa. Một nền dân chủ không chỉ bị tiêu diệt vì một cuộc đảo chính mà nó còn có thể bị những ngọn lửa nhỏ thiêu sống. Hận thù nhà báo là những nhánh củi đầu tiên ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.