Vào nội dung chính
SYRIA - HOA KỲ

Syria : Chiến lược của Trump vẫn mơ hồ

Ba ngày sau các vụ không kích của Mỹ, Pháp, Anh, chiến lược của liên minh phương Tây đối với Syria vẫn chưa rõ ràng. Tại Washington, tình hình càng rối mù hơn, vì tổng thống Trump có vẻ như hành động theo cảm tính nhiều hơn, do vậy, chiến lược của Mỹ lại càng « tiền hậu bất nhất ».

Một binh sĩ Syrai đang quay video khu trung tâm nghiên cứu khoa học gần Damas, bị phá hủy sau vụ tấn công của liên minh ba bên, ngày 14/04
Một binh sĩ Syrai đang quay video khu trung tâm nghiên cứu khoa học gần Damas, bị phá hủy sau vụ tấn công của liên minh ba bên, ngày 14/04 REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :

« Khi ông Donald Trump vào cuối tháng 3 vừa qua thông báo sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Syria, đó chỉ là quyết định của cá nhân ông, và điều này khiến các cố vấn quân sự của ông bị bất ngờ. Sau đó, họ đã phải nói rõ : Hoa Kỳ chỉ rút quân khỏi Syria một khi mối đe dọa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bị loại trừ hoàn toàn. Để khỏi bị mất mặt, Lầu Năm Góc đã làm ra vẻ đang vạch ra một kế hoạch triệt thoái, nhưng không xác định lịch trình cụ thể.

Cho nên, khi tổng thống Emmanuel Macron ngày 15/04 tuyên bố ông đã thuyết phục được đồng nhiệm Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng ở Syria, ông đã gây xáo trộn ở Washington. Nhà Trắng quả là khó mà chấp nhận rằng tổng thống Pháp có vẻ như đang đề ra chiến lược cho nước Mỹ.

Tiếp đến, Nhà Trắng đã phải khẳng định là Hoa Kỳ không có ý định can dự lâu dài ở Syria, nhưng tuyên bố là quân Mỹ sẽ tiếp tục ở lại khu vực này, trái với điều mà ông Trump thông báo. Quả là không dễ gì hiểu được chiến lược này.

Một ví dụ khác cho thấy sự rối ren hiện nay : Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã thông báo là ngày 16/04 Hoa Kỳ sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, đồng minh của chế độ Damas. Nhưng chỉ vài giờ sau, Nhà Trắng lại tuyên bố có thể sẽ không có những trừng phạt mới đối với Nga hoặc những biện pháp này sẽ được ban hành sau.

Vì sao lại có sự thay đổi như vậy ? Theo tờ Washington Post, có thể chính tổng thống Trump cuối cùng đã quyết định là hãy khoan đụng đến Matxcơva, mặc dù trong những ngày qua ông đã không ngừng lên án nước Nga. »

Trong khi đó, tại Pháp, hôm qua, 16/04/2018, thủ tướng Edouard Philippe đã ra trước Quốc Hội để trình bày lý do vì sao tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định tham gia không kích vào các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học của chế độ Bachar al-Assad. Nhưng nhiều dân biểu đối lập đã chỉ trích cuộc can thiệp vào Syria, cho rằng đây chỉ là một cuộc « biểu dương lực lượng một cách biểu tượng », hoặc cho đây là một hành động « vi phạm luật pháp quốc tế ».

Tại Anh Quốc, thủ tướng Theresa May chiều qua cũng đã ra trước Quốc Hội để biện minh cho chiến dịch oanh kích vào Syria. Nhiều dân biểu Anh Quốc cũng đã chỉ trích việc Luân Đôn tham gia vào cuộc can thiệp quân sự này « theo lệnh của Mỹ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.