Vào nội dung chính
PHÁP - Ả RẬP XÊ ÚT

Pháp–Ả Rập Xê Út: Hướng tới một thế "đối tác chiến lược mới"?

Hoàng tử kế vị Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane tiếp tục hành trình « quyến rũ » phương Tây. Sau chuyến thăm Mỹ - ba tuần - là chuyến thăm Pháp ba ngày. Paris và Ryiad trông đợi gì từ chuyến công du của vị hoàng tử được cho là có tư tưởng cải cách ? Kênh Truyền hình France 24 có bài nhận định về chuyến công du này của hoàng tử Ả Rập Xê Út.

Hoàng tử kế vị Ả Rập Xê Út trong buổi gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/03/2018.
Hoàng tử kế vị Ả Rập Xê Út trong buổi gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/03/2018. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Ở lại Pháp ba ngày, nhưng trên thực tế, chuyến viếng thăm chính thức của hoàng tử kế vị Mohammed ben Salmane, hay còn được gọi là MBS, chỉ kéo dài có hai ngày, bắt đầu từ ngày thứ Hai 09/04/2018. Với điện Elysée, số ngày thăm chính thức không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng của mối quan hệ song phương này.

Paris xem chuyến thăm này là một sự kiện ngoại giao quan trọng, dù rằng chuyến thăm Pháp chỉ được thực hiện sau chuyến công du ba tuần ở Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian đó, hoàng tử nối ngôi của quốc vương Salmane, đã thực hiện một chiến dịch « quyến rũ » bên cạnh các chính khách và các tác nhân chính của nền kinh tế Mỹ, với kết quả là nhiều hợp đồng được ký kết.

Thế nhưng phía Pháp khẳng định không cảm thấy quan ngại trong cách đối xử khác biệt của Ryiad giữa Washington và Paris. Bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố « không tự ái mà cũng không thất vọng », bởi vì chuyến viếng thăm này sẽ là cơ hội để tổng thống Emmanuel Macron và Mohammed ben Salmane cùng thông báo « một mô hình đối tác chiến lược » mới.

Một « tầm nhìn chung »

Cho đến hiện nay, tình trạng của mối quan hệ Pháp – Ả Rập Xê Út, vốn dĩ đã được thắt chặt trong suốt nhiệm kỳ của ông François Hollande, chỉ dừng ở mức số hợp đồng, thường là vũ khí, được ký kết với vương quốc dầu hỏa Hồi Giáo, theo hệ phái Wahhabit. Do đó, vẫn theo một nguồn tin ngoại giao với France 24, « giờ không có chuyện chạy theo từng hợp đồng như trước đây, mà phải đi theo một tầm nhìn chung xung quanh một phương pháp hợp tác mới dựa trên cơ sở phát triển kinh tế và công nghệ ».

Nước Pháp có ý định hỗ trợ Mohammed ben Salmane, người đang đi tìm cách đưa ra thế giới hình ảnh tự do hơn về vương quốc hà khắc của mình trong trong quá trình chuyển đổi và mở cửa kinh tế Ả Rập Xê Út, bị đánh giá là quá lệ thuộc vào nguồn thu dầu hỏa.

Một kế hoạch cải cách mang tên « Tầm nhìn 2030 » đã được đưa ra vào tháng 4/2016. Chương trình cải cách này đi kèm chung với việc hình thành quỹ đầu tư dồi dào nhất thế giới nhằm hiện đại hóa vương quốc, thích ứng với diện mạo năng lượng mới và thu hút đầu tư.

Nguồn tin ngoại giao Pháp cho rằng : « Trong khuôn khổ chương trình này, nước Pháp có rất nhiều thứ để cung cấp trong nhiều lĩnh vực. » Từ năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, giao thông, y tế, văn hóa, kỹ thuật số cho đến cả công nghệ mới.

« Chúng tôi hy vọng đầu tư trong tất cả các lĩnh vực với Ả Rập Xê Út, dẫu biết rằng kiểu hợp tác định hướng theo đầu tư tương lai đương nhiên sẽ có những hệ quả kinh tế quan trọng ».

Về điểm này, AFP trích dẫn một nguồn tin ngoại giao Ả Rập Xê Út khẳng định hơn một chục văn bản thỏa thuận liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ được ký kết.

Hạt nhân Iran : Điểm bất đồng giữa Paris và Riyad

Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Pháp và hoàng tử kế vị Salmane gặp nhau. Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Liban, đích thân Emmanuel Macron đã đến gặp hoàng tử Salmane tại Riyad.

Tuy cuộc gặp diễn ra ngắn ngủi, vụ bắt giữ thủ tướng Liban ông Saad Hariri đã được giải quyết êm thắm. Nhân cuộc gặp này cả hai nước đã đề cập đến một số hồ sơ quốc tế quan trọng khác như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến tại Yemen, tình hình tại Syria.

Thế nhưng, theo France 24, điểm bất đồng lớn nhất hiện nay giữa Pháp và Ả Rập Xê Út chính là hồ sơ hạt nhân Iran. Dù ý thức được mối bận tâm của Mỹ và Ả Rập Xê Út, nhưng quan điểm của Paris cũng rất rõ ràng : Duy trì thỏa thuận đã được ký vào năm 2015.

Do đó, trong cuộc gặp ngày thứ Ba, tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với hoàng tử một vương quốc vốn dĩ « ghét cay ghét đắng » nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Một hoàng tử có cùng « nhịp đàn » với tổng thống Mỹ, người đang đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và 6 cường quốc khác trước ngày 12/05 tới đây.

Đương nhiên, « chương trình đối tác với Ả Rập Xê Út không cản trở nước Pháp đối thoại với toàn bộ các nước và các cường quốc khác trong khu vực, kể cả với Iran ». Nhưng việc nước Pháp muốn xác định lại vai trò cường quốc trung gian tại Trung Đông cũng không mấy dễ dàng. Phạm vi hoạt động của tổng thống Macron có vẻ rất hạn chế. Những ý định hòa giải gần đây của Pháp, cho dù đó là trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước trong vùng Vịnh với Qatar, hay trong cuộc chiến Yemen, tất cả đều bị Ả Rập Xê Út gạt bỏ.

Tại chảo lửa Trung Đông này, nơi mà mỗi cường quốc chỉ thích đẩy quân cờ của mình hơn là nhượng bộ, quả thật, vai trò trung gian hòa giải của Pháp sẽ khó mà tìm được một chỗ đứng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.