Vào nội dung chính
ANH - NGA

Vụ Skripal : Viện quân sự Anh khẳng định không có bằng chứng chất độc đến từ Nga

Vụ cựu điệp viên hai mang người Nga bị trúng độc, gây khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Matxcơva và phương Tây có thêm một diễn biến đáng chú ý. Hôm qua, 03/04/2018, một viện nghiên cứu Anh thông báo « không có bằng chứng nào » cho thấy chất độc phát hiện được đến từ Nga.

Cảnh sát vẫn cô lập nơi mà Sergei Skripal và cô con gái được tìm thấy bất tỉnh ở Salisbury, Anh Quốc. Ảnh ngày 3/04/2018.
Cảnh sát vẫn cô lập nơi mà Sergei Skripal và cô con gái được tìm thấy bất tỉnh ở Salisbury, Anh Quốc. Ảnh ngày 3/04/2018. Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, lãnh đạo viện nghiên cứu hóa chất quốc phòng Anh Quốc Porton Down, ông Gary Aitkenhead, khẳng định loại hóa chất mà hai cha con cựu điệp viên nhiễm phải đúng là Novitchok và chất độc thần kinh này đúng là một hóa chất được dùng trong quân sự. Ông nhấn mạnh là quá trình chế tạo ra loại hóa chất này « hết sức phức tạp » và « chỉ có một quốc gia mới có thể thực hiện được ». Tuy nhiên, lãnh đạo viện nghiên cứu quân sự Anh cũng thông báo không có bằng chứng nào là chất độc nói trên đã được Nga trực tiếp sử dụng trong trường hợp này.

Kết luận về chất độc Novitchok được một cơ quan quân sự Anh Quốc đưa ra ngay trước khi Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học nhóm họp, đã không chứng minh cho lập trường của Luân Đôn trong vụ việc này.

Chính phủ Anh ngay lập tức tuyên bố, các nghiên cứu của viện Porton Down chỉ là « một phần trong các điều tra » mà Anh đang tiến hành. Luân Đôn một lần nữa tái khẳng định Nga là quốc gia « sản xuất và sở hữu một số lượng nhỏ chất Novitchok », và trong quá khứ nhiều cựu điệp viện Nga đã trở thành « đối tượng » sát hại của điện Kremlin.

Phản ứng sau thông tin từ viện nghiên cứu quân sự Anh, tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng là cuộc họp hôm nay của Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học, tại La Haye, Hà Lan, sẽ giúp « đặt dấu chấm hết » cho nghi án đầu độc cựu điệp viên Skripal. Còn lãnh đạo cơ quan tình báo Nga thì kêu gọi phương Tây và Nga tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng giống như « khủng hoảng (tên lửa) Cuba » thời chiến tranh lạnh.

Chính quyền Nga cũng gửi 20 câu hỏi đến hội nghị của Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học để yêu cầu thảo luận chi tiết. Trong khi đó, ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm qua, 03/04, tuyên bố : đưa vấn đề điều tra về nghi án đầu độc cựu điệp viên ra thảo luận tại hội nghị ở La Haye là « chiến thuật đánh lạc hướng » của Matxcơva.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.