Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - NGA

Chuyên gia Pháp : Không phán xét Putin chuyên quyền dựa trên tiêu chí của Pháp

« Không nên phán xét tổng thống Nga Vladimir Putin chuyên quyền nếu chỉ dựa trên các tiêu chí của nước Pháp ».Trên đây là nhận định của bà Hélène Carrère d’Encausse, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, tác giả cuốn sách « Tướng De Gaulle và nước Nga » trong bài phỏng vấn đăng ngày 17/03/2018 trên báo Le Figaro.

Vladimir Putin phát biểu trước những người ủng hộ ông tại Matxcơva, ngày 18/03/2018.
Vladimir Putin phát biểu trước những người ủng hộ ông tại Matxcơva, ngày 18/03/2018. Yuri Kadobnov/POOL via Reuters
Quảng cáo

Nước Nga có còn nền dân chủ ?

Khi chúng ta nói đến dân chủ, đó là dân chủ là theo nhãn quan của người Pháp. Chúng ta vốn có hơn 1 thế kỷ rưỡi kinh nghiệm về dân chủ. Trong khi nước Nga chỉ mới có hai lần manh nha tiến tới dân chủ : lần đầu vào giai đoạn 1860-1880, khi Alexandre II muốn xóa bỏ chế độ nông nô, xây dựng chính quyền ở các địa phương. Nhưng Alexandre II bị ám sát vào năm 1881. Lần thứ hai là sau Cách Mạng 1905, khi bắt đầu có chế độ quân chủ lập hiến. Cách Mạng 1917 nổ ra, đặt dấu chấm hết cho nền quân chủ lập hiến.

Chỉ tới năm 1991, chế độ dân chủ mới khởi đầu ở Nga. 25 năm không là gì so với lịch sử ngàn năm của đất nước này ! Tuy nhiên, từ năm 1993, Nga đã có Hiến pháp và các thể chế dân chủ. Hiến pháp 1993 đã được soạn thảo với sự trợ giúp của các nhà soạn Hiến pháp của Pháp. Năm 2003, Putin đã từ chối sửa đổi Hiến pháp để có thêm một nhiệm kỳ, cho dù khi đó dân chúng rất ủng hộ ông về điểm này.

Điều mà chúng ta có thể tranh luận là việc vận hành các thể chế và khái niệm của các nhà lãnh đạo về dân chủ. Nước Nga có rất nhiều đặc thù : không gian mênh mông, trải rộng trên 17 triệu km2 khiến mối bận tâm đầu tiên của chính quyền Nga là kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ rộng lớn này, cũng như toàn bộ dân số đa sắc tộc và đa văn hóa vốn rất khó dung hòa.

Mục tiêu của Putin là thiết lập một nhà nước hùng mạnh ?

Khi trở thành tổng thống Nga, Putin đã công bố các mục tiêu ưu tiên. Trước tiên là giữ cho nước Nga được như trước khi Liên Xô tan rã và giữ cho Nhà nước, vốn thời đó gần như không còn tồn tại, không bị sụp đổ hoàn toàn. Để hoàn thành những mục tiêu lớn lao đó, để tái thiết được toàn bộ nước Nga và Nhà nước, để duy trì Nhà nước đó, cần phải có một thứ quyền lực mạnh, độc đoán. Đó là thứ quyền lực dựa vào những giá trị truyền thống của Nga, tư tưởng Nga, sức mạnh, ý nghĩa của Nhà nước và sự đoàn kết của xã hội.

Những ai là hình mẫu mà Putin noi theo ?

Hình mẫu đầu tiên của Putin là Pierre Đại đế, người muốn mở rộng Nga sang phương Tây và Tây hóa đất nước. Đó cũng là điều Putin cố gắng làm cho tới năm 2004. Đặc biệt, Putin noi theo Pierre Đại đế trong việc xây dựng một Nhà nước Nga và cố gắng đưa Nga thành một siêu cường, điều các sa hoàng đã từng mơ ước. Ngoài ra, Putin cũng chịu ảnh hưởng của Stolypine, thủ tướng thời Nicolas II, vốn được mệnh danh là người thay đổi xã hội Nga và phát triển sở hữu tư nhân. Xét về khía cạnh nào đó, Putin cũng chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của sa hoàng Alexandre III, người từng tuyên bố : « Các đồng minh tốt nhất của Nga chính là các hạm đội và quân đội Nga ».

Liệu Putin có luyến tiếc thời Xô Viết ?

Người ta thường trích dẫn một câu nói nổi tiếng của tổng thống Nga : « Ai không tiếc nuối thời Xô Viết là không có trái tim. Ai muốn quay trở lại thời Xô Viết là không có khối óc. » Nhưng thực ra, Putin không tiếc nuối hệ thống chính trị Xô Viết, điều mà ông ấy luyến tiếc là sức mạnh của Nga trên trường quốc tế và uy thế mà Nga có được nhờ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống phát xít.

Putin đã mang lại sự thay đổi cho nước Nga ?

Chắc chắn là như vậy, cho dù vẫn còn những mảng tối. Putin giữ được sự vẹn toàn không gian của nước Nga khi phá vỡ âm mưu nổi dậy của người Tchetchenia, tái lập hòa bình ở một mức độ nhất định tại Bắc Caucase và kiểm soát lại được vùng Kadyrov. Putin cũng đã xây dựng lại được quyền lực cho Nhà nước. Trái lại, ông ấy không thành công trong cải cách kinh tế. Cho tới năm 2004, nước Nga vẫn lệ thuộc vào nguồn lợi nhuận từ dầu lửa. Nền kinh tế Nga không được đa dạng hóa và hiện đại hóa. Putin cũng không giảm được nạn tham nhũng, vốn luôn làm người dân phẫn nộ.

Người dân Nga nghĩ gì về dân chủ ?

Người dân Nga vẫn còn những ký ức khủng khiếp về sự rối ren, chao đảo của xã hội trong những năm 1990. Họ mong muốn tới mức bị ám ảnh về việc làm thế nào để duy trì một xã hội ổn định. Chắc chắn là người Nga nào cũng ủng hộ dân chủ, nhưng điều họ quan tâm đầu tiên là có được cuộc sống tốt hơn. Putin đã đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ tới là giảm 50% số người nghèo đồng thời đảm bảo sự ổn định chính trị. Người Nga hy vọng với Putin, đất nước không quay lại thời kỳ rối ren.

Thành tựu địa chính trị của Putin là gì ?

Năm 1999, người Nga nghĩ rằng đất nước họ đã bị xóa sổ trên trường quốc tế. Các vụ không kích của NATO nhắm tới Serbia vào năm 1999 càng củng cố suy nghĩ của người Nga. Điều duy nhất Matxcơva còn giữ lại được từ vị thế một « siêu cường » là Nga vẫn là một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Nhưng vào thời đó, NATO đã quyết định không kích Serbia mà không thông qua Hội Đồng Bảo An vì sợ bị Nga phủ quyết.

Putin đã kết luận như vậy và nhiều lần nhắc lại rằng nhiệm vụ của ông là lấy lại vị thế cho nước Nga. Năm 2007, tại hội nghị Munich, Putin phát biểu Nga cần ưu tiên bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia. Cuộc chiến Gruzia 2008 đã cho phép Medvedev, khi đó là tổng thống Nga và Putin, khi đó là thủ tướng, chặn đứng khả năng Ukraina và Gruzia gia nhập NATO, điều mà Nga coi là không thể chấp nhận được.

Cùng cuộc chiến Gruzia và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, việc Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria là lần thứ ba Matxcơva phô trương sức mạnh và có những lợi ích thực sự. Nga đã chứng tỏ có khả năng quân sự và cho thấy quốc tế không thể tìm được giải pháp cho khu vực Cận Đông nếu thiếu vắng Nga. Cứu chế độ của tổng thống Syria Bachar Al Assad, Putin đã lật ngược ván cờ và nhắc lại rằng sự ổn định của Nhà nước là loại vũ khí hiệu quả nhất để ngăn chặn đà phát triển của khủng bố.

Chính sách của Putin với Hồi Giáo là gì ?

Trong lĩnh vực này, chính quyền hậu Xô Viết đã đạt được một thành công đáng kể. Người Hồi Giáo, vốn chiếm 15% dân số Nga, sống tập trung tại các vùng ở Tchetchenia, Bắc Caucasse, dọc sông Volga và Tatarstan, nơi có một Nhà nước Hồi Giáo nổi tiếng. Putin cũng cho xây dựng tại Matxcơva « nhà thờ Hồi Giáo lớn nhất châu Âu ».

Người ta thấy ở Nga có sự hợp tác giữa giới lãnh đạo Hồi Giáo, chính thống giáo Nga và chính quyền. Hiện nay, cho dù ở sát biên giới Nga có nhiều quốc gia Hồi Giáo đầy biến động, nhất là Afghanistan, nước Nga vẫn không phải lo lắng về các phong trào Hồi Giáo cực đoan. Người Hồi Giáo tại quốc gia này là người Nga theo đạo Hồi, nhưng trên hết, họ là công dân Nga.

Bà Hélène Carrère d’Encausse kết luận : Tướng Charles de Gaulle đã từng tuyên bố châu Âu sẽ trải rộng từ Atlantique tới dãy núi Ural, nhưng giờ phải nói là châu Âu sẽ trải rộng từ Atlantique tới tận Pacifique, bởi vì uy lực địa chính trị đang chuyển hướng về phía châu Á. Nước Nga là cầu nối giữa châu Á đang dần hùng mạnh lên và châu Âu. Phớt lờ nước Nga, quay lưng lại với Matxcơva có nghĩa là châu Âu tự tách rời khỏi châu Á, xa rời những thay đổi địa chính trị trong thế kỷ XXI.

Có lẽ nên đặt những mâu thuẫn, khủng hoảng giữa châu Âu với nước Nga trong bối cảnh có những xáo trộn về địa chính trị nói trên để nhìn nhận cho hợp lý. Và cũng không nên chỉ dựa trên những tiêu chí của nước Pháp về dân chủ mà đánh giá Putin là chuyên quyền. Cần chú ý đến cả cuộc cách mạng quyền lực ly kỳ đang diễn ra ở Trung Quốc, đất nước mà Nga hướng tới từ khi bị châu Âu cô lập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.