Vào nội dung chính
NGA - QUỐC TẾ

Kỷ lục cầm quyền, Putin vẫn còn "khiêm tốn"

Nếu tái đắc cử, ông Vladimir Putin rất có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ các nhà lãnh đạo « một phần tư thế kỷ cầm quyền » khi mãn nhiệm kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn còn xa các mức kỷ lục do Fidel Castro (Cuba), Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên) hay Mouammar Kadhafi (Libya) nắm giữ.

Tượng bán thân Vladimir Putine theo mầu cờ Nga.
Tượng bán thân Vladimir Putine theo mầu cờ Nga. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Hãng tin Pháp AFP (18/03/2018) lược sơ lại hành trình cầm quyền của ông Putin. Được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng chính phủ năm 1999, Vladimir Putin được bầu làm tổng thống năm 2000. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, năm 2008, ông giao điện Kremlin cho thủ tướng chính phủ hiện nay là Dmitri Medvedev và trở thành thủ tướng chính phủ. Rồi ông lại trở thành tổng thống năm 2012.

Tưởng Giới Thạch hay Fidel Castro

Thế nhưng, lịch sử đương đại cho thấy là có một vài lãnh đạo cầm quyền đến hơn 40 năm. Kỷ lục tại vị lâu nhất thuộc về cố chủ tịch Cuba Fidel Castro, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1959, và chỉ nhường lại quyền hành cho em trai Raul sau 49 năm ở vị trí người đứng đầu Nhà nước.

Lãnh đạo theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, ông Tưởng Giới Thạch cũng cầm quyền trong vòng 47 năm dưới nhiều chức danh khác nhau, ban đầu là tại Trung Quốc rồi sau đó là tại Đài Loan khi chạy đến đây tị nạn vào năm 1949.

Á quân thứ hai là lãnh tụ Kim Nhật Thành, điều hành đất nước Bắc Triều Tiên trong vòng 46 năm và xếp thứ tư là lãnh đạo Libya bị lật đổ, ông Mouammar Kadhafi. Người này cai trị đất nước liên tục 42 năm cho đến khi bị giết chết vào tháng 10/2011 sau khi những làn sóng phản đối chuyển thành xung đột có vũ trang.

Trong cuộc tranh tài về kỷ lục nắm giữ quyền lực, các nước châu Phi cũng không kém cạnh : Omar Bongo Ondimba (Gabon) là 41 năm, Teodoro Obiang Nguema (Guinea Nhiệt đới) là 38 năm. Hay như Paul Biya tại Cameroun, vừa mừng thọ 85 tuổi cũng có đến 35 năm cầm quyền. Ông này giờ đang ngấp nghé tranh cử nhiệm kỳ thứ 7.

Tại châu Á, ngoài Tưởng Giới Thạch và Kim Nhật Thành, hiện nay "vô địch" cầm quyền thuộc về thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt, liên tục điều hành xứ Chùa Tháp từ 33 năm qua. Theo sau là giáo chủ Ali Khamenei tại Iran cũng có hơn 28 năm cầm quyền.

Nói tóm lại là ông Vladimir Putin, chỉ với 18 năm cầm quyền, vẫn còn phải nỗ lực nhiều mới mong được gia nhập vào câu lạc bộ các nhà độc tài trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.